Khủng hoảng ngoại giao giữa Liban và các nước vùng Vịnh
Căng thẳng ngoại giao giữa Liban với bốn quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Bahrain (Ba-ren), Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia (A-rập Xê-út) và Kuwait (Cô-oét) bùng phát gây lo ngại làm tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế đang “ốm yếu” của Liban. Tổng thống Liban đã lên lộ trình hạ nhiệt căng thẳng với các quốc gia vùng Vịnh nhằm tránh cho tình hình xấu đi.
Mối quan hệ giữa Liban với các quốc gia vùng Vịnh đang rạn nứt nghiêm trọng sau các phát biểu được cho là thiếu thiện chí của Bộ trưởng Thông tin Liban George Kordahi (G.Co-đa-di) liên quan chiến dịch quân sự của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen. Nhằm bày tỏ sự phản đối, cả bốn quốc gia vùng Vịnh nói trên đã triệu đại sứ tại Liban về nước. Ngoài ra, Saudi Arabia, Bahrain và Kuwait còn yêu cầu đại diện ngoại giao của Liban tại nước họ rời đi trong vòng 48 giờ. UAE cũng đã khuyến cáo công dân nước này nhanh chóng rời khỏi Liban.
Sau cuộc họp khẩn của Chính phủ Liban, Bộ trưởng Ngoại giao Liban Abdallah Bou Habib (A.B.Ha-bíp) bày tỏ hy vọng nước này sẽ sớm giải quyết được cuộc khủng hoảng với các nước vùng Vịnh và tái khẳng định cam kết về trách nhiệm của mình trước khối Arab. Tổng thống Michel Aoun (M.A-un) và Thủ tướng Najib Mikati (N.Mi-ca-ti) của Liban đã nhất trí về lộ trình giải quyết tranh cãi ngoại giao giữa nước này và Saudi Arabia. Thủ tướng Liban Najib Mikati tái khẳng định cam kết của Chính phủ Liban trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Saudi Arabia, đồng thời kêu gọi các đối tác Arab “bỏ qua” cuộc khủng hoảng ngoại giao này.
Liban không muốn tranh cãi ngoại giao sẽ tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế vốn đang rơi vào khủng hoảng của quốc gia này. Tổng thống Aoun thừa nhận, Liban đang đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng, gồm hệ quả của cuộc nội chiến tại quốc gia láng giềng Syria, làn sóng người tị nạn tràn vào nước này bên cạnh tác động của các vụ nổ tại cảng Beirut và quyết định gần đây của các quốc gia vùng Vịnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Liban. Ông lưu ý rằng, hiện Chính phủ Liban cũng đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dựa trên một kế hoạch phục hồi nhằm tái thiết nền kinh tế thông qua việc thực hiện những cải cách cần thiết.
Nền kinh tế Liban phụ thuộc rất lớn vào các nước vùng Vịnh, khi GCC là thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ yếu và là các nhà đầu tư nước ngoài quan trọng của Liban. Theo thống kê, 30% lượng hàng hóa xuất khẩu của Liban bán sang thị trường các nước vùng Vịnh, với tổng trị giá 891 triệu USD, trong đó thị trường Saudi Arabia chiếm kim ngạch lớn nhất với 44%, tiếp đến là UAE và Kuwait. Khủng hoảng ngoại giao với các nước GCC có thể khiến kinh tế Liban thiệt hại khoảng 388,5 triệu USD mỗi năm. Vùng Vịnh cũng là thị trường việc làm quan trọng đối với nhiều lao động Liban.
Chính phủ mới được thành lập của Thủ tướng Mikati phải chật vật tìm cách vực dậy nền kinh tế. Liban hiện rất cần các gói hỗ trợ tài chính từ cộng đồng quốc tế, nhất là IMF. Tuy nhiên, để có được các gói hỗ trợ, Beirut phải thúc đẩy các cải cách kinh tế – tài khóa sâu rộng và giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng. Nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước vùng Vịnh không được giải quyết có thể dẫn tới những biện pháp bổ sung từ GCC chống Liban và có nguy cơ nền kinh tế nước này đứng bên bờ sụp đổ hoàn toàn. Liên đoàn Arab (AL) lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự xấu đi nhanh chóng trong mối quan hệ giữa các nước vùng Vịnh với Liban, đồng thời kêu gọi các nước vùng Vịnh cân nhắc việc thực hiện các biện pháp để tránh gây thêm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của quốc gia Trung Đông.
Theo Nhandan
Ý kiến ()