Không tìm được việc, nhiều GenZ chọn 'lối thoát' học thạc sĩ để trụ lại Hà Nội
Sau khi tốt nghiệp đại học, không tìm được việc làm phù hợp, nhiều bạn trẻ chọn cách học tiếp lên bậc thạc sĩ hoặc văn bằng 2 với mong muốn trụ lại Hà Nội.
Trào lưu học lên thạc sĩ khi không xin được việc
Tốt nghiệp cử nhân ngành Quan hệ công chúng từ tháng 7/2023, đến nay Nguyễn Thu Uyên (2001, Thái Bình) vẫn loay hoay tìm công việc phù hợp, đúng với chuyên ngành đã học.
Khi còn là sinh viên, Uyên chỉ làm các công việc bán thời gian như bán hàng tại cửa hàng tiện lợi hay gia sư để trang trải cuộc sống. Dù tốt nghiệp đúng hạn với tấm bằng giỏi nhưng đến nay, cô nàng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.
Ra trường chưa có việc làm, genZ chọn học lên cao để trụ lại Thủ đô. (Ảnh minh hoạ)
"Thời gian qua, em rải hồ sơ xin việc ở nhiều công ty nhưng chưa nhận được phản hồi tích cực. Một vài lần em được nhận đi làm nhưng chỉ được 1-2 tháng lại nghỉ vì nơi thì đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, nơi thì sếp khó tính...", cô gái sinh năm 2001 kể.
Sau nhiều lần xin việc, Uyên nhận ra điểm yếu của bản thân là thiếu kinh nghiệm chuyên môn, khó thích nghi với những môi trường làm việc cứng nhắc. Một số nơi đồng ý nhận thực tập sinh, được bồi dưỡng chuyên môn nhưng không lương. Nếu làm fulltime không lương, Uyên khó có thể trụ lại ở Thủ đô với mức sống đắt đỏ.
Thời gian gần đây, Uyên bắt đầu tìm hiểu về chương trình cao học bậc thạc sĩ. "Em từng đọc được xu hướng trên mạng xã hội nói về người trẻ nếu áp lực công việc quá hãy đi học thạc sĩ. Câu nói ấy khiến em suy nghĩ nhiều, biết đâu ở thời điểm hiện tại đó là lựa chọn phù hợp với bản thân", Uyên tâm sự.
Với Uyên, học lên cao như một cách giải toả áp lực công việc và được ở lại Thủ đô thay vì về quê như bố mẹ giục. Uyên tự trấn an bản thân rằng trong 2 năm học tới, sẽ có thời gian trau dồi kinh nghiệm để kiếm được công việc như ý. Hơn hết, đó cũng là một cách giúp cô gái này chống chế trước những câu hỏi về công việc của bạn bè, người thân.
Khác với Uyên, Nguyễn Thuý Quỳnh (SN 2002, Quảng Ninh) không chờ đến khi tốt nghiệp một năm mới lựa chọn học tiếp mà ngay từ năm 3 đã lên kế hoạch học tiếp lên cao.
"Bố mẹ luôn ủng hộ em học, càng nhiều càng tốt. Từ lúc mới lên Hà Nội học, bố mẹ đã hứa sẽ nuôi em đến khi nào học xong, bao nhiêu bằng cũng được", Quỳnh nói và cho biết cuối năm 3 đại học đã đăng ký thêm bằng kép tại một trường cũng thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hiện, Quỳnh chuẩn bị tốt nghiệp bằng 1 và còn 3 năm để hoàn thành bằng đại học thứ hai. Bố mẹ từng khuyên Quỳnh sau khi tốt nghiệp hãy về quê làm việc nhưng Quỳnh thích cuộc sống tự do ở Thủ đô nên quyết tâm học thêm bằng để có thêm nhiều thời gian.
Quỳnh cũng thừa nhận bản thân chưa sẵn sàng đi làm, suốt những năm đại học gia đình cũng không bắt đi làm thêm, chỉ cần tập trung học tốt. Đều đặn mỗi tháng Quỳnh được bố mẹ cho từ 5-7 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt, số tiền này chưa kể tiền thuê nhà và tiền học.
"Em sợ cảm giác bị cắt chu cấp. Suốt nhiều năm nay em đã sống trong sự bao bọc của bố mẹ, nếu giờ đi làm ngay và phải tự lo cho bản thân em sợ mình không chịu được áp lực", với Quỳnh thời gian 2-3 năm tiếp theo là quãng thời gian để tập quen với cuộc sống thiếu sự chu cấp của bố mẹ.
Quỳnh cũng tiết lộ, sau khi tốt nghiệp bằng 1, bố mẹ chỉ chu cấp cho cô 3-4 triệu mỗi tháng, nếu muốn chi tiêu thêm Quỳnh cần làm thêm công việc nào đó ngoài thời gian học bằng 2 đại học. "Dù bố mẹ chu cấp ít hơn trước nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc cắt chu cấp ngay lập tức", Quỳnh nói.
Học lên cao là con đường duy nhất?
Vừa học thạc sĩ ngành quản trị truyền thông, vừa làm cùng lúc nhiều công việc, Trần Minh Anh (SN 2000, Cao Bằng) cho hay, trong lớp đang học có nhiều bạn trẻ đi học không vì mục đích phục vụ công việc hay nâng cao kiến thức mà đơn giản vì chán công việc đang làm hoặc không có việc làm nên "tranh thủ" đi học.
Minh Anh nói: "Nhiều bạn trẻ đang coi việc học lên cao, học nhiều bằng như cách đối phó với áp lực bản thân. Theo quy trình, mỗi người cần xác định mục tiêu trước khi học nhưng với một số genZ hiện nay lại chọn đi học vì không có định hướng".
Nhiều người trẻ "tranh thủ" đi học vì không có việc làm. (Ảnh minh hoạ)
Minh Anh cho biết nhiều người quen của mình sau khi học thạc sĩ mất khoảng 70-80 triệu nhưng sau đó không đi theo chuyên ngành đã học. Có người cất bằng cấp vào két sắt để bán hàng online hoặc mở shop thời trang.
Với Minh Anh, học là điều tốt nhưng không nên học vô định, thay vào đó nên học cái bản thân đang thiếu, có thể là học các kỹ năng bổ trợ, kết hợp làm nhiều công việc dù nhỏ để nâng cao kinh nghiệm và trình độ.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng chỉ ra thực trạng nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp học tiếp lên bậc thạc sĩ như một cách để tìm lối thoát, được ở lại thành phố thay vì về quê với bố mẹ. Nhiều bạn trẻ chọn cách học nhiều bằng cấp hay học lên trình độ cao vì mong con đường tìm việc sẽ dễ dàng hơn nhưng đó là tư duy sai lệch.
Theo ông, trong mắt các nhà tuyển dụng, bằng cấp và thành tích học tập không còn là yếu tố quyết định quan trọng nhất khi tuyển nhân sự. Thay vào đó, các kỹ năng mềm của ứng viên như giao tiếp, thuyết phục, làm việc nhóm, lập kế hoạch, tổ chức và giải quyết vấn đề mới là những yếu tố được ưu tiên hàng đầu.
PGS.TS Trần Thành Nam khuyên các bạn trẻ nên vạch ra định hướng rõ ràng trước khi quyết định học lên cao vì khoản đầu tư cho việc này không nhỏ. Ngay khi còn là sinh viên, các bạn trẻ nên chuẩn bị tâm lý cũng như kiến thức kinh nghiệm cho việc đi làm để khi tốt nghiệp các bạn tự tin bước vào thị trường lao động. "Trong quá trình làm việc hãy không ngừng rèn luyện, trau dồi về cả kiến thức, chuyên môn và lựa chọn xem việc học gì, học như thế nào là phù hợp nhất với bản thân", vị PGS này khuyên.
Ý kiến ()