Báo động từ những con số
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại các nước có thu nhập cao, có đến 20% số trường hợp chết do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ là do sử dụng rượu bia khi điều khiển các phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Ở các nước có thu nhập thấp, tỷ lệ này là từ 33% đến 69%. Kết quả khảo sát tại Bệnh viện Việt Đức và Xanh Pôn cho thấy: 62% số nạn nhân bị TNGT đường bộ có nồng độ cồn cao trong máu (cao nhất 458 mg/100 ml máu, gấp chín lần cho phép). Cũng theo thống kê của Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, tại Việt Nam có tới 12 nghìn người chết/năm và 32 người chết/ngày vì TNGT, trong đó hơn 10% do sử dụng rượu, bia gây nên.
|
Chiến sĩ cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) xử lý một trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ |
Hằng năm, trên thế giới chi phí cho va chạm giao thông đường bộ là 518 tỷ USD. Thiệt hại do va chạm giao thông chiếm 1 đến 5% tổng sản phẩm quốc nội ở các nước thu nhập cao (Mỹ: TNGT liên quan rượu bia 51,1 tỷ USD, Nam Phi là 14 triệu USD). Ở Việt Nam, theo báo cáo giám sát tai nạn thương tích tại bệnh viện năm 2006, trung bình viện phí cho một tai nạn thương tích bao gồm cả TNGT tại bệnh viện là gần 1,1 triệu đồng/người, có trường hợp viện phí lên tới 25 đến 30 triệu đồng.
Những con số nêu trên cho thấy việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây thiệt hại rất lớn về con người, tiêu tốn không ít tiền của trong việc xử lý hậu quả.
Những nguyên nhân chủ yếu
Có thể chia những lái xe say rượu, bia ra làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất là nhóm những người nghiện rượu, bia. Nhóm này tập trung nhiều ở các lái xe đường dài hoặc những người làm nghề xe ôm. Họ thường xuyên uống rượu, bia trong các bữa ăn kể cả ăn trưa “không có chén rượu (bia) thì nhạt miệng mất ngon”. Nhóm thứ hai cũng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất, là người lao động, cán bộ, công chức nhà nước, trong đó không ít người hiểu được tính nghiêm trọng của việc lái xe khi say rượu, bia, nhưng khi vào cuộc thì khó lòng khước từ vì trăm nghìn lý do khác nhau.
Nguyên nhân dẫn đến TNGT do sử dụng rượu, bia đó là người điều khiển phương tiện không làm chủ được bản thân: đi xe lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, tránh vượt sai quy định, đi sai làn đường, khả năng phán đoán tình huống kém hơn so với lúc bình thường. Bởi vậy TNGT do rượu, bia gây ra thường rất nghiêm trọng.
Các biện pháp hạn chế Hạn chế TNGT do rượu, bia là một bài toán khó cần có sự phối hợp đồng bộ các biện pháp:
Thứ nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Mỗi người tham gia giao thông cần hiểu rõ được tính nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Cương quyết từ chối uống rượu bia nếu sau đó phải lái xe. Chỉ điều khiển phương tiện khi đã đủ tỉnh táo và bảo đảm sức khỏe. Đối với những người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở cũng như phản đối những người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.
Thứ hai là tăng cường các biện pháp cưỡng chế: Tăng lực lượng cảnh sát giao thông và thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn, tập trung ở những nơi có thể xảy ra nhiều TNGT. Trang bị thiết bị đo nồng độ cồn bảo đảm đạt tiêu chuẩn. Tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Có thể tham khảo kinh nghiệm ở một số nước phát triển như tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những trường hợp gây TNGT khi nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt quá mức cho phép. Trong khi ý thức của người dân còn hạn chế thì việc tăng cường các biện pháp cưỡng chế là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu TNGT do rượu, bia.
Thứ ba là tăng cường giáo dục người tham gia giao thông. Tuyên truyền rộng rãi các quy định về nồng độ rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông (quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy là 50mg/100ml hoặc 0,25mg/1 lít khí thở và bằng 0 đối với người điều khiển xe ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng). Phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục – Đào tạo tăng cường tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi cho người dân. Đặc biệt ở các huyện miền núi, miền biển thường có tỷ lệ người trẻ nghiện rượu, bia cao cần có sự phối hợp giữa chính quyền, dòng họ và gia đình hạn chế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Đưa tiêu chí “Nói không với rượu bia khi điều khiển các phương tiện giao thông” vào một trong những tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức đơn vị tiên tiến…
Thứ tư là sử dụng các biện pháp phối hợp giữa các bộ, ban, ngành: Bộ Công an và Bộ Y tế cần phối hợp xây dựng thông tư liên tịch quy định chung về quy trình kiểm tra nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thuế đối với các loại đồ uống có cồn. Trích một phần thu được từ khoản thu từ thuế này để phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống rượu, bia. Các địa phương phối hợp các đơn vị liên quan cần sớm ban hành quy định cấm bán rượu bia tại các điểm bến xe, trạm dừng nghỉ, các điểm vui chơi cho trẻ em. Nghiên cứu quy định những cơ sở sản xuất rượu, bia và các nhà hàng sử dụng, tiêu thụ rượu, bia phải khuyến cáo trên các chai rượu, bia, nơi uống bia dòng chữ “Uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông”. Huy động mọi nguồn lực, các công ty bảo hiểm, các tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng đóng góp và tham gia các cuộc vận động phòng, chống sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông.
Hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ giáo dục quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Nhưng trên hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.
Ý kiến ()