“Khử” AWACS - chìa khóa để tiêu diệt nhóm tấn công tàu sân bay
Tại sao việc tiêu diệt máy bay AWACS lại quan trọng?
Phát hiện được nhóm nhóm tấn công tàu sân bay (Carrier Strike Group – CSG) là một chuyện, việc theo dõi và tiêu diệt nó được cho là khó hơn nhiều. CSG rất khó phát hiện và tiêu diệt vì hai lý do – nó chủ động tránh bị phát hiện; và hỏa lực của CSG có thể tiêu diệt một phần đáng kể máy bay và tên lửa chống hạm của phía tấn công. Máy bay cảnh báo sớm trên không (airborne early warning aircraft – AWACS) là một yếu tố quan trọng cần có để thực hiện các nhiệm vụ này.
Nếu không có máy bay AWACS tuần tra cách xa CSG, gây khó khăn cho việc xác định vị trí của tàu và phát hiện máy bay trinh sát của đối phương, các tàu sẽ phải tự bật radar riêng và sẽ bị lộ diện ngay. Các máy bay trinh sát sử dụng thiết bị trinh sát kỹ thuật vô tuyến sẽ phát hiện ra con tàu trước khi tàu phát hiện ra chúng. Máy bay sẽ có thể đến đủ gần, dần hạ độ cao và sử dụng đường chân trời vô tuyến (là quỹ tích của các điểm mà tại đó, các tia trực tiếp từ một ăng-ten tiếp tuyến với bề mặt Trái Đất, có tính đến độ cong do khúc xạ của sóng vô tuyến, ND) để lẫn tránh.
Đường chân trời vô tuyến là vấn đề thứ hai khi không có máy bay AWACS, vì nếu thiếu nó, sẽ không có ai đưa ra chỉ định mục tiêu cho tên lửa phòng không có lái dẫn (anti-aircraft guided missiles) gắn đầu hỗ trợ radar chủ động để chúng có thể đánh trúng mục tiêu bay thấp ở khoảng cách xa. Và nếu không có điều này, lực lượng phòng không của tàu sẽ phải đối phó một cuộc tấn công ồ ạt của tên lửa chống hạm bay thấp ở giai đoạn cuối cùng của quỹ đạo bay, mà với một cuộc tập kích lớn sẽ gây ra quá tải các kênh mục tiêu của các tổ hợp tên lửa phòng không.
Tất nhiên, đối phương có thể dùng máy bay tiêm kích đảm nhận chức năng AWACS, nhưng hiệu quả chắc chắn sẽ thấp hơn, do tính năng của radar kém hơn và phạm vi rà quét nhỏ hơn. Ngoài ra, sau khi bật radar, máy bay chiến đấu cũng có thể bị phát hiện và tấn công. Ngay cả khi máy bay chiến đấu có thể né tránh tên lửa không đối không tầm xa, chúng sẽ không còn thời gian để thực hiện các nhiệm vụ AWACS – khi nó đang cơ động, tên lửa chống hạm sẽ có thời gian để tiếp cận mục tiêu.
Phương tiện nào có thể được sử dụng để tiêu diệt máy bay AWACS bảo vệ CSG?
Trong thời gian đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô, một trong những phương pháp chính để tiêu diệt CSG của đối phương là tấn công dồn dập bằng tên lửa chống hạm từ máy bay ném bom Tu-22M3. Để đánh bại CSG, một số trung đoàn Tu-22M3 đã được điều động tham gia, mặc dù có thể sẽ bị thiệt hại đáng kể vì không có cách nào đảm bảo an toàn cho Tu-22M3 vào thời điểm đó, do không có máy bay tiêm kích có tầm hoạt động xa, và hiện nay Nga không có máy bay như vậy.
Các phương tiện tầm xa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không cũng có thể xuất hiện ở Mỹ. B-21 Raider được cho là có thể mang tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất và vũ khí tự vệ bằng laser. Radar với lưới ăng ten pha chủ động (активнaя фазированнaя антеннaя решёткa) và tác chiến điện tử của B-21 vượt trội các đặc tính của các hệ thống tương tự được lắp đặt trên máy bay tiêm kích, cùng các đặc tính tàng hình tương đương cho phép B-21 Raider biến thành “pháo đài bay” và trở thành đối thủ đáng gờm của không quân.
Thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt CSG, B-21 Raider có thể ở “tuyến đầu” và thực hiện chức năng phóng tên lửa chống hạm vốn không thường thấy của máy bay ném bom, và nhiệm vụ tiêu diệt máy bay AWACS và bảo vệ các phương tiện mang tên lửa chống hạm khỏi không quân đối phương. Nhiệm vụ này cần được thực hiện đồng thời với máy bay không người lái (UAV) loại Gremlins. Đồng thời, các máy bay ném bom B-52H, B-1B, B-2 sẽ đóng vai trò phương tiện mang tên lửa chống hạm. Và có thể, máy bay vận tải sẽ được sử dụng để giải quyết nhiệm vụ phóng tên lửa hành trình/chống hạm ngoài vùng nhận dạng phòng không của đối phương, như Gremlins.
B-21 Raider sẽ thực hiện các hoạt động trinh sát và tấn công theo chiều sâu đội hình của đối phương. Để bảo vệ B-21, Mỹ đã có một dự án máy bay tiêm kích tầm xa đánh thọc sâu (Penetrating Counter Air – PCA), được phát triển để giành ưu thế trên không ở sâu trong lãnh thổ đối phương. Người ta tin rằng máy bay này sẽ lớn hơn các máy bay F-15 và F-22 để chứa nhiều nhiên liệu và vũ khí hơn, giá thành sẽ vào khoảng 300 triệu USD. Có rất ít thông tin về chiếc máy bay này, có lẽ những phát triển dành cho nó sẽ được thực hiện trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Mỹ. Điều này có nghĩa là người ta từ bỏ việc nó hộ tống B-21 Raider vào sâu trong lãnh thổ đối phương, do khả năng tự vệ yếu của nó trước máy bay của đối phương.
Ở Nga, hiện không có tổ hợp hàng không nào có khả năng hộ tống máy bay tấn công cách rất xa căn cứ đồn trú và đảm bảo tiêu diệt máy bay AWACS và máy bay tiêm kích của đối phương. Để triển khai một tổ hợp hàng không như vậy, cần có một số hệ thống, công nghệ quan trọng – tên lửa chống tên lửa không đối không và vũ khí tự vệ bằng laser. Chỉ có chúng, kết hợp với thiết bị điện tử mạnh trên boong và khả năng tàng hình, mới có thể đảm bảo ưu thế cho các phương tiện chiến đấu cỡ lớn cơ động thấp trước các máy bay tiêm kích của đối phương.
Nếu không có những công nghệ này, ngay cả khi một tổ hợp hàng không tầm xa (Перспективный авиационный комплекс дальней авиации – ПАК ДА – PAK DA) đầy hứa hẹn được tạo ra, sẽ vẫn là một máy bay ném bom tàng hình cận âm “cổ điển”, tương tự máy bay B-2 cũ. PAK DA sẽ đơn giản trở thành sự thay thế rẻ tiền và đáng tin cậy cho Tu-160M và Tu-95MSM. Nhưng trong điều kiện chiến đấu chống lại máy bay của đối phương, điều này làm phức tạp đáng kể nhiệm vụ tiêu diệt CSG, và nó sẽ không giúp được gì.
Có thông tin về việc tổ hợp máy bay đánh chặn tầm xa (перспективный авиационный комплекс дальнего перехвата – ПАК ДП – PAK DP) đầy hứa hẹn để thay thế MiG-31, đôi khi còn được gọi là MiG-41. Dựa trên các đặc tính kỹ chiến thuật của MiG-41 được công bố chính thức – tốc độ tối đa 5M, tốc độ bay 2,5M, độ cao lên đến 45.000m, được trang bị ăng-ten lưới pha vô tuyến, vũ khí chống vệ tinh và vũ khí tự vệ laser, có khả năng thay đổi cân bằng sức mạnh trên không. Nhưng bao giờ điều này thành hiện thực? Chưa có câu trả lời.
Một máy bay chiến đấu tầm xa có khả năng tiêu diệt máy bay AWACS bảo vệ CSG là máy bay đánh chặn tầm xa đa năng (многофункционального дальнего перехватчика – МДП – MDP) thuộc Dự án 70.1 (701), được phát triển bởi MiG OKB vào những năm 1980 dự định trang bị tên lửa không đối không hai tầng tầm cực xa KS-172 – cự ly 400km và độ cao lên tới 30km. Tầng đầu tiên được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và đầu đạn phân mảnh tác dụng định hướng. Máy bay đánh chặn đa chức năng với tầm hoạt động hơn 5.000km có thể trở thành trợ thủ đắc lực trong tấn công CSG, đảm bảo tiêu diệt máy bay AWACS và có thể cả máy bay chiến thuật.
Về lý thuyết, tổ hợp laser chiến đấu Peresvet của không quân có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với máy bay AWACS và không quân chiến thuật của đối phương. Nhưng nếu khả năng chế tạo của nó ít nhất được nhắc đến, những đặc điểm kỹ chiến thuật và mục đích cũng bị “tù mù”. Tuy vậy, từ năm 2012, UAV S-70 “Okhotnik” (“Охотник”) của Tập đoàn “Sukhoi” đã được chế tạo. Mục đích chính của chiếc máy bay này sẽ là tương tác với máy bay chiến đấu thế hệ năm Su-57 và một trong những nhiệm vụ của việc tương tác này là mở rộng trường radar của tiêm kích Su-57.
Trên thực tế, tiêm kích Su-57 có thể không sử dụng radar ở chế độ chủ động mà sử dụng radar Okhotnik để duy trì mọi ưu thế về khả năng tàng hình, tấn công từ trong bóng tối. Điều này có nghĩa là Okhotnik nên được trang bị radar có khả năng tương đương với radar của Su-57 – điều được xác nhận gián tiếp bởi chi phí dự kiến đáng kể của loại máy này, khoảng 1 tỷ rúp (15-17 triệu USD). Về tổng thể, hệ thống điện tử hàng không của nó khá tiên tiến so với các UAV khác, trọng lượng cất cánh khoảng 20 đến 25 tấn sẽ giúp nó có thể chứa một radar mạnh với ăng ten lưới pha chủ động, và trọng tải 4 đến 8 tấn sẽ cho phép sử dụng tên lửa hạng nặng không đối không tầm xa loại R-37/RVV-BD.
Tầm bay tối đa ước tính của UAV Okhotnik là 6.000km, ở độ cao 18km; nếu nó được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, thì tầm bay có thể lớn hơn nhiều. Okhotnik có thể được điều khiển thông qua vệ tinh. Vì làm việc với các mục tiêu trên không, không đòi hỏi phải truyền một lượng lớn thông tin như khi lập bản đồ bề mặt hoặc khi phát hiện và nhận biết các mục tiêu trên mặt đất và mặt nước. Cũng có thể triển khai phương án dự phòng điều khiển Okhotnik từ máy bay chỉ huy bố trí trên Tu-214PU hoặc Tu-214SUS.
Các công nghệ được sử dụng trong thiết kế của Okhotnik sẽ giúp tăng khả năng chiến đấu của phương tiện chiến đấu này khi nó đối đầu với không quân và hệ thống phòng không của đối phương. Mục tiêu chính của Okhotnik sẽ là máy bay AWACS có radar ở chế độ tích cực, có thể xác định tốt vị trí bằng trinh sát kỹ thuật vô tuyến và phóng tên lửa không đối không tầm xa kiểu R-37/RVV-BD bên ngoài tầm phát hiện của radar máy bay AWACS, không cần bật radar của chính nó. Mặc dù có giá thành cao, Okhotnik vẫn sẽ rẻ hơn nhiều so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư. Do đó, có thể sử dụng 4-8, hoặc thậm chí nhiều hơn UAV để tấn công CSG, tính đến nguy cơ một số trong số chúng bị mất.
Có thể giả định rằng một nhóm tấn công gồm 4-8 Okhotnik (được điều khiển qua vệ tinh từ điểm kiểm soát mặt đất hoặc từ máy bay chỉ huy/điều khiển bố trí trên Tu-214PU/Tu-214SUS) sẽ có thể đảm bảo tiêu diệt các máy bay AWACS bảo vệ CSG theo hướng tấn công của tên lửa chống hạm. Tầm hoạt động của nhóm tấn công dựa trên Okhotnik sẽ cách căn cứ khoảng 3.000km.
Khi UAV Okhotnik được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, bán kính hoạt động sẽ tăng lên 5.000km (ở đây, máy bay điều khiển dựa trên Tu-214PU hoặc Tu-214SUS sẽ là một yếu tố hạn chế). Việc tiêu diệt máy bay AWACS sẽ làm tăng khả năng sống sót của máy bay trinh sát và cường kích và giảm khả năng hệ thống phòng không của đối phương đánh chặn tên lửa chống hạm. Điều này, cuối cùng sẽ làm tăng đáng kể khả năng tiêu diệt các tàu CSG. Vấn đề về việc vượt qua nhiễu tên lửa chống hạm và mục tiêu giả do các tàu CSG tạo ra vẫn còn bỏ ngỏ./.
Ý kiến ()