Không rút sạc điện thoại khỏi nguồn điện: Nguy hiểm khôn lường
(LSO) – Thời gian gần đây, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến việc sạc điện thoại xong nhưng không rút sạc khỏi nguồn điện. Điều này có thể gây ra nhiều nguy hiểm mà người dùng không lường trước được, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Ngày 29/11/2019, cháu M.C (2 tuổi, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) đã bị điện giật làm rách khoang miệng và tổn thương amidan do ngậm phải chân sạc điện thoại không rút khỏi nguồn điện. Ông Nguyễn Văn Xuân, bác sĩ chuyên khoa I, Trưởng Khoa Tai, mũi, họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khi tiếp nhận cháu bé trong tình trạng vết rách dài 1 cm, độ sâu 0,5 cm ở vùng khoang miệng, sau khi tiến hành kiểm tra, chúng tôi đã kịp thời khâu vết thương lại. Tuy nhiên, việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu, nhất là trong việc ăn uống.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đây là trường hợp đầu tiên trẻ bị tai nạn do ngậm chân sạc điện thoại chưa rút khỏi nguồn điện. Nhưng những trường hợp bị điện giật, thương tích, thậm chí tử vong do ngậm chân sạc điện thoại không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn nhiều trường hợp khác trên thế giới. Cụ thể, hồi tháng 5/2019 vừa qua, 1 bé gái ở Delhi (Ấn Độ) bị điện giật tử vong do ngậm sạc điện thoại vẫn cắm ở ổ điện vào miệng.
Nhân viên kỹ thuật Cửa hàng Viettel tư vấn cách sử dụng sạc điện thoại an toàn cho khách hàng
Những trường hợp này xảy ra cho thấy thói quen dùng sạc điện thoại xong nhưng không rút khỏi ổ điện gây ra nhiều ẩn họa khôn lường. Trong khi đó, nhiều người dùng điện thoại vẫn lơ là, chủ quan, không chú ý đến việc này, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Chị Hoàng Thị Thu, đường Phai Luông, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Mình cũng không để ý lắm đến việc rút sạc điện thoại khỏi nguồn điện. Nhiều khi công việc bận rộn, mình rút điện thoại rồi đi làm luôn, tối về điện thoại hết pin chỉ cần cắm sạc ngay mà không phải đi tìm dây nữa.
Không ít người có suy nghĩ như vậy, họ cho rằng việc này không gây ảnh hưởng gì lớn, cứ cắm sạc ở ổ điện để khi sạc điện thoại tiện hơn và đỡ mất công đi tìm sạc. Một số khác lại không để ý vì cho rằng đây chỉ là việc nhỏ. Tuy nhiên, những thói quen này lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Việc người dùng không rút sạc điện thoại khỏi nguồn điện không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới tính mạng, nhất là những gia đình có cháu nhỏ. Trẻ em bản chất là rất hiếu động và tò mò, chưa nhận thức được đồ dùng nào có hại và vô hại nên khi người lớn không để ý, trẻ nhỏ cầm chơi hoặc ngậm vào miệng rất dễ bị điện giật.
Anh Nguyễn Hoàng Hải, nhân viên kỹ thuật Cửa hàng Viettel, đường Lê Lợi, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thông thường, sạc điện thoại được cấu tạo có đầu vào 220 V, đầu ra một chiều 5 V. Nếu đúng theo tiêu chuẩn, điện áp đầu ra rất thấp – 5 V không thể gây tổn thương như bỏng hay ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, do một số sai lầm khi sử dụng sạc điện thoại như: tiếp xúc khi tay ướt, sử dụng ở môi trường có nguy cơ cháy nổ cao… sẽ khiến nhiều người gặp họa. Tương tự, trẻ em mà vô tình nghịch, ngậm chân sạc vào miệng, thì khi đó, nguồn điện tiếp xúc với nước bọt trong miệng nên trẻ rất dễ bị điện giật.
Để người dùng sử dụng sạc điện thoại một cách an toàn, anh Hải khuyến cáo: Người dân nên mua những bộ sạc chính hãng, có nguồn gốc, xuất xứ và thời gian bảo hành rõ ràng tại các cơ sở điện thoại uy tín. Bên cạnh đó, khi điện thoại đầy pin, người dân nên chú ý rút sạc điện thoại ra khỏi ổ cắm.
Tai nạn liên quan đến điện thoại hoặc sạc pin điện thoại vẫn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, để tránh những rủi ro không đáng có, chúng ta cần cẩn trọng và ý thức hơn khi sử dụng thiết bị sạc, nhất là gia đình có con nhỏ.
THÙY DUNG
Ý kiến ()