Không thể còn trẻ lấy của tuổi già để ăn
Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương, một số hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đưa tin, thảo luận, bình luận về việc công nhân, lao động ở một số doanh nghiệp, địa bàn đình công về việc trả bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần quy định tại Ðiều 60 Luật Bảo hiểm xã hội mới sửa đổi năm 2014 (gọi tắt là Luật BHXH 2014).
Ðòi hỏi của công nhân, người lao động là không cần đủ độ tuổi quy định, do hoàn cảnh cụ thể phải được nhận bảo hiểm hưu trí một lần để giải quyết cho các nhu cầu tiêu dùng trước mắt. Ðứng trước diễn biến của sự việc, việc tìm hiểu sâu, cặn kẽ, phân tích, đánh giá đúng bản chất tình hình, làm rõ lý và tình trong yêu cầu, đòi hỏi của công nhân, người lao động là rất quan trọng và cần thiết, để từ đó bình tĩnh suy xét, sáng suốt đưa ra quyết sách đúng đắn, phù hợp, ổn định tình hình một cách lâu dài.
An sinh xã hội, cả trước mắt và lâu dài, là một trong các chính sách quan trọng của một quốc gia gắn liền với tiến trình phát triển. Nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước hết sức coi trọng, chăm lo chính sách xã hội, an sinh xã hội, trong đó BHXH là một trụ cột, được thể hiện trong Cương lĩnh, trong văn kiện của các kỳ Ðại hội Ðảng, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị với định hướng đa dạng hóa hình thức, mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng, bảo đảm cân đối quỹ BHXH, xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Thực hiện Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Ðảng, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã dành nhiều thời gian, công sức để thể chế hóa Nghị quyết thành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật BHXH sửa đổi, được tổ chức nghiên cứu hết sức công phu, khoa học, có trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, kết hợp cả lý luận lẫn thực tiễn, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, tổ chức tham vấn công chúng, lấy ý kiến rộng rãi trong các lần dự thảo. Mọi ý kiến đều được ghi nhận, xem xét, tiếp thu có chọn lọc, phù hợp, thuyết phục.
Rất tiếc, nội dung trả bảo hiểm (BH) hưu trí một lần không có nhiều ý kiến phân tích thảo luận để thấy được sự hợp lý, tính nhân văn của dự thảo luật quy định. Dự thảo Luật BHXH đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-11-2014, có hiệu lực từ 1-1-2016 và 1-1-2018 tùy nhóm đối tượng. Luật BHXH 2014 đã quy định và điều chỉnh các chế độ BHXH ngắn hạn gồm: ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ BHXH dài hạn, gồm: hưu trí, tử tuất, theo hướng sửa đổi tiến bộ, nhân văn hơn so với luật định trước đó. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập, hạn chế chưa dễ gì khắc phục một sớm một chiều.
Trong các chế độ BHXH thì BH hưu trí là chế độ quan trọng nhất, nhằm bảo đảm an sinh xã hội ổn định, lâu dài và cũng là chế độ có mức đóng lớn nhất, đến 22% số tiền lương hoặc thu nhập (đối với người tham gia tự nguyện) bắt đầu thực hiện từ năm 2014, trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%, còn người tham gia tự nguyện trước mắt vẫn đóng cả 22%. Việc cân đối, quản lý quỹ dài hạn khá phức tạp.
Vậy BH hưu trí là gì? Theo cách hiểu chung của Việt Nam và các nước, BH hưu trí (hay bảo hiểm tuổi già) là chính sách hình thành nguồn tài chính chi cho người lao động tham gia bảo hiểm có nguồn thu nhập, bảo đảm cuộc sống, được nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe khi suy giảm khả năng lao động do tuổi tác, già yếu. Ðể tránh nhầm lẫn, nhiều nước vẫn gọi đây là bảo hiểm tuổi già và không chi trả một lần cho người lao động khi chưa đủ tuổi về hưu. Lịch sử các nước cũng chưa thấy có cuộc đình công, lãn công nào vì chưa đủ tuổi về hưu lại đòi lấy BH hưu trí một lần.
Cũng vì tính chất quan trọng và mục đích an sinh xã hội lâu dài của BH hưu trí mà pháp luật của chúng ta đã bắt buộc người sử dụng lao động phải đóng đến 14% trong tổng số 22% tiền lương của người lao động cho quỹ BH hưu trí và 14% được hạch toán vào giá thành, phí lưu thông, giảm trừ thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước chịu 25% mức đóng góp từ người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng mở ra hình thức BH hưu trí tự nguyện, có chính sách hỗ trợ việc đóng góp từ ngân sách Nhà nước trong tổng mức đóng 22% thu nhập để khuyến khích ngày càng nhiều nông dân, người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
Trong khi Luật BHXH 2014 chưa có hiệu lực thi hành, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đến được với người lao động, thì một bộ phận lao động thuộc ngành dệt may, da giày tại một số khu công nghiệp đề nghị được tiếp tục thực hiện chính sách BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, do chưa thấy được lợi ích lâu dài của BH hưu trí khi suy giảm khả năng lao động do tuổi tác, già yếu. Ðây là trách nhiệm không chỉ thuộc về người lao động mà còn của cả cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động trong phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Trước sự việc đã diễn ra và có thể còn tiếp tục diễn ra, chúng ta cần suy ngẫm, làm rõ bản chất sự việc, giải thích pháp luật có tình, có lý để công nhân, người lao động cùng thấy được chế độ BH hưu trí là mục tiêu an sinh xã hội lâu dài, bảo đảm cho người lao động có nguồn thu nhập, được nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe, tránh những rủi ro khi hết tuổi lao động. Vấn đề cần làm rõ và hiểu cho đúng ở đây là gì?
Thứ nhất, công nhân và người lao động cần hiểu rằng, mới làm dăm năm mà đã đòi lấy BH hưu trí một lần, tức là đang trẻ, còn sức khỏe để làm việc, lại lấy của tuổi già để ăn, như vậy là không đúng, không hợp lý, còn đâu gọi là BH hưu trí. Không vì mục tiêu lo cho tuổi già thì làm gì có chế độ BH hưu trí. Việc làm đó không khác gì không ốm đau, thai sản, không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lại đòi được hưởng bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mặc dù các quỹ này còn kết dư rất nhiều. Vì mục đích an sinh xã hội lâu dài của BH hưu trí (tuổi già) mà pháp luật bắt buộc người sử dụng lao động phải đóng đến 14% BH hưu trí cho người lao động, nay người lao động nếu đòi trả sai mục đích thì người sử dụng lao động cũng phản ứng về mức đóng góp của họ. Nếu người lao động có được lấy thì cũng chỉ lấy được phần mình đóng góp là 8%. Ðòi lấy cả phần người sử dụng lao động đóng là không hợp lý, không công bằng và không thể được.
Trong Luật BHXH còn quy định, người lao động có đủ số năm đóng BH hưu trí hoặc có đủ thời gian làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại từ 15 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, về hưu trước tuổi đều phải giảm trừ mức lương hưu thì không có lý do gì công nhân, người lao động lấy BH hưu trí một lần trước hàng chục năm lại không bị giảm trừ tiền BH một lần, có vậy mới bảo đảm tính công bằng trong chính sách.
Thứ hai, khi công nhân, người lao động lấy được BH hưu trí một lần thì không lý gì cán bộ, công chức, viên chức không được lấy một lần và đến lúc đó sẽ có các “quân sư” tham mưu, tư vấn cho mọi người lao động tính toán. Thời gian đầu, nếu được phép, cứ lấy hết BH hưu trí một lần (được hai tháng lương/cho một năm đóng BH), để gửi vào tiết kiệm, sau đó tiếp tục làm việc, tham gia đóng BH hưu trí chỉ đủ số năm để nhận được tỷ lệ tiền lương hưu cao nhất thì cũng vừa đủ tuổi về hưu, không đóng BH hưu trí vượt quá số năm quy định, vì số năm vượt chỉ được hưởng trợ cấp một lần có 0,5 tháng lương/cho một năm đóng BH. Chắc rằng lúc đó số người lấy BH hưu trí một lần sẽ tăng lớn, tình hình cân đối quỹ BH hưu trí bắt buộc, dài hạn sẽ rất khó khăn.
Thứ ba, công nhân, người lao động tham gia BH hưu trí bắt buộc được lấy một lần thì người tham gia BH hưu trí tự nguyện, người phải tự đóng 22% thu nhập của mình, cũng phải được lấy một lần và nếu sửa Ðiều 60 của Luật BHXH thì không thể không sửa Ðiều 77. Như vậy làm sao khuyến khích được nông dân, người lao động khu vực phi chính thức tham gia BH hưu trí tự nguyện theo tinh thần, nội dung Nghị quyết của Ðảng? Người tham gia BH hưu trí tự nguyện khi nhận BH một lần dù đủ điều kiện theo Ðiều 77 Luật BHXH, mức hưởng phải trừ phần tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BH thì mọi người lao động, dù là công nhân, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức, khi lấy BH hưu trí một lần không thể không bị trừ phần tiền do người sử dụng lao động hoặc ngân sách Nhà nước đóng cho người lao động.
Với các lý giải nêu trên, nếu chúng ta sửa Ðiều 60 Luật BHXH, chấp nhận để công nhân, người lao động không đủ điều kiện quy định mà vẫn được lấy BH hưu trí một lần thì chúng ta sẽ làm mất đi sự đúng đắn, tính nhân văn của chính sách BH hưu trí, của an sinh xã hội dài hạn, hàng loạt người tham gia BHXH sẽ có nhu cầu lấy một lần, số người tham gia BH tăng thêm không bằng số người lấy một lần và như vậy khó có thể đạt được chỉ tiêu đến năm 2020, có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Còn nếu sửa đổi Ðiều 60 Luật BHXH thì tất yếu phải sửa cả Ðiều 77, và tất nhiên phải định hướng lại nội dung sửa đổi là chưa hết tuổi lao động, chưa đến tuổi về hưu, còn trẻ, khỏe, còn làm việc tốt mà đã được lấy một lần ra để ăn thì không thể gọi là chế độ BH hưu trí, không còn mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Lúc đó phải đổi tên gọi chế độ BH và không thể bắt buộc người sử dụng lao động đóng cho người lao động với tỷ lệ lớn như hiện nay và người lao động đóng bao nhiêu thì chỉ được lấy ra phần đóng góp của mình nhằm bảo đảm sự công bằng trong chính sách. Quyền lợi người lao động sẽ giảm sút rất nhiều.
Nhân đây cũng xin đề cập đến nỗi lo lắng liệu có “vỡ” quỹ BH hưu trí trong tương lai không? Ðiều này chắc chắn không bao giờ xảy ra vì Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ theo luật định, vấn đề là ở chỗ, trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật BHXH, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân, do không hiểu sâu vấn đề hoặc dùng từ thiếu cẩn trọng nên đã coi việc đóng ít-hưởng nhiều, cân đối thu-chi quỹ BH hưu trí không cân bằng, dẫn đến “vỡ” quỹ.
Hiểu và gọi tên như vậy là không đúng, vì thực chất theo quy định, những người bắt đầu về hưu từ năm 1995 do Quỹ BHXH chi trả, cân đối quỹ thu-chi từ năm 1995 đến nay năm nào cũng kết dư, đến cuối năm 2014, tổng quỹ BHXH kết dư là hơn 300 nghìn tỷ đồng, vấn đề là do quy định đóng-hưởng chưa cân đối cho nên sau năm 2020, chúng ta bắt đầu phải lấy quỹ kết dư để bù cho quỹ thu thấp hơn quỹ chi hằng năm. Theo tính toán, đến gần cuối năm 2040 mới hết quỹ kết dư, mất cân đối thu-chi chứ không bao giờ có chuyện “vỡ” quỹ, vì còn người đi làm thì quỹ thu BH hưu trí còn tồn tại, không bao giờ mất. Lúc đó, nếu cần, chỉ tính toán lại mức đóng-hưởng hoặc ngân sách hỗ trợ để bảo đảm cân đối thu-chi. Ðối với người lao động tham gia BH hưu trí năm năm, không có điều kiện tham gia tiếp thì số tiền đóng BH được cơ quan BHXH bảo toàn, phát triển và trả lại cho người lao động. Khi đủ điều kiện được nhận lại mức hưởng sẽ cao hơn rất nhiều so với nhận một lần hiện nay.
Bảo hiểm hưu trí là chế độ rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, không chỉ liên quan đến hiện tại mà còn liên quan cả thời gian quá khứ và tương lai của nhiều người lao động có quá trình cống hiến và đóng góp khác nhau, do đó phải định hướng, quy định chính sách sao cho hợp lý bảo đảm an sinh xã hội ổn định, lâu dài. Vì vậy, cùng nâng cao nhận thức, hiểu biết, tuân thủ pháp luật sẽ là sức mạnh đoàn kết quốc gia, dân tộc để thực hiện mục tiêu lớn nhất “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và mọi người dân đều “có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” như Ðiều 34 Hiến pháp đã ghi.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()