Không thể trả nợ do dịch, người mua nhà, ôtô dồn dập xin giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để tiếp tục xây dựng các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng cho những khoản vay trả góp từ ngân hàng.
Gần đây, đơn xin giãn, hoãn nợ của các cá nhân mua nhà, xe ôtô dồn dập gửi về nhiều nhà băng, trong khi đó các nhà băng cũng liên tục thông báo rao bán nhiều xe sang và biệt thự.
Khách hàng cầu cứu giãn nợ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng Tư đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý 2/2021. Theo đó, quý 2 cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Điều này đã gián tiếp khiến khách hàng vay tiền mua nhà, mua ôtô trả góp có nguy cơ bị siết nợ. Gần đây, nhiều khách hàng cá nhân gửi đơn xin được ngân hàng cơ cấu nợ, giảm lãi vay hiện hữu.
Vay mua nhà tại Agribank chi nhánh Bình Phước với lãi suất trong thời gian ưu đãi chỉ 7%/năm, chị Ngô Thị H. cho biết ngay sau khi các ngân hàng đồng loạt cam kết giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện tại, Agribank ngay lập tức gửi thông báo tới khách hàng giảm 10% lãi suất cho vay, tương đương với mức giảm 0,7 điểm %.
Không may mắn như chị H., anh Đức V. (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, anh mua căn hộ 2 phòng ngủ và vay ngân hàng 800 triệu đồng với lãi suất 10,2%/năm. Mỗi tháng anh phải trả cho ngân hàng là 14 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
Hiện 2 vợ chồng anh V không có việc làm vì quán ăn nhỏ của gia đình đã tạm đóng cửa hơn 3 tháng, trong khi còn 2 con nhỏ đang tuổi ăn học.
“Bình thường với quán ăn đó thì việc trả cả gốc và lãi với chúng tôi không khó khăn lắm nhưng giờ quán đóng cửa nên gia đình cũng không thể trả được ngân hàng. Tôi đã liên hệ với nhân nhân viên ngân hàng để được giãn nợ thì phía chi nhánh ngân hàng cho biết đang xử lý rất nhiều đơn xin cơ cấu nợ tương tự, hiện đang xin chỉ đạo của hội sở để có quyết định cụ thể,” anh V tâm sự.
Tương tự, ông Đỗ Thanh Nhân (Thành phố Hồ Chí Minh) có vay một ngân hàng chi nhánh Sài Gòn số tiền hơn 400 triệu đồng để mua một căn chung cư tại quận 8. Do tình hình dịch COVID-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến công việc khiến gia đình ông gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng.
Ông Nhân đã làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ người dân được tạm ngừng thanh toán các khoản vay trong 3 kỳ kiếp theo để ổn định cuộc sống.
Còn ông Búi Thái là lao động tự do và thê nhà sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông vay ngân hàng mua xe ôtô trả góp hàng tháng để chở khách. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch, xe không được chạy nên ông đã về quê để đỡ phần nào chi phí sinh hoạt.
Khi ông Thái liên hệ với ngân hàng để đề nghị làm đơn xin cơ cấu gia hạn nợ thì được tư vấn là phải nộp đơn trực tiếp với chi nhánh đã ký hợp đồng vay. Do tình hình dịch ông không di chuyển từ tỉnh đến Thành phố Hồ Chí Minh nộp đơn được. Hiện ông đang rất lo lắng vì nếu không nộp được đơn, trong khi nợ chưa trả được ngân hàng sẽ thu hồi tài sản.
Rao bán nhiều biệt thự, xe sang
Theo website của ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), nhà băng này đang rao bán hàng trăm chiếc xe ôtô, trong đó có nhiều xe sang. Chẳng hạn, chiếc BMW 218i được ngân hàng rao bán với giá 800 triệu đồng. Chiếc xe được sản xuất năm 2016 và đã sử dụng 67.000km, giá thị trường khoảng 820 triệu đồng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đang rao bán 3 chiếc Mercedes, trong đó, chiếc Mercedes-Benz GLC200-2019 được rao bán với giá hơn 1,3 tỷ đồng. Một chiếc Mercedes C200 khác, sản xuất năm 2016 có giá 920 triệu đồng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng cũng đã công bố 3 đợt đấu thầu xe ôtô thanh lý nợ 43 chiếc với mức giá từ 239 triệu đồng đến 7,77 tỷ đồng mỗi chiếc.
So với giá thị trường, một số xe được các ngân hàng rao bán có mức giá thấp hơn nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào tình trạng xe, cũng như thủ tục mua đấu giá.
Không chỉ xe sang mà nhiều biệt thự, penthouse cũng đang được ngân hàng rao bán. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) rao bán quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền đất tại số BT3.13, Khu chức năng đô thị Tây Mỗ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Cụ thể, thửa đất có diện tích 210m2, nhà ở biệt thự có diện tích xây dựng 147m2. Giá bán theo thoả thuận.
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), nhà băng này rao bán biệt thự ở Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội với giá hơn 15 tỷ đồng. Thửa đất có diện tích 250m2, diện tích xây dựng biệt thự là 137,2m2.
Hồi đầu tháng Sáu, Agribank Cầu Giấy cũng thông báo tìm đơn vị bán đầu giá 5 căn biệt thự tại khu Đô thị mới Hồ Linh Đàm và Khu Đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Thực tế không chỉ khách hàng, mà nhân viên ngân hàng cũng “đau đầu” khi giải quyết đề xuất, giải đáp thắc mắc cho khách hàng trong mùa dịch.
Chị Hải Yến – chuyên viên quan hệ khách hàng tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết thời gian gần đây khách hàng dồn dập gọi điện, nộp đơn xin cơ cấu nợ, giảm lãi vay vì mất thu nhập không có tiền để trả. Tuy nhiên, nhiều khi “dở khóc dở cười” với yêu cầu của khách hàng.
Chị Yến tâm sự, có những trường hợp, ngân hàng đồng ý giảm 0,5% lãi suất cho vay nhưng sau khi “suy đi tính lại” khách hàng không đồng ý vì “ít quá” và đề nghị ngân hàng vừa giảm lãi suất cho vay vừa cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nếu chỉ giảm lãi suất, mức lãi suất phải giảm 2%-3% mới hài lòng.
Trước những khó khăn chung trong bối cảnh dịch bệnh, lãnh đạo một ngân hàng cho biết đã cơ cấu nợ cho một số khách hàng cá nhân theo hướng giãn nợ hoặc giảm số tiền phải trả nợ hàng tháng, kéo dài thời gian vay để phù hợp với thu nhập hiện nay của khách hàng. Với những trường hợp xét thấy không còn khả năng thanh toán, có nguy cơ mất vốn, ngân hàng sẽ thu hồi tài sản, thanh lý để xử lý nợ.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đơn vị này đã ban hành Thông tư 01 và Thông tư 03 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Theo đó, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như: Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19; có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định (nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021…) thì được tổ chức tín dụng xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Tuy nhiên, việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để tiếp tục xây dựng các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Một số chuyên cũng cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của ngành ngân hàng, cần rất nhiều bộ, ngành như đẩy mạnh các gói hỗ trợ an sinh cho lao động mất việc, cho người nghèo./.
Ý kiến ()