Khu vực Mỹ Latinh mất 34 triệu việc làm do COVID-19
Ngày 30/9, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố báo cáo cho biết, đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã khiến khu vực Mỹ Latinh mất ít nhất 34 triệu việc làm.
Theo đó, ILO đã thúc giục các quốc gia trong khu vực mau chóng thông qua các giải pháp nhằm ứng phó trước các tác động tiêu cực của đại dịch. Trước đó, trong báo cáo được ILO công bố hồi đầu tháng 8 vừa qua cho thấy, khu vực Mỹ Latinh đã mất 14 triệu việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo IPO, 34 triệu việc làm bị mất trên chưa phải là con số cuối cùng vì đây mới là thông tin tổng hợp từ 9 quốc gia bao gồm: Argentina, Brazil, Chile; Colombia; Costa Rica; Mexico; Peru, Paraguay và Uruguay, các nước chiếm 80% lực lượng lao động trong khu vực. IPO liệt khu Mỹ Latinh và Caribe vào danh sách khu vực bị tác động nặng nề nhất trên thế giới trong lĩnh vực việc làm. Trong quý II/2020, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực tăng lên mức 11,5%, tương đương 2 triệu người mất việc làm, cao hơn 2,2% so với quý I/2020. Báo cáo cho biết, phụ nữ và những người lao động dưới 24 tuổi là những đối tượng bị ảnh hưởng nhất.
Tính đến hết quý III/2020, cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã cướp đi tổng cộng 20,9% số giờ làm tại khu vực Mỹ Latinh so với mức trung bình 11,7% trên thế giới. Báo cáo mơi nhất của ILO cho biết, thu nhập từ lao động giảm 19,3% trong 3 quý đầu năm 2020.
Lao động nữ và người dưới 24 tuổi tại khu vực Mỹ Latinh là đối tượng bị ảnh hưởng nhất do đại dịch COVID-19. |
Giám đốc phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribe, ông Vinícius Pinheiro cho biết, đây là “một thách thức chưa từng có tiền lệ” đối với khu vực. Tuy nhiên, ông Pinheiro cho hay, hoạt động kinh tế khu vực Mỹ Latinh đã có dấu hiệu phục hồi trong quý III/2020 khi báo cáo sơ bộ cho biết, thị trường lao động đã phát đi một số tín hiệu đang dần khôi phục.
Ông Pinheiro cũng nhận định các nước đang đối mặt với các vấn đề mang tính cấu trúc như năng suất thấp, sự bất bình đẳng trong thu nhập và cơ hội có việc làm phù hợp… Ông Vinniscius Pinheiro khẳng định, cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất trong lịch sử này sẽ còn làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng vốn đã ảnh hưởng tới hầu hết các nước trong khu vực.
Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) dẫn báo cáo cho biết, ngoại thương khu vực Mỹ Latinh trong năm 2020 sẽ suy giảm kỷ lục ở mức 23% so với năm 2019 do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Theo đó, mức giảm này thậm chí sẽ tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính vào các năm 2008 – 2009.
Theo ECLAC, sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19 và Chính phủ các nước trong khu vực đã áp đặt các biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát dịch bệnh đã để lại các hậu quả nghiêm trọng đối với các nền kinh tế chính trên thế giới, trong đó khu vực Mỹ Latinh và Caribe cũng không phải ngoại lệ.
Trước đó, ECLAC dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra sẽ khiến cho hơn 2,7 triệu doanh nghiệp phải đóng cửa và ít nhất 8,5 triệu người mất việc làm tại khu vực Mỹ Latinh. Đa phần các doanh nghiệp Mỹ Latinh ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng về thu nhập, gây khó khăn cho việc duy trì các hoạt động trong bối cảnh các doanh nghiệp không thể đáp ứng những yêu cầu bắt buộc về tài chính và tiền lương, cũng như khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Trong báo cáo cập nhật về các lĩnh vực và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, Tổng thư ký điều ECLAC, bà Alicia Barcena nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đang tấn công các ngành công nghiệp tiềm năng nhất, qua đó ECLAC khuyến nghị áp dụng một nhóm các biện pháp đối phó với vấn đề suy giảm năng lực sản xuất của các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế khu vực và Mỹ Latinh và Caribbe được dự báo sẽ suy giảm nhanh hơn so với bất kỳ nơi nào trên thế giới, với mức giảm tới gần 10% trong năm 2020. Theo IMF, “tốc độ lây lan nhanh của đại dịch cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội cần được duy trì lâu hơn, làm trầm trọng thêm hoạt động kinh tế trong nửa cuối của năm”.
Cho đến nay, Mỹ Latinh là khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất cũng như khó kiểm soát COVID-19 nhất trên thế giới. Khu vực này chiếm tới 33,8% số ca tử vong và 27% số ca mắc trên toàn cầu. Đây là kết luận được đưa ra trong cuộc họp lần thứ 58 của Hội đồng quản trị Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) được tổ chức ngày 28-29/9 vừa qua, trong đó tổng kết Mỹ Latinh đã ghi nhận hơn 338.000 ca tử vong và hơn 9,2 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2./.
Ý kiến ()