LSO-Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng - Lạng Sơn vừa qua, chủ trương dành một nguồn vốn để tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng Khu KTCK đã nhận được sự đồng thuận cao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Khi chủ trương này được triển khai thực hiện, các hạng mục quan trọng thuộc Khu KTCK sẽ có những bước chuyển lớn về tiến độ đầu tư...Cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu Tân Thanh ngày càng được đầu tư nâng cấpSẽ có nguồn vốn riêng cho giải phóng mặt bằngKhu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn đã được triển khai xây dựng được khoảng 3 năm, bên cạnh những thuận lợi, hiện nay tỉnh đang gặp phải một số vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời để đẩy nhanh tiến độ. Những khó khăn ban đầu gặp phải cũng là điều hiển nhiên bởi đây là khu kinh tế có quy mô đặc biệt lớn với diện tích gần 400 km2, kêu gọi những nguồn lực đầu tư khổng lồ lên tới hàng tỉ USD. Do chưa có tiền lệ xây dựng trước...
LSO-Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn vừa qua, chủ trương dành một nguồn vốn để tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng Khu KTCK đã nhận được sự đồng thuận cao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Khi chủ trương này được triển khai thực hiện, các hạng mục quan trọng thuộc Khu KTCK sẽ có những bước chuyển lớn về tiến độ đầu tư…
|
Cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu Tân Thanh ngày càng được đầu tư nâng cấp |
Sẽ có nguồn vốn riêng cho giải phóng mặt bằng
Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn đã được triển khai xây dựng được khoảng 3 năm, bên cạnh những thuận lợi, hiện nay tỉnh đang gặp phải một số vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời để đẩy nhanh tiến độ. Những khó khăn ban đầu gặp phải cũng là điều hiển nhiên bởi đây là khu kinh tế có quy mô đặc biệt lớn với diện tích gần 400 km2, kêu gọi những nguồn lực đầu tư khổng lồ lên tới hàng tỉ USD. Do chưa có tiền lệ xây dựng trước đó nên Lạng Sơn gặp khá nhiều lúng túng trong bước đầu triển khai, những vướng mắc đến từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy quản lý, cơ chế phối hợp thực hiện, tìm nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng…tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay lại không phải là câu chuyện mới, đó là “căn bệnh kinh niên” làm chậm tiến độ của nhiều dự án trên cả nước – vấn đề ách tắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện nay, không ít các dự án thuộc Khu KTCK đang bị vướng ở khâu GPMB dẫn tới việc triển khai ì ạch hoặc đóng băng về tiến độ, trong đó nguyên nhân chủ yếu là việc không chủ động được về nguồn vốn. Đây là một thực trạng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư của Lạng Sơn. Không có mặt bằng sạch để triển khai dự án, mọi hỗ trợ, ưu đãi đầu tư như giá thuê đất, ưu đãi về thuế… đều không mang nhiều ý nghĩa thu hút đầu tư. “Mặt bằng sạch, thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn, cán bộ chuyên trách nhiệt tình, tận tụy”, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định đó là 3 tiêu chí hàng đầu mà họ đưa ra trước mỗi quyết định bỏ vốn đầu tư vào địa phương. Hơn ai hết, tỉnh nhận thấy rất rõ điều này và đang có những động thái quyết liệt nhằm tạo chuyển biến trong công tác GPMB. Tuy chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng chủ trương dành một nguồn vốn riêng để tập trung GPMB cho các dự án thuộc Khu KTCK đã nhận được sự nhất trí và đồng thuận cao của lãnh đạo tỉnh, đây được coi là một quyết sách mạnh mẽ có tác động tích cực đến thực trạng công tác GPMB đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Nguồn của khoản vốn trên có thể được cân đối từ ngân sách dự phòng, tạm ứng từ ngân sách hoặc có thể vay ngân hàng nếu cần thiết.
Vào cuộc đồng bộ và quyết liệt
Ngoài câu chuyện về vốn, những khó khăn trong công tác GPMB hiện nay còn liên quan đến rất nhiều yếu tố như: công tác tuyên truyền, vận động; công tác đo đạc, kiểm đếm, áp khung giá; bố trí tái định cư; sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương, năng lực cán bộ chuyên trách… tất cả những yếu tố trên tạo nên một quy trình chặt chẽ và khép kín, và chỉ cần vênh ở một khâu nào đó sẽ dẫn đến ách tắc. Những dự án thuộc Khu KTCK như khu chung chuyển hàng hóa, khu chế xuất, khu phi thuế quan… đều là những dự án có quy mô lớn với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, nếu giao hoàn toàn công tác GPMB cho các huyện và thành phố thì chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều vướng mắc do địa phương không đủ lực. Khu KTCK có Ban quản lý riêng với chức năng quản lý nhà nước mang tính đặc thù, do đó tỉnh cũng xác định rõ việc phối hợp giữa Ban quản lý Khu KTCK với các cấp, ngành và địa phương sẽ góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án thuộc Khu KTCK. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã quán triệt rõ: công tác GPMB phục vụ các dự án nằm trong Khu KTCK cần sự phối hợp đồng bộ, xuyên suốt ở tất cả các cấp, ngành và địa phương liên quan. Làm tốt công tác phối hợp, có được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo thuận lợi cho công tác GPMB, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ách tắc, cản trở tiến độ triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, công tác GPMB các dự án thuộc Khu KTCK sẽ được tỉnh ưu tiên hàng đầu với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành và địa phương với nỗ lực triển khai nhanh, gọn, dứt điểm, tránh tình trạng dây dưa, kéo dài. Trên tinh thần xác định: lấy mặt bằng sạch làm động lực thu hút đầu tư, Lạng Sơn đang thể hiện rõ quyết tâm đưa các dự án từ quy hoạch ra thực địa khởi công bằng việc tạo nên nguồn lực riêng cho công tác GPMB các dự án thuộc Khu KTCK, phối hợp chặt chẽ để khẩn trương có được mặt bằng sạch phục vụ đầu tư. Những dự án được triển khai thuận lợi với nhiều ưu đãi đầu tư, giải phóng mặt bằng nhanh gọn sẽ tạo nên sức lan tỏa lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và những dự án như thế sẽ góp phần tạo nên hình ảnh Lạng Sơn với một môi trường đầu tư hấp dẫn.
|
Cửa khẩu Hữu Nghị đang cần được nâng cấp |
Sau 3 năm khởi động, nhiều người không khỏi “sốt ruột” về tiến độ của đề án xây dựng Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn. Tuy nhiên, những “nút thắt“ trong giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ của đề án đang dần tìm được hướng gỡ bỏ. Tin rằng, trong tương lai không xa, Khu KTCK sẽ có những bước chuyển mình thực sự và bước chuyển mình ấy sẽ trở thành những “cú hích” góp phần “bù lại tiến độ” của một đề án đã dần qua cái thời điểm “vạn sự khởi đầu nan”.
Trúc Lam
Ý kiến ()