Người dân Liên hiệp châu Âu (EU) đang trải qua những ngày hè ảm đạm. Sự phục hồi kinh tế chậm chạp, biến động hình sin của các thị trường chứng khoán và tình trạng thất nghiệp cao trong khu vực từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 chưa có dấu hiệu được cải thiện.Biếm họa của Tạp chí Nhà kinh tế (Anh). Đáng lo ngại hơn cả là Hy Lạp, nền kinh tế một thời là 'ngôi sao đang lên' của châu Âu, đã lần thứ hai trong vòng một năm phải kêu gọi sự giúp đỡ của các thành viên EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tránh sự đổ vỡ có thể tạo ra phản ứng dây chuyền với quy mô và mức độ trầm trọng tương tự như vụ phá sản ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ vào tháng 9-2008.Giấc mơ châu Âu và gánh nặng nợ nầnTrong những năm 90 của thế kỷ 20, Hy Lạp là một trong những quốc gia Nam Âu thể hiện nhiệt tình và quyết tâm cao gia nhập Khu vực đồng ơ-rô (EUROZONE). Mong muốn này của Hy Lạp nhận được sự hỗ trợ nhiệt...
Người dân Liên hiệp châu Âu (EU) đang trải qua những ngày hè ảm đạm. Sự phục hồi kinh tế chậm chạp, biến động hình sin của các thị trường chứng khoán và tình trạng thất nghiệp cao trong khu vực từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Biếm họa của Tạp chí Nhà kinh tế (Anh).
Đáng lo ngại hơn cả là Hy Lạp, nền kinh tế một thời là 'ngôi sao đang lên' của châu Âu, đã lần thứ hai trong vòng một năm phải kêu gọi sự giúp đỡ của các thành viên EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tránh sự đổ vỡ có thể tạo ra phản ứng dây chuyền với quy mô và mức độ trầm trọng tương tự như vụ phá sản ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ vào tháng 9-2008.
Giấc mơ châu Âu và gánh nặng nợ nần
Trong những năm 90 của thế kỷ 20, Hy Lạp là một trong những quốc gia Nam Âu thể hiện nhiệt tình và quyết tâm cao gia nhập Khu vực đồng ơ-rô (EUROZONE). Mong muốn này của Hy Lạp nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các nước thành viên EU và được cụ thể hóa bằng các khoản vay ưu đãi nhằm tạo điều kiện để Hy Lạp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước. Tháng 6-2000, Hy Lạp được công nhận đáp ứng các tiêu chí gia nhập EUROZONE.
Trong giai đoạn 2000-2007, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 4,2%, Hy Lạp là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong EU. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, Chính phủ Hy Lạp đã chấp nhận duy trì thâm hụt ngân sách cao và tỷ lệ nợ công luôn ở mức hơn 100% GDP. Theo số liệu của IMF, vốn đầu tư gián tiếp, cụ thể là phát hành trái phiếu của chính phủ cho các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ lệ lớn trong thặng dư cán cân thanh toán của Hy Lạp. Sự gia tăng các khoản đầu tư công quy mô lớn, bao gồm các công trình phục vụ Đại hội Ô-lim-pích A-ten 2004 khiến các khoản nợ của Chính phủ Hy Lạp tăng nhanh. Tuy nhiên, bất chấp gánh nặng nợ nần ngày càng tăng, Hy Lạp vẫn tiếp tục nhận được sự ưu ái của các thành viên EU thông qua các biện pháp hỗ trợ (Hy Lạp là một trong những nước nhận được nhiều viện trợ nhất của EU). Nguyên nhân một phần là do các cơ quan chức năng của Hy Lạp đã 'đánh bóng' các con số và báo cáo về tình hình kinh tế đất nước để chứng minh Hy Lạp vẫn tiếp tục tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí ổn định tài chính vĩ mô khắt khe của EU.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã để lại hậu quả to lớn đối với kinh tế Hy Lạp và phơi bày những yếu kém trong mô hình phát triển kinh tế của nước này. Sự suy giảm các ngành chủ chốt là du lịch và đóng tàu khiến kinh tế Hy Lạp rơi vào khó khăn và dần mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Hệ quả tất yếu là ngày 27-4-2010, công ty xếp hạng tín dụng Standards & Poor's đã đánh tụt hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống mức có khả năng vỡ nợ. Động thái này được coi là tín hiệu khởi đầu cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và là cú sốc tiếp theo đối với kinh tế châu Âu sau vụ vỡ nợ của Ai-len.
Bài toán nan giải
Cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp cộng hưởng tình trạng tài chính vĩ mô đáng báo động tại một loạt quốc gia như Ai-len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… khiến EUROZONE chịu sự chỉ trích và áp lực nặng nề. Dư luận tỏ ra bức xúc trước tình trạng các nước thành viên EUROZONE thiếu các cơ chế hữu hiệu đối phó khủng hoảng, đồng thời thiếu hệ thống giám sát liên quốc gia để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng vĩ mô cũng như kiểm tra tính trung thực của các dữ liệu, báo cáo của các quốc gia thành viên. Một số ý kiến thậm chí đề xuất giải pháp tạm thời đưa Hy Lạp ra ngoài EUROZONE cho tới khi tình hình ổn định trở lại. Giải pháp này đương nhiên không được các nước thành viên chấp nhận, nhất là các thành viên chủ chốt như Đức và Pháp do lo ngại khả năng EUROZONE tan rã và những tác động tiêu cực tiến trình nhất thể hóa châu Âu. Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Đa-vốt tháng 1-2011, Thủ tướng Đức A.Méc-ken, Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di và Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn đều khẳng định quyết tâm tiếp tục thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế trong EU. Lãnh đạo các nước EU nhấn mạnh, đồng ơ-rô là biểu tượng của EU và nếu đồng ơ-rô sụp đổ thì EU sẽ sụp đổ.
Ngoài những phát biểu ý kiến thể hiện quyết tâm chính trị, các nước thành viên EU đã có những động thái cụ thể nhằm cứu trợ Hy Lạp. Tháng 5-2010, EU và IMF đã thống nhất về gói giải cứu trị giá 110 tỷ ơ-rô cho Hy Lạp. Điều đáng nói là để đổi lấy khoản cứu trợ này, Chính phủ Hy Lạp buộc phải áp dụng các biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' khắc nghiệt, trong đó có những biện pháp tác động trực tiếp đời sống người dân như: cắt giảm 8% các khoản chi tiêu công và 3% lương công chức, tăng thuế giá trị gia tăng lên mức cao nhất là 23%, tăng độ tuổi nghỉ hưu của công chức từ 61 lên 65, áp dụng các mức thuế đặc biệt đối với lợi nhuận doanh nghiệp. Hệ quả là việc triển khai các biện pháp này không đem lại kết quả do sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại Thủ đô A-ten và một số thành phố lớn của Hy Lạp ngay sau khi nội dung gói giải cứu được công bố.
Sau gần một năm, tình hình kinh tế Hy Lạp không những không được cải thiện mà còn có xu hướng trầm trọng hơn và đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần thứ hai. Rút kinh nghiệm từ gói giải cứu lần thứ nhất, các nước thành viên EUROZONE và IMF phối hợp tiếp tục đưa ra các biện pháp giải cứu được cho là vừa mang tính cấp bách vừa có tính dài hạn. Một mặt, tại Hội nghị cấp cao bất thường ngày 21-7 vừa qua, EU nhất trí thông qua gói giải cứu lần thứ hai trị giá 109 tỷ ơ-rô trên cơ sở giảm lãi suất và giãn nợ, đồng thời kêu gọi các tổ chức tài chính tư nhân hỗ trợ Hy Lạp trên cơ sở tự nguyện với quy mô 37 tỷ ơ-rô. Mặt khác, EU thống nhất gói các biện pháp dài hơi đối phó khủng hoảng như thiết lập quỹ cứu trợ thường trực châu Âu từ năm 2013 với tổng số vốn 750 tỷ ơ-rô. Đồng thời, EU cũng thống nhất triển khai cơ chế phối hợp chính sách tài khóa thông qua giám sát ngân sách quốc gia và tiến hành rà soát kế hoạch chi tiêu và định hướng chính sách kinh tế của các nước thành viên trước khi trình QH các nước này thông qua.
Kịch bản nào cho EU
Gói giải cứu lần thứ hai của EU dành cho Hy Lạp được thông qua trước mắt đã giúp tạm thời ổn định các thị trường tài chính trong khu vực. Dư luận quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực của EU huy động sức mạnh của cả hệ thống tài chính vào hỗ trợ các nước thành viên. Tổng thống Pháp Xác-cô-di đánh giá, với việc thông qua các biện pháp cứu trợ cho Hy Lạp, EU đã 'nhất trí tạo dựng được tiền đề đầu tiên của Quỹ Tiền tệ châu Âu'. Tuy nhiên, không ít ý kiến hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp sẽ được triển khai, nhất là khả năng huy động khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ Hy Lạp. Thêm vào đó, những con số mới được công bố về tình hình nợ công tại một loạt cường quốc kinh tế tại châu Âu như Anh, I-ta-li-a càng phủ thêm bóng mây u ám về triển vọng kinh tế khu vực trong thời gian tới.
Trước mắt, khả năng Hy Lạp rời khỏi EUROZONE tạm thời được loại trừ. Tuy nhiên, một trong những câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay liên quan triển vọng liên kết kinh tế EU và triển vọng đồng ơ-rô trong thời gian tới. Bài học Hy Lạp và trước đó là Ai-len đã cho thấy hậu quả tiêu cực từ việc các quốc gia vì quá mong muốn gia nhập EUROZONE đã quyết định áp dụng những biện pháp thiếu thận trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự chênh lệch trình độ kinh tế giữa các nước thành viên trong EUROZONE, cụ thể là giữa Đức, Pháp với Hy Lạp, Ai-len… khiến quá trình phối hợp chính sách trong nhiều trường hợp trở nên khó khăn. Một số nhà kinh tế cho rằng, do thực hiện đồng tiền chung ơ-rô, các nước EU không thể sử dụng lãi suất và tỷ giá làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng EU không có chính sách lương, giá và thị trường lao động, hàng hóa đủ linh hoạt để bình ổn vĩ mô trước cú sốc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc hỗ trợ các nước thành viên kém phát triển cũng làm tăng gánh nặng tài chính đối với EU, đồng thời khiến tổ chức này gánh chịu chỉ trích về việc sử dụng lãng phí các nguồn lực lẽ ra phải được dành cho các mục tiêu tăng trưởng bền vững và dài hạn chung của khối.
Dư chấn toàn cầu
Hệ lụy dễ nhận thấy nhất của khủng hoảng nợ công châu Âu là tác động tiêu cực triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Từ đầu năm 2011, nhiều tổ chức quốc tế đã nhận định, kinh tế thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại do một loạt nhân tố, trong đó có khủng hoảng nợ công châu Âu. Một số nền kinh tế châu Âu, trong đó có Hy Lạp, Bồ Đào Nha được dự đoán sẽ tăng trưởng âm trong năm 2011. Trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra tác động dây chuyền tới một loạt các quốc gia châu Âu và các định chế tài chính lớn với những hậu quả khó lường đối với kinh tế thế giới. Đáng lo ngại hơn, khủng hoảng nợ công châu Âu đã bộc lộ tính thiếu bền vững của sự phục hồi kinh tế thế giới từ sau khủng hoảng tài chính 2008-2009. Việc triển khai các gói kích cầu tuy đã góp phần kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn tại nhiều quốc gia, song không giải quyết được những hạn chế căn bản trong mô hình phát triển kinh tế của nhiều nước. Không phải ngẫu nhiên mà khủng hoảng nợ công đang có xu hướng lan rộng tại những nền kinh tế tương đối phát triển tại châu Âu vốn theo đuổi chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng trong một thời gian dài mà điển hình là Hy Lạp.
Không chỉ tại châu Âu, việc giải quyết vấn đề nợ công tại nhiều quốc gia khác cũng gặp phải không ít chỉ trích. Mới đây, QH Mỹ đã thông qua thỏa thuận nâng trần nợ và cắt giảm chi tiêu với nội dung nâng trần nợ thêm ít nhất 2.100 tỷ USD nhằm đáp ứng chi tiêu của chính phủ tới năm 2013. Việc thông qua thỏa thuận này bước đầu có thể giúp Mỹ tránh nguy cơ vỡ nợ tức thì, nhưng thực chất chỉ là giải pháp tình thế. Một số nhà kinh tế đánh giá việc thông qua những thỏa thuận tương tự sẽ khuyến khích chính quyền Mỹ tiếp tục xu hướng nới lỏng chi tiêu công mà không chú trọng giải quyết vấn đề thâm hụt kép (thâm hụt ngân sách và thương mại) tồn tại dai dẳng trong nhiều năm nay.
Trước mắt, những bất ổn kinh tế tại EU đã tác động mạnh luồng vốn ra và vào khu vực. Từ giữa năm 2010 tới nay, luồng vốn đầu tư gián tiếp đã có xu hướng đổ vào các nền kinh tế đang nổi tại châu Á – Thái Bình Dương, thay vì các nước châu Âu. Tình trạng này đã góp phần làm gia tăng sức ép lạm phát đối với nhiều nền kinh tế đang nổi và tạo nên bong bóng tài chính do các luồng vốn ngắn hạn vừa qua có xu hướng tập trung chủ yếu vào thị trường chứng khoán và bất động sản tại các nước này. Một loạt các tổ chức quốc tế như IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa qua đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo các nền kinh tế đang nổi tại châu Á về những nguy cơ của luồng vốn 'nóng' có tính chất gián tiếp đang tiếp tục có xu hướng đổ vào khu vực. Việc các nước EU tập trung nguồn lực đối phó khủng hoảng nợ công cũng có khả năng tác động tới nguồn vốn ODA từ EU ra bên ngoài. Trong khuôn khổ hợp tác G20, nhiều nước EU là thành viên G20 vừa qua đã nhất trí về các biện pháp củng cố tài khóa với nội dung chính là cắt giảm các khoản chi tiêu công nhằm giảm gánh nặng ngân sách. Đồng thời, cũng có những lo ngại nhất định cho rằng những khó khăn kinh tế nội tại của EU có thể làm tăng xu hướng bảo hộ tại một vài nước thành viên.
Nhiều đánh giá cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công tại EU cộng hưởng những vấn đề kinh tế của các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản… dường như đang đẩy nhanh quá trình chuyển giao sức mạnh kinh tế từ các nước phát triển sang các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển. Thời gian gần đây, các nền kinh tế đang nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước tại châu Á – Thái Bình Dương được thừa nhận đóng vai trò 'động lực' thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục chừng nào châu Âu và phần nào đó là Mỹ chưa tìm ra lời giải cho bài toán nợ công nan giải đang ám ảnh các nền kinh tế này suốt thời gian vừa qua.
Theo Nhandan
Ý kiến ()