Khủng hoảng di cư ở châu Âu đi về đâu?
Hàng nghìn người di cư chịu đựng cái giá lạnh của mùa đông đang mắc kẹt ở khu vực biên giới Belarus với Ba Lan và một số nước châu Âu, trong bối cảnh cả Minsk và “lục địa già” mải đấu “trận bóng đá chính trị” được cho là càng khiến tình hình nghiêm trọng hơn…
Một loạt biện pháp được Liên minh châu Âu (EU) tung ra nhằm trừng phạt Belarus vì để dòng người tị nạn tràn ngập khu vực biên giới với Ba Lan, Litva và Lavia nhằm tìm cách vào châu Âu, gây ra cảnh hỗn loạn.
EU tin rằng Chính phủ Belarus do Tổng thống Alexander Lukashenko đứng đầu đã cố tình phát động cuộc khủng hoảng di cư để đáp trả các lệnh trừng phạt của EU hồi đầu năm. EU cáo buộc Belarus “vũ khí hóa” những người di cư và sử dụng họ như “con bài chính trị”, đồng thời thống nhất các lệnh trừng phạt mới sẽ áp đặt với nước này.
Nhưng dường như các lệnh trừng phạt không khiến Belarus lo ngại, trái lại, Minsk còn tỏ ra cứng rắn, bác bỏ mọi lời cáo buộc từ EU và đe dọa sử dụng vũ khí đặc biệt là khí đốt. Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố: “Chúng tôi đang sưởi ấm châu Âu và họ đang đe dọa chúng tôi.
Những người di cư bị chặn lại ở khu vực biên giới Ba Lan. Ảnh: Getty |
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi ngừng cung cấp khí đốt?”. Trong một động thái cho thấy đó không phải là lời đe dọa suông, khi có tin Belarus đã tạm thời đóng đường ống dẫn dầu từ Nga tới một số quốc gia thành viên EU với lý do “sửa chữa đột xuất”.
Hoạt động sửa chữa dự tính mất khoảng 3 ngày và được tiến hành đúng thời điểm căng thẳng hiện nay giữa Belarus và châu Âu gia tăng. Động thái của Belarus gây thêm áp lực cho các nhà lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh các nước ở châu lục này chưa thoát khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Các lệnh trừng phạt còn có thể cắt đứt mối quan hệ hợp tác giữa Minsk với EU và đẩy nước này xích lại gần Nga hơn, điều mà châu Âu không hề mong muốn.
Còn về phần EU, liên minh này đã áp đặt không dưới 4 đợt trừng phạt với Belarus kể từ tháng 10-2020, sau khi EU cáo buộc Minsk gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và có hành vi vi phạm nhân quyền đối với những người biểu tình cũng như các nhà hoạt động dân chủ.
Ngoài ra, một số quan chức EU đã công du tới một số nước Trung Đông trong nỗ lực ngăn chặn điều mà họ cáo buộc Minsk là lôi kéo người dân ở khu vực này tới Belarus để từ đó vào EU. Cách tiếp cận này đang mang lại hiệu quả khi một số hãng hàng không ở khu vực Trung Đông đã áp đặt hạn chế hoặc tạm ngừng các chuyến bay đến Belarus.
Trước tình thế bế tắc đó, Nga và Đức đang giữ vai trò nổi bật trong nỗ lực xoay chuyển tình hình. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Alexander Lukashenko đã có các cuộc điện đàm để thảo luận về tình hình ở biên giới Belarus với các nước láng giềng EU.
Trước đó, Tổng thống Nga tuyên bố Moscow sẵn sàng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư bằng mọi khả năng có thể. Theo nhà lãnh đạo Nga, các nước phương Tây cũng phải có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng di cư này vì họ đứng đằng sau những cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan.
Về phía Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã cam kết hỗ trợ hoạt động của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và Tổ chức Di trú quốc tế ở Belarus trong nỗ lực hồi hương những người di cư đang mắc kẹt ở Belarus.
Tuy nhiên, vẫn chưa có một giải pháp nào thực sự hiệu quả để giải quyết tình trạng khủng hoảng di cư. Ủy ban châu Âu (EC) và Đức đã bác bỏ đề xuất của Belarus, theo đó EU tiếp nhận 2.000 người di cư còn Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác. Theo hãng thông tấn Belta, Belarus mới tạm thời chuyển khoảng 2.000 người di cư tới một trung tâm hậu cần, nhằm hạ nhiệt tình hình.
Trong khi đó, việc Ba Lan điều quân đội tới khu vực biên giới để kiểm soát tình hình được cảnh báo có thể dẫn tới xung đột nếu hai bên không kiềm chế. NATO cũng đã gia tăng tần suất các chuyến bay gần biên giới Belarus cho thấy tình hình đang có dấu hiệu căng thẳng.
Theo Minsk, tổng số chuyến bay của NATO đã tăng gấp đôi trong thời gian gần đây. Về phía Belarus, tuy chưa triển khai quân tới biên giới với Ba Lan nhưng tuyên bố có kế hoạch chống lại bất kỳ hành động gây hấn nào liên quan tới cuộc khủng hoảng di cư. Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định, Minsk không muốn xảy ra một cuộc xung đột ở biên giới.
Thực tế, cánh cửa đối thoại cho các bên vẫn đang để ngỏ, nhưng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư chưa tìm ra lối thoát, các cảnh báo khủng hoảng lan rộng ở châu Âu đã được đưa ra. Và nếu tình hình không được kiểm soát có thể dẫn tới xung đột quân sự, và đây chắc chắn là điều không bên nào mong muốn.
Ý kiến ()