Chủ nhật, 24/11/2024 11:24 [(GMT +7)]
Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn: Ấn tượng 2012
Thứ 3, 08/01/2013 | 14:50:00 [(GMT +7)] A A
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn là một quá trình lâu dài. Thành công hay không chính là tạo ra những điểm nhấn, kích thích sự phát triển một cách chủ động. Với 3 điểm nhấn của năm 2012, chắc rằng khu kinh tế cửa khẩu sẽ mở ra những cách cửa mới cho hoàn thiện các chính sách nâng tầm phát triển cho một khu kinh tế đầy tiềm năng và triển vọng.
LSO-Năm 2012 là năm đánh dấu bước phát triển vượt bậc của việc xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn. Trong đó thành công là 3 điểm nhấn quan trọng, tạo nguồn lực tái đầu tư vào khu vực cửa khẩu.
Xuất nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu Cốc Nam, huyện Văn Lãng
Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn được phê duyệt với diện tích 394 km2. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa chức năng xen lẫn các yếu tố đảm bảo quốc phòng an ninh, trong đó mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu. Trong năm 2012, cả đất nước mới thực sự chịu tác động mạnh của suy giảm kinh tế trong nước và suy thoái kinh tế toàn cầu. Hàng loạt doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động, hàng trăm công trình phải đình, giãn, hoãn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, GDP cả tỉnh chỉ đạt 7,32% , thấp hơn so với mục tiêu. Thế nhưng cũng trong bối cảnh đó đầu tư xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn lại có những khởi sắc. Khởi sắc ấy như một điểm sáng khích lệ tinh thần của toàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Hồng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn cũng chưa hết bất ngờ vì trong bối cảnh ấy khu kinh tế đã tạo được 3 điểm nhấn. Chính khâu đột phá ấy đã tạo bước đi thay đổi về chất. Từ đây kinh tế cửa khẩu đã phát triển bằng chính nội lực và tạo sức hút các doanh nghiệp.
Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến đó là toàn bộ hệ thống đấu nối cùng mức với các cặp chợ cửa khẩu nước bạn. Có thể nói, ngay sau khi cải cách mở cửa, buôn bán hai chiều giữa ta và bạn đã không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên sự phát triển chưa xứng với tiềm năng. Trung bình mỗi năm, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn đạt 1.500 triệu USD. Một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa là hạ tầng giữa ta và Trung Quốc chưa thống nhất, vì vậy một yêu cầu bức thiết là phải đấu nối các cặp chợ cửa khẩu. Ngay từ năm 2010, toàn tỉnh đã dốc sức tạo nhận thức chung tại Hội nghị lần thứ 3 Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh có chung đường biên giới và Quảng Tây, Trung Quốc. Bắt đầu từ giữa năm 2012, việc đấu nối giữa 4 cặp chợ đã được triển khai gồm: Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Chi Ma (Việt Nam) Pò Chài, Lũng Vài, Kéo Ái, Ái Điểm (Trung Quốc). Ngay sau khi đấu nối, kim ngạch buôn bán hai chiều đã tăng lên 2.100 triệu USD vào cuối năm 2012. Ông Trần Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam khẳng định, sau khi đấu nối đã tạo điều kiện cho các xe hàng thông thương, số phí thu được tăng nhanh. Riêng cửa khẩu Cốc Nam đã thu phí đạt trên 61 tỷ đồng. Để tạo nguồn lực tái đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, tỉnh đã ra Quyết định 06 về thu phí sử dụng bến bãi xe chở hàng vào cửa khẩu. Ông Hà Hồng không giấu nổi niềm vui: “Từ nay đến hết năm, ước toàn tỉnh thu phí sẽ đạt trên 200 tỷ đồng, với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn thì khoản tiền ấy vô cùng có ý nghĩa”. Đây sẽ là nguồn lực tái đầu tư mạnh nhất, chủ động nhất và rất thiết thực cho phát triển khu kinh tế. Hơn thế, Quyết định 06 đã mở ra một hướng khai thác, tận dụng mọi nguồn lực. Ngay khi triển khai quyết định, các ngành trực tiếp tham gia như: Thuế, Hải quan, Biên phòng, Ban quản lý các cửa khẩu đã cùng vào cuộc, tạo sự thống nhất trong quản lý thu, không để xảy ra thất thoát. Đây cũng được coi là điểm nhấn thứ hai của Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trong năm 2012. Điểm nhấn thứ ba của Khu kinh tế Cửa khẩu là năm 2012, trong khi các dự án đầu tư hầu như cầm chừng thì đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu lại có những khởi sắc. Tính dài hơn một chút, từ năm 2009 đến năm 2012, các nguồn vốn từ ngân sách đã đầu tư vào hạ tầng cửa khẩu trên 900 tỷ đồng; tập trung đầu tư cho trên 100 dự án thuộc khu kinh tế, như chợ cửa khẩu, khu tái định cư, nâng cấp đường tránh, các dự án tại Cửa khẩu Hữu Nghị…Cũng tính từ năm 2009 đến tháng 8 năm 2012, Lạng Sơn đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án với tổng mức 6.371 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2.399 tỷ đồng. Theo ông Hà Hồng, việc đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu vẫn rộng mở và đầy tiềm năng. Trong tương lai, cùng với các chính sách hỗ trợ vùng trọng điểm kinh tế, chắc rằng đầu tư sẽ thêm khởi sắc và đấy sẽ là điểm nhấn, là vệ tinh thu hút các nguồn lực.
Cán bộ Biên phòng làm thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn là một quá trình lâu dài. Thành công hay không chính là tạo ra những điểm nhấn, kích thích sự phát triển một cách chủ động. Với 3 điểm nhấn của năm 2012, chắc rằng khu kinh tế cửa khẩu sẽ mở ra những cách cửa mới cho hoàn thiện các chính sách nâng tầm phát triển cho một khu kinh tế đầy tiềm năng và triển vọng.
Đông Bắc
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()