Khủng hoảng chính trị ở I-ta-li-a
Thủ tướng I-ta-li-a X.Béc-lu-xcô-ni đang đối mặt nhiều khó khăn trên mặt trận chính trị và mâu thuẫn khó hàn gắn trong liên minh trung hữu cầm quyền. Cùng với hàng loạt cuộc biểu tình, phe đối lập và thậm chí cả đồng minh của Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni đều kêu gọi ông từ chức, rời bỏ chiếc ghế quyền lực nhất đất nước hình chiếc ủng.Chủ tịch Hạ viện I-ta-li-a G.Phi-ni, từng là đồng minh thân cận của Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni, kêu gọi người đứng đầu Chính phủ từ chức, coi đây là biện pháp duy nhất để chấm dứt mâu thuẫn giữa các đảng phái và khôi phục sự đoàn kết trên chính trường nước này. Ông Phi-ni đã rút bốn thành viên Đảng Tương lai và Tự do cho I-ta-li-a (FLI) của ông ra khỏi Chính phủ, gồm một bộ trưởng và ba hàm thứ trưởng, nhằm gây sức ép với ông Béc-lu-xcô-ni. Bộ trưởng Bình đẳng giới M.Các-pha-nha tuyên bố sẽ từ chức sau khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ tại Hạ viện. Đảng Liên đoàn phương bắc trong liên minh cầm quyền cho rằng, cách tốt nhất hiện nay là tiến hành...
Chủ tịch Hạ viện I-ta-li-a G.Phi-ni, từng là đồng minh thân cận của Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni, kêu gọi người đứng đầu Chính phủ từ chức, coi đây là biện pháp duy nhất để chấm dứt mâu thuẫn giữa các đảng phái và khôi phục sự đoàn kết trên chính trường nước này. Ông Phi-ni đã rút bốn thành viên Đảng Tương lai và Tự do cho I-ta-li-a (FLI) của ông ra khỏi Chính phủ, gồm một bộ trưởng và ba hàm thứ trưởng, nhằm gây sức ép với ông Béc-lu-xcô-ni. Bộ trưởng Bình đẳng giới M.Các-pha-nha tuyên bố sẽ từ chức sau khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ tại Hạ viện. Đảng Liên đoàn phương bắc trong liên minh cầm quyền cho rằng, cách tốt nhất hiện nay là tiến hành bầu cử trước thời hạn vào năm 2011. Đáp lại, Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni tuyên bố sẽ đề nghị Tổng thống bãi chức Chủ tịch Hạ viện đối với ông Phi-ni. Mâu thuẫn giữa các đảng phái ngày càng gay gắt và khó hàn gắn, có nguy cơ đẩy Chính phủ đất nước hình chiếc ủng đến bờ vực sụp đổ. Ông Phi-ni, người cùng với Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni sáng lập đảng PDL 16 năm trước, đã rời bỏ đảng Nhân dân Tự do (PDL) do Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni đứng đầu hồi tháng 7 vừa qua, kéo theo sự ra đi của 33 Hạ nghị sĩ và mười Thượng nghị sĩ. Trước đó, Chính phủ I-ta-li-a phải đối mặt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Hạ viện về chương trình cải cách kinh tế-xã hội, tuy nhiên đã may mắn vượt qua với tỷ lệ ủng hộ sít sao.
Trong khi đó, hàng nghìn người, trong đó có cả thành viên các đảng phái đối lập, biểu tình ở Thủ đô Rô-ma, giương cao khẩu hiệu 'Ngày không có Béc-lu-xcô-ni', kêu gọi Thủ tướng từ chức và bầu cử trước thời hạn. Các cuộc biểu tình thể hiện sự thất vọng của cử tri I-ta-li-a trước các chính sách phục hồi kinh tế không hiệu quả của Chính phủ, các vụ bê bối tham nhũng của nhiều quan chức và thành viên đảng PDL cầm quyền, tỷ lệ thất nghiệp cao và bầu không khí căng thẳng trên chính trường I-ta-li-a kéo dài nhiều tháng qua do tranh giành trong nội bộ liên minh cầm quyền. Việc không khống chế được mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao cũng khiến uy tín của Chính phủ I-ta-li-a giảm sút. Tỷ lệ thất nghiệp của I-ta-li-a hiện ở mức 8,7%, cao nhất trong 15 năm qua. Thâm hụt ngân sách của nước này hiện chiếm 5,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so với mức 3% theo quy định của Liên hiệp châu Âu (EU). Nợ công của nước này trong tháng 8 đã lên tới hơn 2,5 nghìn tỷ USD, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2009; nợ công năm 2009 chiếm 115,8% dự đoán năm nay tăng lên mức 118,5% GDP.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni vừa phải đề nghị QH I-ta-li-a tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ nhằm xác định liên minh cầm quyền có được đa số ủng hộ cần thiết để tiếp tục lãnh đạo đất nước hay không. Trong trường hợp không được đa số nghị sĩ ủng hộ, ông Béc-lu-xcô-ni sẽ phải từ chức và nếu không tập hợp được một chính phủ mới, I-ta-li-a sẽ tiến hành bầu cử trước thời hạn. Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni cho rằng, một cuộc bầu cử trước thời hạn (nhiệm kỳ của ông kết thúc năm 2013) sẽ tốt hơn để xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị; tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại QH vào ngày 14-12 tới. Nguyên nhân khiến Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni phải kiến nghị QH tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, vì chưa bao giờ uy tín của ông và Chính phủ I-ta-li-a lại thấp như vậy. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến cử tri của Viện Nghiên cứu dư luận hàng đầu IPR Marketing cho thấy, Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni chỉ được 37% số cử tri ủng hộ, so với 45% tháng 1-2010 và 39% tháng 9 vừa qua. Đây là mức ủng hộ thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền tháng 5-2008. 55% số cử tri tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Béc-lu-xcô-ni. Tỷ lệ ủng hộ Chính phủ giảm xuống mức 30% và ủng hộ đảng PDL của ông Béc-lu-xcô-ni còn 26%. Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni khẳng định nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại QH, ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch 'thắt lưng buộc bụng' nhằm khôi phục kinh tế sau khủng hoảng.
Giới quan sát nhận định, trong trường hợp không phải tiến hành bầu cử trước thời hạn, Chính phủ của Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Việc không chiếm đa số tại Hạ viện sẽ khiến liên minh cầm quyền khó khăn trong thông qua các quyết sách lớn. Người dân I-ta-li-a lại mong muốn các chính đảng ngồi lại với nhau đàm phán tìm biện pháp vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()