"Không xử lý tốt nợ xấu, nguy cơ đổ vỡ hệ thống là không tránh khỏi"
Tại phiên thảo luận về tình hình tái cơ cấu nền kinh tế ngày 1/11, đối với tái cơ cấu hệ thống nhân hàng, nhiều đại biểu đã đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhưng cũng nhấn mạnh rằng nợ xấu vẫn còn cao cùng với sở hữu chéo là hai vấn đề lớn cản trở sự phát triển của nền kinh tế và cần phải mạnh tay loại bỏ các hạn chế này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).
Ðại biểu Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (đoàn tỉnh Nghệ An): Nên có chủ trương cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản
Tôi đánh giá cao các giải pháp mà ngành ngân hàng áp dụng trong quá trình tái cơ cấu, tuy nhiên nợ xấu vẫn còn cao cùng với sở hữu chéo là hai lớn cản trở sự phát triển của nền kinh tế và cần phải mạnh tay loại bỏ các hạn chế này.
Ðể đưa công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng đến đích, theo tôi cần thúc đẩy ngân hàng sáp nhập, hợp nhất với các ngân hàng yếu kém, có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh và ngân hàng yếu hợp nhất, sáp nhập.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp giám sát nợ xấu, trước mắt cần minh bạch hóa con số nợ xấu của từng tổ chức tín dụng; để thực hiện vấn đề này cần có phương án kiểm tra, giám sát chặt chẽ từng hoạt động tổ chức tín dụng. Ðối với tổ chức tín dụng phải tích cực xử lý nợ xấu, thường xuyên đánh giá lại, phân loại từng khoản nợ xấu và khả năng thu hồi nợ…
Ngoài ra, cần minh bạch sở hữu chéo vì tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã đến mức đáng báo động. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và nguy cơ thao túng hoạt động tài chính. Giải pháp dài hạn để ngăn chặn hoạt động này là tập trung xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch.
Theo tôi, cũng nên có chủ trương cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản. Chúng ta chưa để một ngân hàng nào phải giải thể theo đúng nghĩa. Ðiều này tạo nên sự bao cấp không đáng có dẫn đến tình trạng ông chủ một số ngân hàng lợi dụng ngân hàng để thao túng thị trường, để thị trường hoạt động một cách méo mó, để lại nợ xấu nặng nề cho nền kinh tế. Ðây là điều trái với thị trường và thông lệ quốc tế.
Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cần phải hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp và Luật các tổ chức tín dụng. Nếu hoạt động yếu kém, khi cần giải thể thì tuân thủ luật pháp hiện hành. Có như vậy, chúng ta mới có được thị trường tài chính lành mạnh và bền vững.
Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn thành phố Đà Nẵng): Một năm tới nợ xấu có được giải quyết?
Tái cơ cấu ngân hàng thương mại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô bất ổn, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực vừa giải quyết nguy cơ đổ vỡ một bộ phận ngân hàng thương mại yếu kém, vừa thực hiện chính sách tiền tệ phục vụ cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi đánh giá cao những nỗ lực mà Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện được.
Đại biểu Thân Đức Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).
Tuy nhiên hệ thống ngân hàng thương mại nước ta còn gặp phải nhiều vấn đề cần được giải quyết để hướng tới sự phát triển bền vững, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả như mong muốn.
Tôi đề cập hai trong số vấn đề chưa đặt ra. Một là, từ ngân hàng nông nghiệp chuyển thành ngân hàng thương mại ra đời trong những năm trước đây khá dễ dàng và hoạt động gắn với các doanh nghiệp bất động sản, nhiều ngân hàng thương mại là công cụ huy động vốn cho bản thân các ông chủ kinh doanh bất động sản.
Ðây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu, đa số trong 9 ngân hàng thương mại yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước đã tập trung sắp xếp trong 3 năm qua đều thuộc loại này. Việc sắp xếp các ngân hàng thương mại yếu kém vừa qua cũng chưa giải quyết thực trạng nên nợ xấu vẫn còn.
Liệu trong một năm tới, Ngân hàng nhà nước có giải quyết được vấn đề này không? Dường như chúng ta chưa mạnh dạn để giải quyết triệt để vấn đề mà trông chờ vào thị trường bất động sản nóng lại. Ðây là hệ quả trông chờ làm cho nền kinh tế tắc nghẽn về vốn, sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngân hàng thừa tiền, nền kinh tế thiếu vốn.
Hai là, Chính phủ nỗ lực để cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh đã niêm yết ở thị trường chứng khoán nhưng trong 4 ngân hàng cổ phần hóa nhà nước vẫn nắm giữ trên 90%. Vốn điều lệ này không có tác động lên thị trường vốn.
Tôi cho rằng nếu ngân hàng nhà nước muốn nắm giữ chi phối chỉ cần 65% là đủ. Hiện nay 5 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và Ngân hàng Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Còn có 2 ngân hàng mang tính chất phát triển là Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển. Với số lượng ngân hàng thương mại nhà nước nêu trên trong quá trình tái cơ cấu cần xác định mục tiêu tồn tại của 2 ngân hàng là gì. Chức năng, vai trò của ngân hàng mang tính chất phát triển trong tương lai như thế nào cũng chưa rõ.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn tỉnh Tây Ninh): Nếu xử lý nợ xấu không tốt thì có nguy cơ đổ vỡ
Sau hơn 2 năm triển khai hành Ðề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, đến nay hệ thống ngân hàng đã đạt được một số kết quả như từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và ngoại hối từng bước ổn định và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, rủi ro do hệ thống giảm dần, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng được cải thiện; cơ cấu nguồn vốn dịch chuyển ổn định, các tổ chức tín dụng ít phụ thuộc vào nguồn vốn trên thị trường.
Về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém đã được cải thiện đáng kể, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ đổ vỡ hệ thống có thể nói là tương đối khả quan và từng bước được giảm bớt.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN).
Tuy nhiên qua đó cũng cho thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình tái cơ cấu trong đó nguy cơ cao nhất dễ xảy ra nhất là tình hình xử lý nợ xấu, nếu không xử lý tốt thì nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống là không tránh khỏi.
Theo tôi, xử lý nợ xấu không đơn thuần là mua vào bán ra hay đẩy nợ xấu qua vấn đề khác, mà phải làm sao những tài sản hình thành từ vốn vay đem lại hiệu quả gì cho xã hội. Chính vì vậy, các cơ quan thi hành án cần cần có giải pháp để ưu tiên các án liên quan đến tín dụng ngân hàng; cần có cơ chế thông thoáng hơn cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc bán lại nợ, kể cả cho nhà đầu tư nước ngoài; gắn giải pháp xử lý nợ xấu với vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo từ đó làm rõ vốn ảo, nợ ảo…;
Ngoài ra, cũng cần xem xét lại quy định tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC phải trích dự phòng rủi ro tối thiểu 20% giá trị trái phiếu đặc biệt hàng năm. Nếu không bán nợ cho VAMC thì theo quy định tổ chức tín dụng chỉ phải trích phần còn thiếu sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng muốn bán nợ nhưng không cân đối được khả năng tài chính nên chưa bán ngay nợ xấu cho VAMC. Tổ chức tín dụng thường chờ đợi đến cuối năm để xem xét tài chính và cân nhắc bán nợ cho VAMC. Việc này tạo áp lực cho VAMC về cuối năm khi phải tập trung sức lực để mua nợ./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()