Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn cấp ủy
Trước khi bước vào Đại hội Đảng bộ lần thứ 18, Tỉnh ủy Yên Bái đã tổng kết việc tổ chức đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở. Từ việc nêu rõ những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót của đại hội cấp huyện, thành phố và tương đương, Tỉnh ủy kịp thời rút kinh nghiệm để tổ chức thật tốt Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Bài viết này tập trung nói về Công tác chuẩn bị nhân sự và tổ chức bầu cấp ủy, đồng thời chuẩn bị công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ trong thời gian tới.
Trước khi bước vào Đại hội Đảng bộ lần thứ 18, Tỉnh ủy Yên Bái đã tổng kết việc tổ chức đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở. Từ việc nêu rõ những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót của đại hội cấp huyện, thành phố và tương đương, Tỉnh ủy kịp thời rút kinh nghiệm để tổ chức thật tốt Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Bài viết này tập trung nói về Công tác chuẩn bị nhân sự và tổ chức bầu cấp ủy, đồng thời chuẩn bị công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ trong thời gian tới.
Cấp ủy khuyết vì chưa bảo đảm cơ cấu
Trong danh sách cấp ủy viên cấp trên cơ sở do các đại hội bầu hiện còn thiếu 20 đồng chí. Không phải là đại hội bầu không đủ, mà do khi chuẩn bị nhân sự, cấp ủy khóa trước chưa giới thiệu đủ số ứng cử viên theo cơ cấu, chủ yếu là còn thiếu các đồng chí cấp ủy viên dưới 35 tuổi. Do chưa chuẩn bị kịp, Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, kiên quyết thực hiện đúng các quy định về độ tuổi, về cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Đối với những đại hội bầu cấp ủy thiếu, trong nhiệm kỳ sẽ bổ sung tiếp các đồng chí trẻ.
Đồng chí Ngô Ngọc Tuấn, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy nói rõ thêm: “Tuy cấp ủy vừa được bầu còn khuyết tới 20 đồng chí, nhưng nhiệm kỳ này cấp ủy viên cấp huyện và tương đương đã được trẻ hóa rất nhiều. Toàn tỉnh có 41 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành cấp trên cơ sở tuổi đời từ 30 đến 35, trong đó hai đồng chí dưới 30 tuổi. Một số Bí thư Huyện ủy, Thành ủy rất trẻ: Bí thư Huyện ủy Yên Bình Nguyễn Minh Toàn sinh năm 1978; Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Giàng A Tông sinh năm 1974; Bí thư Huyện ủy Văn Yên Trần Huy Tuấn sinh năm 1974; Bí thư Thành ủy Yên Bái Ngô Hạnh Phúc sinh năm 1973…”.
Chúng tôi hỏi, số cán bộ dưới 35 tuổi có phải chủ yếu là cán bộ Đoàn thanh niên?… Không hoàn toàn như vậy đâu. Có cán bộ Đoàn và có cán bộ cấp trưởng phòng, phó phòng, cán bộ cấp phường, xã. Là vì mấy năm qua toàn tỉnh đã tập trung làm công tác quy hoạch cán bộ, đã chuẩn bị khá kỹ về mọi mặt, như mở lớp bồi dưỡng cán bộ, luân chuyển, điều động cán bộ, ai còn thiếu, còn yếu cái gì thì bổ sung cái đó. Đương nhiên, nếu cố đưa một đồng chí Phó trưởng phòng tuổi dưới 35 tham gia Huyện ủy thì đồng chí đó chưa đáp ứng yêu cầu, cần có thời gian rèn luyện, thử thách thêm.
Bí thư Thành ủy Yên Bái Ngô Hạnh Phúc cho rằng, việc quy định “cứng” về tỷ lệ cấp ủy viên nữ, trẻ, dân tộc thiểu số là hợp lý. Vì chúng ta đã có sự chuẩn bị cán bộ tích cực trong mấy năm qua, để không đến mức phải “đốt đuốc đi tìm cán bộ”. Vì lâu nay còn có tư tưởng chưa thật tin tưởng vào lớp trẻ. Những năm 70 của thế kỷ trước, đất nước còn chiến tranh, tình hình kinh tế-xã hội vô vàn khó khăn, vậy mà có một số đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ở độ tuổi 40. Cho nên, hiện tại cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh nên có một tỷ lệ nhất định tuổi dưới 40, dưới 35 là một chủ trương đúng đắn, nhằm chuẩn bị cán bộ cho lâu dài. Tuy nhiên, không vì khó khăn về nguồn cán bộ mà “châm chước” tiêu chuẩn.
Tại đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở vừa qua, số cấp ủy viên trẻ tuổi đã bảo đảm quy định hơn 10%, nữ hơn 15%. Riêng tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số thì căn cứ đặc điểm từng địa phương, đơn vị, nhất là ở hai huyện có số đông đồng bào dân tộc Mông là Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Nhưng, có một căn cứ là dựa vào cơ cấu cấp ủy khóa trước. Thí dụ, khóa trước Huyện ủy có 3/37 đồng chí là người dân tộc thiểu số thì khóa này, ít nhất vẫn là ba đồng chí. Một dấu ấn nữa là, nhiều cấp ủy viên trúng cử với số phiếu cao. Có tới một nửa số cấp ủy viên đạt 100% số phiếu bầu. Số người trúng cử với số phiếu thấp nhất là 83% (riêng TP Yên Bái là 93,4%). Trong đó, phần lớn các đồng chí trẻ trúng cử với số phiếu rất cao. Nói như một đồng chí đảng viên lão thành, ở đây hoàn toàn không có sự ưu tiên, hay chiếu cố. Các đồng chí trẻ, hay cán bộ nữ, dân tộc thiểu số hoàn toàn xứng đáng, vì được đào tạo cơ bản, đã được bố trí qua các vị trí công tác, lăn lộn với thực tiễn. Không có chuyện “trái non” bị “ép” vì cơ cấu. Tại huyện Mù Cang Chải, bầu khuyết một đồng chí là do thiếu cán bộ nữ. Theo Huyện ủy báo cáo, trong năm đầu nhiệm kỳ này có thể chuẩn bị bổ sung một Huyện ủy viên là nữ, thông qua việc điều động, bổ nhiệm tại chỗ.
Chuẩn bị cán bộ trước mắt và lâu dài
Thành công từ đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương là cơ sở rất quan trọng để bước vào Đại hội Đảng bộ tỉnh. Có cán bộ tốt ở cấp dưới sẽ là nguồn cho đội ngũ cán bộ cấp trên. Kinh nghiệm từ đại hội vừa qua là, muốn bầu được cấp ủy có số phiếu tập trung, tín nhiệm cao, phải bảo đảm công khai, dân chủ, công tâm trong đánh giá, giới thiệu nhân sự. Cấp ủy các cấp phải bảo đảm chất lượng, tính kế thừa, phát triển, có số lượng, cơ cấu hợp lý, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện.
Việc chuẩn bị nhân sự bảo đảm kỹ lưỡng từ khi làm công tác quy hoạch, qua các vòng, các bước chuẩn bị, và lắng nghe sự giới thiệu của cấp ủy cơ sở, của cán bộ, đảng viên, có ý kiến tham gia của các đoàn thể quần chúng. Khi tiến hành đại hội, tuyệt đối chấp hành các quy định trong Điều lệ Đảng và các quy định hiện hành, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là việc ứng cử và đề cử tại đại hội.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 18 sẽ bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 51 đồng chí, BanThường vụ 15 đồng chí. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị nhân sự đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng. Nét nổi bật là bảo đảm tiêu chuẩn và cơ cấu, nhất là cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ các khu vực kinh tế, các địa bàn trọng điểm. Về tiêu chuẩn, ngoài các tiêu chuẩn do Trung ương quy định, Yên Bái nhấn mạnh, năng lực vận dụng, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Cán bộ cấp tỉnh không chỉ có tư duy chiến lược để lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội, mà còn phải nắm vững tình hình, phát hiện được những mâu thuẫn, đề xuất được những giải pháp để phát huy nội lực, phát triển kinh tế hàng hóa ở một tỉnh miền núi. Đối với các huyện vùng cao, cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, thật sự có uy tín với đồng bào các dân tộc, miệng nói, tay làm.
Căn cứ tiêu chuẩn cán bộ và những vấn đề cần chú ý về cơ cấu, Tỉnh ủy đã dân chủ thảo luận, bảo đảm đoàn kết, thống nhất cao. Một số đồng chí sinh năm 1958, tuy còn đủ điều kiện tái cử đã tự nguyện xin không tái cử để tạo điều kiện đưa vào cấp ủy những cán bộ trẻ, triển vọng.
Bảo đảm chất lượng cán bộ không chỉ để chuẩn bị cho đại hội, mà còn là vấn đề rất quan trọng và lâu dài, là “cái gốc của mọi công việc”, để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Chăm lo để có cán bộ tốt là nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới; chuẩn bị nhân sự cấp ủy, nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Cái mới trong công tác cán bộ chính là chất lượng cán bộ đòi hỏi ngày càng phải cao hơn. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh hoàn thành, Tỉnh ủy dự kiến sẽ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy viên các cấp về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng. Đầu năm 2016 sẽ mở các lớp bồi dưỡng theo các loại hình đào tạo, các chuyên đề cho cán bộ cấp huyện. (Nhiệm kỳ 2010-2015, toàn tỉnh đã đào tạo đại học tại chức cho hơn 500 cử nhân, kỹ sư là cán bộ cấp xã và gần 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở cấp tỉnh, huyện). Đối với 72 xã vùng cao, tỉnh đề nghị cơ cấu thêm mỗi xã một Phó Chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương, nguồn cán bộ chủ yếu là số cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp đại học.
Đào tạo, đào tạo lại cán bộ trong quá trình công tác, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, phù hợp với tình hình địa phương miền núi, đó là một chủ trương sẽ được thảo luận kỹ trong Đại hội Đảng bộ tỉnh. Như kinh nghiệm tổ chức Câu lạc bộ trí thức trẻ ở thành phố Yên Bái, gợi lên nhiều vấn đề tiếp tục suy nghĩ về mô hình, cách thức tổ chức, bồi dưỡng cán bộ nguồn. Câu lạc bộ này có hơn 60 cán bộ trẻ tham gia, Chủ nhiệm là đồng chí Bí thư Thành Đoàn. Đó là một trong những cách tổ chức nhằm tạo môi trường dạy và học, tạo hướng phát triển cho cán bộ. Đương nhiên, khi cán bộ được tham gia cấp ủy, thì đó mới thật sự là một trường học mới, là những thử thách đầu tiên. Mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ bao giờ cũng đi liền với đó nhấn mạnh yêu cầu tự học, tự đào tạo trong thực tiễn.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()