Khu di tích lịch sử Chi Lăng: Khơi dậy tiềm năng du lịch
(LSO) – Khu di tích (KDT) lịch sử Chi Lăng là nơi ghi nhận dấu ấn oai hùng, những chiến công vang dội của dân tộc Việt Nam. Những năm qua, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích tương xứng với tiềm năng.
KDT lịch sử Chi Lăng nằm trong vùng Ải Chi Lăng, thuộc xã Chi Lăng và Quang Lang, huyện Chi Lăng. Những địa danh như: đầm lầy, núi Mã Yên, Ải Chi Lăng, Bãi Hào, núi Cai Kinh, đền Quan Giám sát… gắn liền với công tích của nhiều vị anh hùng nổi tiếng trong lịch sử đất nước như: Thân Cảnh Phúc, Đại Huề, Đại Liêu, Kim Liên…
Với những ý nghĩa, giá trị lịch sử đó, ngày 26/4/1962, KDT chiến thắng Chi Lăng đã được Bộ Văn hóa, nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xếp hạng di tích quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định: Với những lợi thế về thời gian và không gian, KDT Chi Lăng thực sự là điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Nếu biết liên kết các điểm di tích thành một tour khép kín, quần thể di tích Chi Lăng sẽ có sức hút lớn với du khách.
Học sinh tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Ải Chi Lăng
Nhận thức được tầm quan trọng của KDT này trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, những năm qua, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Chi Lăng xúc tiến các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị KDT lịch sử Chi Lăng.
Theo đó, ngành VHTTDL, UBND huyện Chi Lăng đã tiến hành khoanh vùng, xác định rõ phạm vi các khu vực bảo vệ di tích, cắm biển di tích, huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo một số di tích. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng đã được sửa chữa, nâng cấp, đưa vào trưng bày trên 400 tài liệu, hiện vật với tổng giá trị trên 1,5 tỷ đồng; cùng đó, đầu tư tu bổ, tôn tạo một số điểm di tích trong quần thể di tích như: Lũy Ải, Ải Chi Lăng, núi Mặt Quỷ… với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Cùng đó, huyện đã xây dựng một số tour du lịch gắn với các điểm di tích trên địa bàn và đưa vào khai thác…
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song tiềm năng phát triển du lịch của KDT Chi Lăng thời gian qua vẫn chưa xứng tầm do hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất còn hạn chế. Hiện nay, KDT mới chỉ có các hạng mục chính là Nhà trưng bày và Tượng đài chiến thắng Chi Lăng. Các hoạt động, hiện vật trưng bày tại hạng mục này còn khá mờ nhạt. Mặt khác, mặc dù số lượng di tích khá lớn, nhưng thời gian thực tế du khách dừng chân tại đây lại rất ngắn. Anh Hoàng Văn Chí (khách du lịch đến từ Thái Bình) cho biết: Tôi nghe nói đến KDT lịch sử Chi Lăng đã lâu, từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đã được nghe nhắc đến địa danh này. Thế nhưng khi đến đây, tôi cảm thấy không thỏa mãn sự mong đợi được nghe, nhìn, trải nghiệm về mảnh đất lịch sử hào hùng này. Tôi rất mong lần sau đến sẽ được tham quan nhiều hơn để tìm hiểu sâu hơn về địa danh này.
Để phát triển KDT xứng với tầm vóc và vị thế, cũng như khai thác tốt các tiềm năng về du lịch và dịch vụ của KDT, ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 652/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Xây dựng và phát triển KDT Chi Lăng, huyện Chi Lăng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” nhằm tổ chức quy hoạch một trung tâm có không gian lớn, hội tụ, tập trung các công trình hạng mục, thiết chế văn hóa, lịch sử tâm linh đáp ứng được yêu cầu về phát triển du lịch bền vững đồng thời là nơi giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
![]() |
Trên cơ sở đó, đầu tháng 4/2019, UBND huyện Chi Lăng đã phối hợp với Sở VHTTDL và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức hội thảo khoa học “KDT lịch sử Chi Lăng – Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy” với sự tham dự của 35 chuyên gia về văn hóa. Qua hội thảo, UBND huyện và ngành VHTTDL đã tiếp nhận được nhiều ý kiến khẳng định tầm vóc, giá trị cũng như biện pháp, phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị KDT lịch sử Chi Lăng.
Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: hiện nay, Phòng đang nghiên cứu tham mưu cho UBND huyện xây dựng hồ sơ khoa học và pháp lý để trình Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng quần thể di tích Ải Chi Lăng là di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời lựa chọn những di tích tiêu biểu để xây dựng tour, tuyến, phục vụ khách tham quan, du lịch.
Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành VHTTDL tỉnh cũng có những giải pháp định hướng, hỗ trợ để khai thác, phát huy giá trị KDT lịch sử Chi Lăng. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết: Thời gian tới, ngành VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh từng bước thực hiện 5 hạng mục theo nội dung của Đề án “Xây dựng và phát triển KDT Chi Lăng, huyện Chi Lăng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Trong đó tập trung trùng tu, tôn tạo các điểm di tích; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác các sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương; nghiên cứu xây dựng đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn, trong đó có huyện Chi Lăng. Đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các hạng mục công trình; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch bền vững.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()