Không quay lưng với thịt lợn
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam đã có những tác động tâm lý đám đông khiến nhiều người người lo lắng, hoài nghi sợ dịch một cách khó hiểu. Do vậy trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong đó có cơ quan truyền thông cần làm rõ cho người tiêu dùng nhất là những bà nội trợ hiểu, không làm cho miếng thịt lợn bị oan, không tẩy chay thịt lợn ra khỏi bữa cơm của gia đình.
Các chuyên gia khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người. Ảnh minh họa
Không lây nhiễm và gây bệnh ở người
Thông tin tại cuộc họp ngày 27/3, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2018, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,8 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% tổng sản lượng thịt các loại.
Hiện, cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi với tổng đàn khoảng 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ khoảng 49% tổng đàn và chiếm khoảng 40% sản lượng thịt lợn hơi cả nước. Tổng số trang trại chăn nuôi lợn hiện khoảng 10.167, với số đầu lợn trên 14,4 triệu con. Ngoài ra, Việt Nam còn 3,97 triệu lợn nái sinh sản và 76.000 lợn đực giống.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến nay toàn thế giới đã có 59 quốc gia phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Năm nay, dịch đang xuất hiện ở Trung Quốc và Việt Nam. Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nước ta, dịch bệnh đã xuất hiện tại 22 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn đã bị tiêu hủy là 69.256 con.
Theo ông Nguyễn Văn Long – Trưởng Phòng dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) và qua nhiều nguồn khoa học cho biết: Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, nhưng không gây bệnh cho các loài động vật khác. Lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn, nhưng không lây nhiễm và gây bệnh ở người.
Như vậy, có thể khẳng định chúng ta không lên sợ thịt lợn, như sợ dịch tả lợn châu Phi. Sử dụng thịt lợn giúp người tiêu dùng không bị thiệt thòi và tránh thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Thế giới đang ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của Việt Nam trong phòng chống và từng bước khống chế dịch tả lợn châu Phi. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành cùng cả hệ thống chính trị vì sự phát triển kinh tế đất nước vì sức khỏe của người dân.
Tuyên truyền một cách thông minh
Nói đến nguyên nhân người tiêu dùng có tâm lý e dè, sợ dịch tả lợn hiện nay một phần cũng do chỉ đạo của các cơ quan có trách nhiệm trong đó có công tác truyền thông. Truyền thông đưa những hình ảnh tác động mạnh đến bữa cơm gia đình với những hình ảnh những con lợn bị dịch tím tái ghê rợn, những người mặc quần áo như phi hành gia nói về phòng chống dịch trên các phương tiện truyền thông. Thì ai còn dám gắp miếng thịt lợn mà ăn được.
Hiện nay, theo phóng viên quan sát và thấy được thực tế nhiều địa phương không dùng thịt lợn trong mâm cỗ, thậm chí có nơi không có dịch, lợn được kiểm tra rất chặt chẽ họ vẫn tẩy chay thịt lợn. Điều này rất đáng suy nghĩ bởi tâm lý đám đông họ chỉ nghe ở đâu đó nói về dịch tả lợn châu Phi thôi là đã xa lánh, tẩy chay bất biết là gì. Khi được hỏi họ đều trả lời rất lơ mơ về dịch, khi được gặng hỏi họ nói là cứ phòng xa cho chắc…
Thật là khó và gian nan, nhưng quan điểm chung là không chủ quan giấu dịch tả lợn châu Phi, đòi hỏi chúng ta cần tuyên truyền một cách đúng đắn, khoa học, thông minh và đủ liều lượng đảm bảo sử dụng thịt lợn một cách an toàn. Đó không chỉ là bảo vệ sức khỏe dinh dưỡng và chính hầu bao của gia đình bạn, mà còn là bảo vệ những người chăn nuôi chân chính, an toàn.
Tuyên truyền làm sao người dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, nhưng vẫn yên tâm ăn thịt lợn an toàn đó là mục đích của chúng ta. Làm sao đảm bảo cho ngành chăn nuôi lợn không bị ảnh hưởng, được tồn tại đúng nghĩa. Người tiêu dùng, những bà nội trợ hãy là những người thông thái nhất, đừng vì những định kiến nhỏ nhoi, những suy đoán chủ quan vô căn cứ mà tẩy chay thịt lợn, đánh đồng hàng chục triệu con lợn khỏe, lợn sạch được chăm sóc khoa học, đúng quy trình, kiểm soát nghiêm ngặt với những con lợn bệnh, mà đương nhiên lợn bệnh đã bị tiêu hủy để dập dịch rồi.
Thực tế cho thấy, hiện nay chuỗi chăn nuôi khép kín – đã khẳng định: Chưa bao giờ ăn thịt lợn lại an toàn như hiện nay. Từ sản xuất thức ăn, sản xuất con giống chất lượng, chăn nuôi tập trung an toàn sinh học (trong chuồng kín, có quy trình phòng bệnh bằng vaccine đầy đủ, ra vào trại thực hiện sát trùng rất nghiêm ngặt, lợn khỏe mạnh, ít bệnh, chất lượng thịt ngon…), có nhà máy giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bán sản phẩm an toàn tại các hệ thống siêu thị…
Theo Bộ NN&PTNT, qua hơn 2 tháng xảy ra dịch bệnh, cho thấy tất cả các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Với những cứ liệu của đơn vị chăn nuôi và nhà quản lý có trách nhiệm, một lần nữa có thể khẳng định, thịt lợn được giết mổ tại thời điểm này là thịt an toàn. Vì miếng thịt đã trải qua hàng chục khâu kiểm soát, kiểm dịch đến mức nghiêm ngặt. Và dịch tả lợn không hề lây sang người, như những điều đồn đại trong dân chúng và mạng xã hội hiện nay. Có những thông tin thất thiệt về dịch tả lợn khiến một thời gian người dân quay lưng với thịt lợn, trong đó nhiều cá nhân đã bị phạt vì bịa đặt thông tin về dịch tả lợn trên mạng xã hội./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()