Khu nội trú trên rừng Trường Sơn
![]() Những cái “bếp” làm từ ba viên gạch của các em học sinh trong khu nội trú. |
Khu nội trú “ba không”
Chúng tôi đến Trường THPT Âu Cơ trong một ngày rét buốt. Trời vẫn còn mưa lâm thâm. Mấy ngày trước, thời tiết không tốt, mưa nhiều nên đường lên huyện Đông Giang liên tục có những đoạn lầy lội bùn đất vì sạt lở. Con đường vào trường và khu nội trú tại xã Ba tuy nằm ngay cạnh quốc lộ 604 nhưng cũng không khá hơn, học sinh phải bắc từng viên gạch làm đường đi vào lớp học. Khu nội trú của học sinh Trường THPT Âu Cơ nằm ngay trên lưng chừng con dốc vào thôn. Đây vốn là trạm y tế xã cũ, đã bỏ hoang gần mười năm nay. Năm 2009, Trường THPT Âu Cơ chính thức đi vào hoạt động và dạy học lớp đầu tiên. Học sinh chủ yếu từ năm xã: xã Ba, xã Tư, xã ATing, xã Jơ Ngây và xã Cà Dăng của huyện Đông Giang. Đến nay, trường có 555 học sinh, phần đông các em đều là người Cà Tu. Tuy nhiên, do địa hình đi lại khó khăn, xa nhất cũng gần 50 km, lại không có phương tiện, do vậy nhiều học sinh đã phải nghỉ học giữa chừng. Nhiều em gói cơm nắm, đi học từ mờ sáng để kịp giờ học, lúc về thì sương đêm cũng đã giăng kín ngọn đồi. Trước tình trạng đó, UBND huyện Đông Giang chỉ đạo UBND xã Ba tạo điều kiện cải tạo trạm y tế xã cũ thành khu nội trú cho khoảng 60 em học sinh ăn ở, do Sở GD và ĐT tỉnh Quảng Nam đầu tư. Hiện nay, với sáu phòng, đang có 84 em cùng sinh hoạt, ăn ở. Mỗi phòng từ 10 đến 14 em, với diện tích chỉ khoảng 5 m2.
Cách đây ba năm, đây là khu nội trú “Ba không”: không nước sinh hoạt, không điện, không nhà vệ sinh, thậm chí giường cũng không. Lúc nhà trường mới tiếp nhận, cả khu nội trú này nhếch nhác, hoang vu. Chuột, gián khắp nơi, lại ẩm thấp. Các em đã phải đi phát cỏ từ mùa hè, dọn dẹp để có thể ở được vào đầu năm đi học. Mọi sinh hoạt đều trên mảnh chiếu trải ở nền nhà, thắp đèn dầu và xách nước từ các hộ gia đình chung quanh về để sử dụng. Nhờ sự ủng hộ từ chính quyền và huy động từ phụ huynh học sinh, các em đã được giúp đỡ mỗi phòng bốn, năm giường tầng, được bắt điện, nước sinh hoạt kéo từ trên con suối xuống. Còn vệ sinh thì chưa thể khắc phục được. Sau ba năm, các em học sinh vẫn chưa có khu vệ sinh.
Trong khu nội trú đặc biệt ở vùng cao này, có hơn 90% số em học sinh thuộc diện hộ nghèo. Để được đến trường, các em phải vượt qua cái đói, cái nghèo và nếp nghĩ lạc hậu của những Amế (mẹ), Ama (bố). Thế nhưng ở nội trú, các em còn phải đối diện với trăm bề khó khăn mà lẽ ra ở tuổi của mình, các em chưa phải nghĩ đến. Mỗi tháng, theo chế độ được hưởng, các em cũng được trợ cấp 100 nghìn đồng tiền sinh hoạt phí và mỗi năm 70 nghìn đồng tiền văn phòng phẩm. Cùng với khoản tiền ít ỏi từ gia đình, cuộc sống của các em rất khó khăn. Bữa cơm chỉ ăn rau với muối vừng. Gạo được mang từ nhà. Cứ cuối tuần, các em đi bộ một giờ đồng hồ lên núi để lấy củi. Em TaCoi Ngoan, lớp 12/1 đang lúi húi nhen lửa nấu cơm trưa trên cái “bếp” được bắc bằng ba viên gạch, bên cạnh là ít rau muống đã được rửa sạch nói: “Nhà ba anh em đều đi học, đều ở khu nội trú này, mỗi tháng ba mẹ cho 300 nghìn đồng. Ngày chỉ ăn hai bữa thôi, mua bó rau sáu nghìn ăn với cơm và muối vừng. Đi học vui nên không thấy đói”. Khu nội trú không có lấy một cái bàn học. Các em đều ngồi học trên giường hoặc kê chăn, gối cao để làm thành “bàn” học. Bên cạnh cái “bàn” đó là cái nồi nhọ đen và vài ba hũ muối…
Mùa mưa, đất đá sạt lở trên cao xuống, nước, bùn chảy ngập vào tận trong phòng cho nên thường xuyên sống chung với bùn đất, ẩm thấp. Chung quanh nơi các em nấu ăn và sinh hoạt lúc nào cũng có nước đen bẩn.
Giấc mơ con chữ
Thầy giáo Đặng Xứng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường cũng rất hiểu hoàn cảnh của các em đang sống cho nên cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên các em cố gắng. Hiện nay, trường đang tập trung thúc đẩy thi công nhanh chóng khu nội trú mới với 26 phòng ngay trong khuôn viên trường. Khu nội trú này sẽ bảo đảm mọi sinh hoạt của các em. Dự tính sẽ hoàn thành vào tháng 4 – 2012”. Trường THPT Âu Cơ được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 6,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, với diện tích sử dụng hơn 24 nghìn m2, tại xã Ba (Đông Giang, Quảng Nam). Dự án gồm khối nhà lớp học 2 tầng gồm 10 phòng, một phòng vi tính, nhà vệ sinh và công trình phụ.
Thầy giáo Quốc Tuấn phụ trách khu vực nội trú cho biết: “Các em sống tự lập tại khu nội trú này nên đều ngoan và có ý thức đùm bọc lẫn nhau, các em nam sẵn sàng giúp các em nữ trong những việc nặng nhọc. Tất cả đều tự sắp xếp thời gian biểu của mình hợp lý để không ảnh hưởng đến thời gian học tập”. Ngoài ra, nhiều gia đình tại xã Ba đã nhận cho các em ở nhờ, hoặc ở trọ với giá rẻ, nhiều gia đình tuy khó khăn, bữa cơm cũng chỉ có rau nhưng cũng “bắt” các em ăn uống, sinh hoạt cùng gia đình mà không lấy tiền ăn. Sống chung cùng các gia đình như vậy, các học sinh cũng đỡ lo gánh nặng cuộc sống.
Mặc dù sống trong điều kiện khó khăn, nhưng các em đều tự ý thức được hoàn cảnh của mình. Ai cũng muốn được đi học, được đến trường cho nên các em đều bảo ban nhau cùng học tập. Các thầy giáo, cô giáo của trường đã tình nguyện mở những lớp học thêm, phụ đạo ngoài buổi hoặc vào buổi tối tại trường để các em có thể bổ sung kiến thức cho mình. Điều đáng mừng hơn là số học sinh bỏ học trong năm nay đã giảm đi rất nhiều so với hai năm trước và số học sinh khá, giỏi năm nay cũng tăng lên 20% so với 5% của năm học 2009 – 2010. Em TaCoi Thị Ngọc háo hức khi nói đến ước mơ của mình: “Em muốn là giáo viên, em sẽ về lại trường và dạy các em học sinh của đồng bào mình…”. Ước mơ tuy thật giản dị nhưng để thực hiện được ước mơ đó lại là một quãng đường còn rất dài đối với các em ở nơi đây.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()