Khủng hoảng bất động sản kéo dài, các ngân hàng lớn ở Trung Quốc 'thấm đòn'
Khủng hoảng bất động sản kéo dài đang bào mòn bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc, khi nợ xấu gia tăng.
Ngân hàng Giao thông Trung Quốc (BOCOM), ngày 27/8 báo cáo tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản của họ đã tăng vọt lên 4,99% vào cuối năm 2023, so với mức 2,8% của cùng kỳ năm trước. Mặc dù số dư các khoản vay thế chấp quá hạn của họ giảm nhưng các khoản vay được theo dõi đặc biệt (dấu hiệu hàng đầu của các khoản vay xấu) trong phân khúc này đã tăng 23% lên 9,88 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD).
Trong báo cáo cùng ngày của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), một ngân hàng nhà nước lớn hơn, cho biết nợ xấu từ các khoản vay thế chấp nhà ở của họ đã tăng 9,6% lên 27,8 tỷ nhân dân tệ (3,85 tỷ USD). Đối với phân khúc cho vay doanh nghiệp, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản của họ là cao nhất trong tất cả các ngành.
Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank) cũng báo cáo các khoản vay thế chấp nhà ở của họ đã tăng 4,7% vào năm ngoái, trong khi tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản cũng đứng đầu các ngành khác.
Cả ba ngân hàng đều báo cáo lợi nhuận tăng mặc dù tỷ suất lợi nhuận bị thu hẹp. Giá Cổ phiếu của BOCOM giảm 2,7% và ICBC giảm 0,8% tại Hong Kong. AgBank chốt phiên giao dịch ngày 28/3 với mức giảm 0,3%.
Các ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đang vật lộn để duy trì tăng trưởng khi Bắc Kinh giao phó cho họ nhiệm vụ bơm tiền vào nền kinh tế nội địa cũng như giải cứu các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương đang gánh nặng nợ nần.
Cho đến nay, các ngân hàng nhà nước vẫn tuân theo lời kêu gọi của chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển.
BOCOM cho biết việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản và giảm lãi suất vay thế chấp hiện có trước đó đã ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của họ. Ngân hàng cho biết đã bảo lãnh phát hành thêm 56,5% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vào năm ngoái để đáp ứng nhu cầu của các nhà phát triển.
ICBC tuyên bố duy trì việc phát hành các khoản vay bất động sản “ổn định và trật tự” và tăng cường hỗ trợ tài chính cho nhà ở cho thuê.
Trong khi đó, AgBank cho biết việc định giá lại các khoản vay hiện có như vay thế chấp nhà ở cũng ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của họ. Ngân hàng đã giảm lãi suất cho các khoản vay thế chấp hiện tại trung bình 73 điểm cơ bản cho hơn 7,63 triệu người vay trong năm ngoái.
Giá nhà ở Trung Quốc giảm sâu hơn vào tháng 2 đối với cả phân khúc nhà mới và nhà cũ, cho thấy thách thức đối với chính quyền trong việc cứu vãn thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
Ông Vương Cảnh Vũ, Phó Chủ tịch ICBC, cho biết ngân hàng đã tăng cường nỗ lực quản lý rủi ro liên quan đến các nhà phát triển và dự án bất động sản. Ông cho biết tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đã giảm 0,77 điểm phần trăm xuống 5,37% so với đầu năm, với các khoản dự phòng đầy đủ.
Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ các khoản vay và thế chấp bất động sản tại ICBC là hơn 7.000 tỷ nhân dân tệ (968,58 tỷ USD), chiếm hơn 1/4 danh mục cho vay của họ.
Phó Chủ tịch BOCOM Ân Cửu Long cho biết áp lực kiểm soát chất lượng tài sản vẫn “cực kỳ” lớn trong năm nay vì doanh số bán nhà và tình trạng thanh khoản của các nhà phát triển cần thời gian để phục hồi. Ông cũng khẳng định rủi ro tổng thể từ việc tiếp xúc với bất động sản "vẫn có thể kiểm soát được".
Lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng lớn đang là tâm điểm chú ý khi các nhà đầu tư chờ đợi đánh giá khả năng phục hồi của họ trong nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động cho vay của ngân hàng để lấy lại động lực tăng trưởng.
Theo dữ liệu chính thức, tổng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Trung Quốc tăng 3,2% lên 2,38 nghìn tỷ nhân dân tệ (329,3 tỷ USD) vào năm ngoái, đây là mức tăng chậm nhất kể từ năm 2020. Các khoản nợ xấu tồn đọng đã leo lên mức kỷ lục 3,23 nghìn tỷ nhân dân tệ (446,9 tỷ USD).
Ý kiến ()