Khu vực Đông Bắc Á trong xu thế thu hẹp bất đồng
Các cuộc gặp thượng đỉnh dồn dập của các nhà lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… mấy ngày gần đây cho thấy một xu hướng thu hẹp bất đồng để tìm tiếng nói chung nhằm kiến tạo một nền hòa bình ổn định, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển hiện đang thắng thế ở khu vực Đông Bắc Á.
Sau một thời gian dài căng thẳng, không chỉ liên quan đến vấn đề Triều Tiên mà giữa các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có những vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu ổn định.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2018 đến nay, khi quan hệ Triều Tiên và Hàn Quốc phát đi tín hiệu hòa giải cũng như mở kênh đối thoại với Mỹ thì tình hình ở khu vực đã có những chuyển động đáng khích lệ.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều với kết quả là Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4 vừa qua được xem là bước ngoặc lịch sử để hướng tới giải quyết một vấn đề khá hóc búa tồn tại hơn 60 năm sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1953.
Hiện nay dư luận đang trông chờ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới để có thể hóa giải căn bản vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Cùng với xu hướng đó, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh 3 bên, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, sau 11 năm cũng cho thấy tín hiệu hòa giải giữa hai quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên vùng biển Hoa Đông.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 9/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nhật Bản đã nhất trí tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Hai bên khẳng định cam kết tuân thủ tất cả các nguyên tắc đề ra trong các văn kiện chính trị cốt yếu, giải quyết thỏa đáng những vấn đề nhạy cảm và thông qua các hành động thực tiễn thể hiện sự đồng thuận chính trị… Hai bên cũng nhất trí thiết lập cơ chế thúc đẩy hợp tác trên các thị trường thứ ba nhằm tăng tính cạnh tranh quốc tế.
Theo Thủ tướng Nhật Bản, chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc là minh chứng quan hệ Nhật-Trung đang trên đà phát triển nhờ những nỗ lực của cả hai bên kể từ năm 2017. Ông Abe cho biết hai bên đã đạt nhiều đồng thuận, trong đó có việc nhất trí thiết lập một “Cơ chế liên lạc trên biển và trên không” ở biển Hoa Đông, đưa vùng biển này trở thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.
Hai nhà lãnh đạo cũng đạt thỏa thuận về mở rộng hợp tác đầu tư và hợp tác tại các thị trường thứ ba. Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc nhằm duy trì sự phát triển lành mạnh và ổn định của mối quan hệ song phương.
Cũng trong ngày 9/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã họp tại Tokyo để cùng bàn về vấn đề kinh tế và an ninh.
Trong lĩnh vực kinh tế, hiện tại 3 nước chiếm khoảng 20% tổng GDP của thế giới. Do vậy, việc tăng cường hợp tác 3 nước trong lĩnh vực kinh tế sẽ góp phần quan trọng cho sự ổn định và phát triền nền kinh tế thế giới. Lần này 3 bên cũng xác nhận lại việc duy trì và phát triển khu vực tự do thương mại.
Đặc biệt, trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Nhật-Trung-Hàn đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc đem lại những sự thay đổi tích cực cho bán đảo Triều Tiên.
Lãnh đạo 3 nước hy vọng rằng trên cơ sở hội nghị thượng đỉnh liên Triều, các bên liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực, đặc biệt là thông qua cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại và đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí việc đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên nói riêng cũng như khu vực Đông Bắc Á nói chung là trách nhiệm chung của cả ba nước.
Bên cạnh đó, cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cho thấy hai bên đang tìm tiếng nói chung để giải quyết các tồn đọng giữa hai nước; cũng như thông điệp của nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn có hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản bất cứ lúc nào để xử lý các bất đồng do ông Moon Jae-in chuyển cho ông Shinzo Abe.
Những diễn biến trên cho thấy một xu hướng tích cực trong thu hẹp bất đồng, tìm tiếng nói chung để kiến tạo một nền hòa bình ổn định, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển hiện đang thắng thế ở khu vực Đông Bắc Á./.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()