Không quản lý được tiền mặt sẽ khó kiểm soát thu nhập
Sáng 9-8, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào chủ trì hội thảo.
– Sáng 9-8, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào chủ trì hội thảo.
Kê khai thu nhập bằng tiền hầu như không thực hiện được
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho biết, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn rất đa dạng. Ngoài lương, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tăng lên và được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, làm nảy sinh nguy cơ hiện hữu có những thu nhập nguồn gốc bất hợp pháp có thể từ hành vi tham nhũng.
Cũng theo Phó Tổng Thanh tra, các quy định về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng cũng có những nội dung chưa chặt chẽ, không có tính khả thi, thiếu chế tài xử lý vi phạm nên việc kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thực tế cho thấy, sau khi tiếp nhận bản kê khai, cơ quan quản lý cán bộ, công chức chỉ làm nhiệm vụ lưu hồ sơ mà chưa có cơ chế giải trình, kiểm tra, xác minh. Đặc biệt, do không có chế tài xử lý đối với những trường hợp có hành vi gian dối; giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập để chứng minh tính hợp pháp của tài sản, thu nhập nên chưa bảo đảm được sự chính xác trung thực đối với hồ sơ kê khai.
Thực tiễn thực hiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức, kê khai thu nhập bằng tiền hầu như không thực hiện được.
Nhiều công cụ góp phần kiểm soát thu nhập đã sử dụng nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Hiện nay thu nhập ngoài lương của người có chức vụ, quyền hạn tăng lên và được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau rất khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, mọi hành vi tham nhũng đều nhằm mục đích đem lại lợi ích cá nhân. “Nếu không có cơ chế kiểm soát thu nhập hiệu quả, người có chức vụ, quyền hạn sẽ dễ dàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái để tham ô, nhận lối hộ vì hành vi của họ không dễ bị phát hiện và thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật dễ dàng được hợp pháp hóa thành tài sản riêng”.
Mở rộng hay “khoanh vùng” đối tượng bị kiểm soát thu nhập?
Một vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận chính là đối tượng bị kiểm soát thu nhập. Theo đại diện của Cục thuế Hà Nội, đối tượng bị kiểm soát thu nhập cần phải có lộ trình chứ không nên làm “ồ ạt”. “Đánh không có trọng tâm, trọng điểm sẽ không có hiệu quả, không kiểm soát được.”
Đại diện này cho rằng, để thực hiện công tác kiểm soát thu nhập hiệu quả cần có phần mềm dữ liệu kết nối giữa các ngành để các cơ quan cùng kiểm tra thông tin, phòng chống tham nhũng. Tờ khai cũng phải được số hóa thông tin để có thể truy thu nguồn thu nhập. Thuế Thu nhập cá nhân hiện điều tiết 10 khoản thu nhập song các khoản thanh toán “ngầm” thì chưa kiểm soát được. Năm 2012, số tiền thuế thu nhập cá nhân thu được là 10.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đối tượng kê khai thu nhập nên để rộng. “Cứ kê khai đi, có sức kiểm soát đến đâu thì làm đến đấy”. Đối tượng kiểm soát phải mở tài khoản ở ngân hàng. Đối với các khoản tăng thêm thì phải giải trình. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng đề nghị “Đối tượng kiểm soát thu nhập cần rộng, không nhất thiết phải khoanh vùng”.
Tại cuộc hội thảo nhiều đại biểu cho rằng cần có chế tài xử lý đối tượng kê khai khi họ có hành vi vi phạm, kê khai không trung thực đồng thời ngăn chặn việc lập tài khoản cá nhân ở các ngân hàng nước ngoài. “Khai chỉ để mà khai thì cũng chẳng có tác dụng gì. Khai mà mang tính đối phó thì cần có cơ chế kiểm tra, đối chiếu, xử phạt”, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Thực tế, vấn đề quản lý tiền mặt ở Việt Nam quá kém nên dễ dẫn đến tình trạng tham ô, tham nhũng vụn vặt tràn lan. Do đó cần quy định các cơ quan đơn vị có bản kê khai chi tiết khi rút, thu chi tiền mặt để kiểm soát.
Việt Nam cũng đã áp dụng đề án thanh toán không sử dụng tiền mặt từ lâu song vẫn còn bất cập. Hiện mới chỉ có 34 tỉnh, thành phố thực hiện được việc chi trả qua tài khoản. Đại diện Kho bạc Nhà nước kiến nghị, các tỉnh vùng sâu, vùng xa người dân phải đi đến 20km mới có trạm ATM nên nếu triển khai đề án kiểm soát thu nhập (chủ yếu qua tài khoản trả lương từ ngân sách) cần lưu ý vấn đề này để có lộ trình phù hợp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()