Khủng hoảng năng lượng bao trùm thế giới trong năm 2021
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đặt ra một bài toán chưa từng có trong việc vừa giải tỏa “cơn khát” nhiên liệu, vừa đảm bảo sự cân bằng trên thị trường và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
Giá khí đốt tăng gấp 3 lần từ đầu năm. Giá dầu mỏ “phi mã” hơn 40%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá than leo thang khoảng 60%. Khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên, cùng với đó là áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt, tác động nặng nề tới đời sống người dân.
Nhiều doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa do thiếu điện và nguyên liệu sản xuất, dẫn tới hiệu ứng dây chuyền là một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.
Đây là những gì mà thế giới đã và đang chứng kiến năm 2021 trong bối cảnh hầu hết các nước chuyển sang xu hướng thích ứng an toàn với COVID-19 và mở cửa trở lại nền kinh tế.
Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đặt ra một bài toán chưa từng có đối với thế giới trong việc vừa giải tỏa “cơn khát” nhiên liệu, vừa đảm bảo sự cân bằng trên thị trường và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, đồng thời vẫn thực hiện những cam kết chống biến đổi khí hậu.
Đây không phải lần đầu tiên thế giới đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, song “cơn khát” lần này bùng nổ đúng vào thời điểm các nước đẩy mạnh tốc độ hồi phục kinh tế sau hơn một năm đóng cửa do dịch bệnh.
Điều này đã gây ra “hiệu ứng domino” trên toàn cầu, tác động của khủng hoảng năng lượng có thể cảm nhận trên khắp thế giới, từ các nước công nghiệp hàng đầu tới các nền kinh tế phát triển.
Chi phí nhiên liệu tăng cao khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn tới nguồn cung các mặt hàng thiếu hụt, giá cả tăng mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu xuất hiện khủng hoảng, tạo ra những nhân tố bất ổn cho thế giới vốn đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19.
Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi giá khí đốt tăng hơn 180% và giá xăng tăng gấp đôi kể từ đầu năm, CPI cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1982.
Tại châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, giá khí đốt tăng khoảng 500%, giá điện của Liên minh châu Âu (EU) tăng gấp đôi kể từ đầu năm, kéo theo lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên mức cao nhất trong 24 năm.
Tại Anh, giá khí đốt bán buôn đã tăng 420% trong 9 tháng đầu năm, mức tăng đột biến khiến ít nhất 26 nhà cung cấp năng lượng của Anh bị phá sản chỉ trong vòng 4 tháng, khoảng 50 nhà cung cấp bên bờ vực vỡ nợ hoặc hoạt động cầm chừng, trong khi nhiều công ty ở nước này gián đoạn hoạt động vì không có nhiên liệu.
Giá than đá tăng mạnh khiến Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cùng với Ấn Độ sử dụng tới 65% lượng than tiêu thụ trên toàn cầu, bị thiếu điện nghiêm trọng, khiến 2/3 khu vực tại nước này buộc phải giảm mức tiêu thụ hoặc cắt điện luân phiên, hoạt động sản xuất bị đình trệ và cuộc sống người dân bị đảo lộn, thậm chí ảnh hưởng mang phạm vi rộng hơn bởi Trung Quốc được ví như “công xưởng của thế giới.
Tình trạng thiếu điện buộc nhiều nhà máy của Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng hoặc ngừng hoạt động.
Thời gian giao hàng kéo dài, cộng thêm ngành vận tải biển vốn đã đối diện với tình trạng tắc nghẽn trên đường vận chuyển, nên việc giao quần áo, đồ chơi, hàng hóa điện tử xuất khẩu của Trung Quốc vào dịp lễ cuối năm nay tiếp tục bị trì hoãn lâu hơn.
Các nhà máy cắt giảm sản lượng cũng khiến cho nguồn cung chip vốn đã căng thẳng sẽ tiếp tục khan hiếm.
Trung Quốc là nước cung ứng kim loại ròng lớn nhất toàn cầu, chiếm ít nhất 1/3 nhu cầu của thế giới, việc một số nhà máy luyện kẽm và nhôm của nước này phải cắt giảm sản lượng khiến cho giá cả mặt hàng này tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Giá nhiên liệu tại Ấn Độ đã tăng 25%, trong khi tình trạng gần một nửa số nhà máy nhiệt điện của Ấn Độ (63 trong số 135), cung cấp khoảng 70% lượng điện của nước này, có nguồn cung cấp than chỉ còn tương đương dưới hai ngày, khiến hầu hết các bang ở miền Bắc bị cắt điện liên tục 14 giờ mỗi ngày.
Hồi tháng 10, mạng lưới điện quốc gia của Liban đã bị sập sau khi 2 nhà máy điện quan trọng nhất nước này cạn kiệt nhiên liệu.
Thậm chí, tới những ngày cuối năm này, trùng với thời điểm mùa Đông ở châu Âu và châu Á, tình trạng khủng hoảng năng lượng vẫn chưa chấm dứt, khiến hóa đơn tiền điện sẽ trở nên quá đắt đỏ, các gia đình phải chống chọi với cái lạnh và hoạt động kinh doanh ở nhiều nơi bị trì trệ.
Nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng tại mỗi nước có thể khác nhau, song có một điểm chung là các nguồn cung dầu mỏ, khí đốt, than đá đều không bắt kịp đà hồi phục kinh tế toàn cầu sau một năm đình trệ do các lệnh phong tỏa để phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, khi nhiều nước thu hẹp đầu tư cho nhiên liệu truyền thống nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải, tiến trình chuyển đổi sang nhiên liệu tái tạo vẫn chưa hoàn chỉnh để có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng năng lượng của người dân.
Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng tái tạo không đáp ứng đủ, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh, càng “làm khó” các nước trong việc đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định nhu cầu sử dụng năng lượng toàn cầu sẽ tăng trong năm 2022, nhất là khi các hoạt động kinh tế, đi lại, du lịch quốc tế dần nối lại.
Ông Damien Courvalin, trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt mức cao mới trong các năm 2022 và 2023, và giá dầu thô có thể quay về mức 100 USD/thùng.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo giá năng lượng sẽ tăng trong năm 2022, có thể gây ra những rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với tình hình lạm phát tại nhiều nước đang phát triển trên thế giới và nếu điều này tiếp diễn có thể gây sức ép cho tăng trưởng tại các nước nhập khẩu năng lượng.
Trong bối cảnh này, chính phủ nhiều nước đã thực hiện một số biện pháp trong ngắn hạn nhằm giải quyết tạm thời tình trạng thiếu hụt năng lượng. Trung Quốc và Ấn Độ đã hối thúc các công ty trong nước tăng sản lượng khai thác than, giảm lượng điện cung ứng cho các nhà máy có mức tiêu thụ cao như công ty luyện thép hay xi măng.
Chính phủ Trung Quốc còn áp mức trần giá nhiên liệu, dỡ bỏ một số mức giá cố định đối với điện, hạn chế xuất khẩu nhiên liệu và tăng nhập khẩu khí đốt và dầu diesel.
Tại châu Âu, sau chuỗi đà tăng liên tục của giá điện khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao và nền kinh tế nhiều nước có nguy cơ mất đà phục hồi, Bộ trưởng Tài chính 27 nước thành viên EU đã nhất trí với đề xuất ký các hợp đồng chung mua khí đốt và lập kho dự trữ.
Đáng chú ý hơn cả là việc Mỹ phối hợp cùng với các nước tiêu thụ năng lượng chủ chốt khác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh mở kho dầu chiến lược nhằm mục đích hạ nhiệt giá dầu.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, gọi là OPEC vẫn quyết định duy trì kế hoạch tăng nhẹ sản lượng dầu hằng tháng thêm 400.000 thùng/ngày.
Theo lý giải của OPEC , lựa chọn này để tránh khả năng lạm phát leo thang và tăng trưởng trì trệ khi tăng mạnh sản lượng dầu và khí đốt.
Cuộc khủng hoảng năng lượng này, một mặt cho thấy thế giới vẫn đang phải đối mặt với những thách thức về an ninh năng lượng, mặt khác càng nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì nguồn cung năng lượng dồi dào.
Đặc biệt, khi thế giới chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng sạch, thì giải pháp dài hạn cho bài toán năng lượng trong thời đại mới chính là tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững không phải là “một bước nhảy,” mà được ví như một “cuộc chạy marathon dài,” bởi vậy duy trì một số loại nhiên liệu hóa thạch chuyển tiếp, có thể sử dụng tạm thời trong khi ngừng hoàn toàn sử dụng than, trước khi các loại nhiên liệu tái tạo được phát triển, vẫn là lựa chọn trong trung hạn.
Bên cạnh đó, các nước cần có chính sách phòng chống rủi ro mang tính chắc chắn trên thị trường năng lượng, trên cơ sở tạo những “vùng đệm an toàn” lớn giúp đối phó với nguy cơ gián đoạn năng lượng tái tạo. Các nhà cung cấp năng lượng cũng cần có nguồn dự trữ lớn hơn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu này là thách thức, song cũng là cơ hội để cả thế giới thực sự nhận thức được sự cần thiết của việc kiến tạo hệ thống năng lượng bền vững cho tương lai.
Đáp án cho bài toán năng lượng trong thời đại mới sẽ xuất phát từ một chiến lược phát triển năng lượng bền vững với nguồn cung sạch, đáng tin cậy và lộ trình hài hòa, hợp lý để có thể vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa đạt được những mục tiêu tham vọng về chống biến đổi khí hậu./.
Ý kiến ()