Khu vực Đông Nam bộ: Thu hút có chọn lọc FDI trong giai đoạn mới
Năm 2013, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực Đông Nam bộ, trong đó, các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu… luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch- Đồng Nai thu hút nhiều dự án |
Tuy nhiên, có điểm khác biệt lớn là trước đây các địa phương này thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi, sự lựa chọn thu hút FDI chưa nổi bật. Bước sang năm 2014, các địa phương khu vực Đông Nam bộ đã thu hút FDI có chọn lọc theo hướng phù hợp hơn với giai đoạn phát triển mới, đó là việc tập trung thu hút những dự án thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên, và chất lượng nhân lực được tăng lên. Đồng thời, cũng tập trung thu hút các dự án lớn, có mức độ lan tỏa để thu hút các dự án đầu tư khác. Ngoài ra, khu vực này cũng đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư khác của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngay trong tháng 1/2014, nhiều địa phương ở Đông Nam bộ đã có những tín hiệu tốt từ thu hút FDI, trong đó, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu là những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu có chủ trương không thu hút những dự án gia công như may mặc, giày da, hay những dự án cần nhiều lao động vào những vùng đô thị, nên không bị áp lực bởi tăng dân số cơ học như những địa phương khác. Tỉnh đã quy hoạch những cụm công nghiệp nhỏ rải rác ở các huyện để tạo việc làm cho người lao động, đồng thời tạo thuận lợi để các chủ đầu tư giải quyết chế độ cho người lao động, đây chính là một trong những kết quả của việc chọn lọc dự án đầu tư.
Tiếp tục phát huy những tiềm năng sẵn có, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với các ngành cơ khí chế tạo, điện – điện tử, hóa chất. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển các loại hình kinh tế dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistic như đại lý tàu biển; dịch vụ lai dắt, cứu hộ; vận tải đường bộ, đường thủy. Ngoài ra, các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ dầu khí, khu đô thị, giáo dục, y tế và sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao cũng được chú trọng. Tính đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 292 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 27 tỉ USD và 415 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 230 nghìn tỷ đồng.
Tại Ngày hội đầu tư Xuân Giáp Ngọ năm 2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 nhà đầu tư nước ngoài và 7 nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 60 triệu USD và hơn 6 nghìn tỷ đồng.
Còn theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 1/2014, tỉnh Đồng Nai đã thu hút 140 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong số này, có 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 70 triệu USD và 17 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm khoảng 70 triệu USD.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, những dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn trong những ngày đầu năm 2014 đều là những dự án đầu tư đúng theo định hướng của tỉnh, đó là những dự án có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, những dự án liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ và thân thiện với môi trường.
Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết năm 2014, Đồng Nai đề ra kế hoạch thu hút vốn FDI khoảng 700 đến 900 triệu USD, thấp hơn mức 1,6 tỷ USD năm 2013.
Nguyên nhân là tỉnh thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghệ cao, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, hạ tầng.
Theo bà Thu, tỉnh đề ra mục tiêu trên vì các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ có trình độ cao thường không thâm dụng nhiều lao động và có vốn đầu tư thấp. Hơn nữa, nguồn vốn trên chưa tính đến các dự án đầu tư FDI sẽ xin tăng thêm vốn trong năm 2014.
Để đạt mục tiêu trên, Đồng Nai đã đề ra một số giải pháp cần tập trung trong năm 2014 là tiếp tục thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ ít tiêu hao năng lượng, không sử dụng nhiều lao động, thân thiện môi trường. Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ.
Với các dự án đầu tư vào nông nghiệp-nông thôn, tỉnh khuyến khích dự án phát triển nông nghiệp xanh, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nhằm phát triển các ngành nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, khuyến khích áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, trong năm 2014, tỉnh này đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu, cụm công nghiệp đã được chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạn chế đầu tư sản xuất bên ngoài khu cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chọn lọc các dự án đầu tư về quy mô, công nghệ, ngành nghề và địa bàn phát triển phù hợp với định hướng bố trí các ngành nghề sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các dự án công nghiệp sử dụng công nghệ tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu và năng lượng; tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hạn chế thâm dụng lao động và ít ảnh hưởng đến môi trường.
Cùng với đó, Bình Dương cũng quy hoạch khoảng 300 ha trong khu công nghiệp Bàu Bàng nằm về phía Bắc của Bình Dương để thu hút các dự án dệt, may, phát triển công nghiệp hỗ trợ; sẵn sàng các điều kiện để thu hút mạnh làn sóng đầu tư sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Cũng trong năm 2014, tỉnh Bình Dương sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào 6 lĩnh vực là điện-điện tử, công nghiệp phụ trợ; cơ khí chính xác; công nghiệp hóa cơ bản (dùng cho ngành bào chế dược phẩm); thiết bị y dược và chế biến lương thực, thực phẩm.
Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương cũng sẽ tiếp tục chọn lọc về quy mô, công nghệ, ngành nghề và địa bàn phát triển phù hợp với định hướng bố trí các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời khuyến khích áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng trong sản xuất; tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/2014, thu hút đầu tư nước ngoài FDI tiếp tục có chuyển biến tốt và cải thiện cả về quy mô lẫn số vốn đầu tư. Cụ thể, Thành phố cấp phép thành lập mới 15 dự án FDI với số vốn 19,9 triệu USD, tăng 15,4% về số dự án và 51,5% về vốn so với cùng kỳ 2013.
Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án với số vốn đầu tư là 3,3 triệu USD. Tính chung tổng vốn FDI đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 23,2 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()