Khủng hoảng chính trị tại Guinea-Bissau
Phái đoàn Guinea-Bissau tham gia cuộc họp của Liên hợp quốc.
Về lý do ông A.Gomes bị cách chức, Tổng thống J.Vaz khẳng định có liên quan việc vị thủ tướng này từ chối tham gia cuộc họp của Hội đồng Nhà nước, được tổ chức nhằm xem xét tình hình chính trị trong nước. Trước đó, Tổng thống J.Vaz cũng đổ lỗi cho chính phủ làm gia tăng sự bất hòa và mất lòng tin vào tiến trình bầu cử tổng thống, sau khi có người chết trong các vụ cảnh sát trấn áp hoạt động tuần hành của phe đối lập. Trong khi đó, Thủ tướng A.Gomes cho biết không tham dự bất kỳ cuộc họp nào của Hội đồng Nhà nước Guinea-Bissau, vì cơ quan tư vấn này đã “lỗi thời”, và nhiệm kỳ của Tổng thống J.Vaz đã kết thúc.
Ðáng nói là, chính phủ mà ông J.Vaz vừa tuyên bố giải tán là bộ máy do chính ông chỉ định hồi tháng 7-2019, nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài từ năm 2015 tại Guinea-Bissau. Trong một sắc lệnh được công bố, ông J.Vaz đã chia phần lớn vị trí trong chính phủ cho các thành viên của đảng Người Phi vì độc lập của Guinea-Bissau và Cape Verde (PAIGC), đảng có nhiều ghế nhất trong Quốc hội.
Trước đó, dù đã kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng 6-2019, ông J.Vaz vẫn giữ ghế Tổng thống, theo quyết định của các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. ECOWAS quyết định rằng, Tổng thống J.Vaz tiếp tục tại vị, cho đến khi Guinea-Bissau bầu ra một nguyên thủ quốc gia mới, tuy nhiên, việc lãnh đạo đất nước sẽ được giao cho Thủ tướng Gô-mết.
Thế nên, sau khi Tổng thống J.Vaz tuyên bố giải tán chính phủ, ông Gomes và chính phủ bị sa thải đã bác bỏ quyết định của Tổng thống và kiên quyết không rút lui. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ECOWAS khẳng định sự ủng hộ đối với Thủ tướng A.Gomes. Thậm chí, đại diện ECOWAS còn cảnh báo, bất kỳ ai tìm cách làm suy yếu cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Guinea-Bissau sẽ phải đối mặt nguy cơ bị trừng phạt. Dù vậy, Tổng thống J.Vaz, một trong những ứng cử viên tham gia tranh cử ghế tổng thống nhiệm kỳ tới, khẳng định không cân nhắc lại quyết định của mình, đồng thời cam kết cuộc bầu cử sắp tới sẽ được diễn ra đúng kế hoạch.
Lo ngại những bất ổn chính trị ảnh hưởng công tác tổ chức bầu cử tổng thống Guinea-Bissau sắp tới, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra thông cáo yêu cầu quốc gia châu Phi tiến hành bầu cử như kế hoạch, để có thể chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Thông cáo cũng kêu gọi giới lãnh đạo chính trị của Guinea-Bissau tiếp tục nỗ lực, nhằm duy trì những thành quả của tiến trình chính trị, đồng thời hoan nghênh các lực lượng an ninh quốc phòng của nước này đã giữ vững lập trường trung lập, không can thiệp tình hình chính trị hay công tác bầu cử.
Cách xử lý của Guinea-Bissau trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị sẽ là điều kiện để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cân nhắc các khả năng về các lệnh trừng phạt đang được áp dụng đối với quốc gia này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cho biết sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp đối với những phần tử chống phá, làm mất ổn định, như đã nêu trong nghị quyết về Guinea-Bissau.
Theo Nhandan
Ý kiến ()