LSO-Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy đã dần đi vào cuộc sống và tạo thành thói quen tích cực trong phần lớn người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận người tham gia giao thông vẫn phớt lờ quy định. Sợ hỏng tóc đẹp, sợ mất dáng, muốn thể hiện “cái tôi”…, suy nghĩ lệch lạc ấy khiến cho họ không “thích” đội mũ bảo hiểm.
Những con số đáng buồn
Năm 2009, trong tổng số 38.182 trường hợp môtô vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn toàn tỉnh thì có tới gần 9.000 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Và theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, trong quý I/2010, trong 2.793 trường hợp môtô vi phạm do đơn vị kiểm tra, phát hiện cũng có gần 300 trường hợp người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm theo quy định. Những con số không nhỏ đã phần nào phản ánh tình trạng không thích đội mũ bảo hiểm của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay.
“Em vội quá nên quên”, “Em vừa làm kiểu tóc này, sợ hỏng nên em mới không đội mũ bảo hiểm”…. – đó là lời phân bua quen thuộc của những người vi phạm khi “chẳng may” bị lực lượng CSGT tuýt còi. Thượng tá Bế Thế Huyên, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tình trạng người đi trên xe môtô gắn máy không “thích” đội mũ bảo hiểm như trên không phải hiếm gặp và thường rơi vào những người trẻ tuổi. Khi bị kiểm tra, xử lý, họ viện ra đủ lý do: nào là tóc mới làm xoăn, đầu mới vuốt keo, nào là quần áo kiểu này kiểu nọ mà đội mũ bảo hiểm thì mất dáng…
|
Một bộ phận thanh niên tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. |
Đáng lo ngại nhất là có một bộ phận thanh niên coi việc không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ cao là để thể hiện “cái tôi”. Với những trường hợp này, nhiều khi CSGT cũng đành bó tay vì nếu cố đuổi theo để tóm và xử phạt họ thì có thể gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông hoặc cho chính mình. Lại có trường hợp thanh thiếu niên mượn xe của bố mẹ ra đường chạy với tốc độ cao, không mũ bảo hiểm, khi CSGT xử phạt và thông báo cho gia đình để phối hợp giáo dục các cháu thì phụ huynh “xin tuỳ các chú xử phạt” vì họ cũng không uốn nắn nổi đứa con “tay chơi”.
Không đội mũ mới là sành điệu?!
Hầu như chiều nào cũng vậy, tại quán nước trên đường Hùng Vương, ngay dưới chân cầu Kỳ Lừa lại có một tốp thanh niên tụ tập, họ đi xe ga đắt tiền, quần áo, đầu tóc sành điệu và tất nhiên đều không đội mũ bảo hiểm. Ngồi uống nước chán chê, những tay chơi này lại leo lên xe lượn lờ, dạo phố. Không khó để bắt gặp trên đường phố Lạng Sơn, hình ảnh những cô, cậu trẻ tuổi hồn nhiên để “đầu trần” khi ngồi xe môtô, gắn máy như thế. Thậm chí nhiều người trong số họ cưỡi xe “xịn”, phân khối lớn như SH, Dylan, LX còn lạng lách trên đường và thích thú khoe mái tóc chào mào hoặc nhuộm xanh, nhuộm đỏ, bay bay trong gió bất chấp ánh mắt khó chịu, bất bình của những người xung quanh. Chúng tôi xin dẫn ra đây một ví dụ về sự “sành điệu” của một người trẻ tuổi để bạn đọc thấy quan niệm lệch lạc của một bộ phận người tham giao giao thông hiện nay. Chị H.L, nhà ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn làm kinh doanh, đi xe LX, để tóc “xù mì” Hàn Quốc. Trên đường Đường Trần Hưng Đạo, ngày nào người ta cũng thấy chị lượn qua lượn lại vài lần từ nhà ra chợ và từ chợ về nhà nhưng chẳng mấy khi thấy chị đội mũ bảo hiểm vì theo chị: Mình đi xe đẹp, ăn mặc đẹp, đầu tóc đẹp mà lại chụp cái “nồi cơm điện” vào thì mất dáng. Cho nên chiếc mũ bảo hiểm được chị treo ở xe chỉ để trang trí và phòng khi gặp CSGT.
Ai cũng biết tác dụng của đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, gắn máy, quy định đội mũ bảo hiểm đã đi vào cuộc sống và trở thành thói quen của số đông người dân. Đáng tiếc rằng một bộ phận người tham gia giao thông (mà chủ yếu là giới trẻ) lại cố tình không chấp hành. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, thượng tá Bế Thế Huyên nhận định: Việc không đội mũ bảo hiểm để chứng tỏ mình sành điệu, đẳng cấp… cho thấy quan niệm lệch lạc của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay. Vì thế việc tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức của nhóm đối tượng này là cần thiết. Chỉ khi có ý thức về trách nhiệm với bản thân, gia đình và những người xung quanh, họ mới từ bỏ được những ý thích, thói quen bốc đồng, muốn thể hiện cái tôi một cách kệch cỡm.
Ý kiến ()