Không thể cứu phi thuyền Nga
Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roskomos) vẫn chưa liên lạc được với tàu Phobos Grunt trên quỹ đạo địa cầu và phi thuyền được coi như đã mất, một quan chức Nga tiết lộ.
Tàu Phobos Grunt được đưa tới sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào ngày 8/11. Ảnh: RIA Novosti. |
Phi thuyền không người lái Phobos Grunt được phóng về phía sao Hỏa vào hôm 8/11. Nhiệm vụ của nó là lấy mẫu đất, đá trên vệ tinh Phobos của sao Hỏa. Ngoài ra nó còn mang theo Yinghuo-1, phi thuyền được thiết kế để nghiên cứu sao Hỏa của Trung Quốc.
Theo kế hoạch, tàu tách khỏi tên lửa đẩy khi tới quỹ đạo trái đất trước khi hai động cơ của nó khởi động để đưa nó tới sao Hỏa. Một động cơ giúp Phobos Grunt bay cao hơn so với địa cầu, còn động cơ kia đẩy nó về phía hành tinh đỏ.
Nhưng cả hai động cơ đều không hoạt động. Vì thế Phobos Grunt đang bay lang thang trên quỹ đạo thấp của trái đất cùng 12 tấn nhiên liệu. Các chuyên gia của Roskomos cố gắng liên lạc với tàu trong mấy ngày qua nhằm khởi động hai động cơ. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng tìm cách kết nối với tàu khi nó bay qua châu Âu và Mỹ.
“Mọi nỗ lực liên lạc với tàu Phobos Grunt và kích hoạt hệ thống điều khiển trên tàu đã không mang lại kết quả mong đợi. Chúng tôi coi như phi thuyền đã mất. Có thể trong vài ngày tới Roskomos sẽ tuyên bố chuyến bay thất bại”, Interfaxdẫn lời một quan chức giấu tên của Nga.
Một quan chức giấu tên khác cũng thừa nhận với RIA Novosti rằng các chuyên gia đã cố gắng liên lạc với Phobos Grunt từ sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan và nhiều nơi khác trên thế giới, song con tàu vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.
“Các nhà khoa học Mỹ đang hỗ trợ những đồng nghiệp người Nga. Họ sẽ cố gắng liên lạc với tàu tới tận ngày 21/11”, vị quan chức nói.
Roskomos từng thông báo các nhà khoa học chỉ có vài ngày để kết nối liên lạc với Phobos Grunt trước khi điện trong các quả pin của nó cạn kiệt. Nếu nỗ lực kết nối thất bại, có lẽ tàu sẽ rơi trở lại trái đất vào đầu tháng sau. Dữ liệu từ một trang web theo dõi các vệ tinh nhân tạo cho thấy phi thuyền Nga bay qua châu Á hôm qua và độ cao của nó đang giảm dần.
Ý kiến ()