Không quân Hải quân làm chủ thủy phi cơ đầu tiên
Từ trên cửa máy bay bước xuống, Ðại úy Vương Ðăng Nam, Phi đội trưởng Phi đội DHC-6 (Quân chủng Hải quân) chia sẻ: “Từng được lái chiếc thủy phi cơ này bên nước bạn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được lái chiếc DHC-6 trên bầu trời Việt Nam và thật tự hào. Bởi từ nay, lớp phi công chúng tôi sẽ là những người làm chủ chiếc thủy phi cơ hiện đại này”.
Thủy phi cơ DHC-6, có tên đầy đủ là Twin Otter Series 400. Ðây là chiếc máy bay 19 chỗ ngồi, là niềm tự hào của đất nước Ca-na-đa và là thành tựu công nghệ chế tạo máy bay hàng đầu của hãng sản xuất máy bay Viking. Ðón nhận chiếc thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên, không chỉ là niềm tự hào của Không quân Hải quân Việt Nam, mà còn là bước đột phá nằm trong lộ trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Ðây là loại máy bay có độ tin cậy cao, có thể sử dụng trong mọi địa hình, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Thủy phi cơ được tích hợp các bộ phận cảm biến cho sự uyển chuyển và đa năng, ngoài ra nó còn mang theo hệ thống quang điện tử, hệ thống hồng ngoại, với độ quét 360 độ và hệ thống ra-đa kỹ thuật số mầu. Khoảng đường bay tăng thêm nhờ sử dụng bình xăng phụ. DHC-6 thật sự đem lại cảm giác mới lạ cho mỗi khi phi công được điều khiển nó.
Ðón nhận, tiếp thu công nghệ từ các chuyên gia Ca-na-đa và tổ công tác để tiến tới thực hiện bay nghiệm thu làm chủ chiếc thủy phi cơ đầu tiên này, mọi công tác chuẩn bị từ việc kiểm định tình trạng kỹ thuật, đến công tác bảo đảm mọi mặt cho chiếc thủy phi cơ đều được tiến hành kỹ lưỡng. Công tác phối hợp giữa tổ công tác với chuyên gia nước bạn được thực hiện đúng theo lộ trình. Trước giờ cất cánh bay nghiệm thu, Phi đội DHC-6 được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân chủng hỗ trợ bảo đảm mọi mặt với tinh thần cao nhất. Sự phối hợp giữa phi đội với Ðài kiểm soát không lưu Cam Ranh được tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch hiệp đồng cụ thể, tỉ mỉ.
Thượng úy Phạm Vũ Tuấn, Phó phi đội trưởng – Tham mưu trưởng cho biết: “Toàn Phi đội đã làm tốt công tác tiếp nhận công nghệ từ chuyên gia, tận dụng triệt để sự giúp đỡ của các đơn vị bạn. Bất kỳ tình huống nào cũng được dự kiến xử trí một cách tốt nhất, đặc biệt là việc phối hợp, hiệp đồng các đơn vị bạn. Trước giờ bay, tất cả các thành viên của Phi đội sẵn sàng đợi lệnh xuất kích”.
Chiếc thủy phi cơ DHC-6 đã chính thức được bay nghiệm thu, do lái chính là Ðại úy Vương Ðăng Nam, Phi đội trưởng Phi đội DHC-6 cùng chuyên gia Ca-na-đa thực hiện. Sau hơn hai giờ bay, với các bài lái và tình huống bay theo kế hoạch được thực hiện hoàn thành, thủy phi cơ DHC-6 hạ cánh xuống sân bay trong niềm hân hoan của đại biểu dự lễ nghiệm thu và cán bộ, chiến sĩ toàn Phi đội. Sau bay nghiệm thu, cán bộ, phi công và chiến sĩ Phi đội DHC-6 tổ chức huấn luyện bay theo kế hoạch, để từng bước tiến tới khai thác và làm chủ chiếc thủy phi cơ này.
Ðược biết, quá trình đào tạo một phi công lái chính chiếc thủy phi cơ này trải qua rất nhiều “công đoạn”. Khi phi công cấp 1 được lựa chọn đi đào tạo ở Ca-na-đa phải được tuyển chọn trong số những phi công có trình độ ngoại ngữ khá tốt. Sau đó, cử đi học thêm Anh văn tại Học viện Hải quân và Học viện Phòng không – Không quân khoảng một năm. Kết thúc khóa học, phi công được cấp chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn quốc tế. Trên nền tảng ngoại ngữ được đào tạo trong nước, các phi công khi đưa ra nước ngoài tiếp tục được đào tạo nâng cao ở hai trung tâm ngoại ngữ khác để phục vụ quá trình học tập tại nước bạn. Sau khâu đào tạo ngoại ngữ, phi công được đưa sang đào tạo lái máy bay từ thấp đến cao. Nếu đạt trình độ lái chính chiếc thủy phi cơ DHC-6, người phi công đó phải biết lái sáu loại máy bay trước đó. Theo tiêu chuẩn chung, học viên phải được huấn luyện hơn 330 giờ bay mới được cấp bằng phi công thương mại lái chính (cơ trưởng).
Ðại tá Lê Mạnh Tiến, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân khẳng định: “Tiếp nhận và đưa thủy phi cơ DHC-6 vào sử dụng, chính là bước tiến mới trong lộ trình xây dựng Quân chủng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại. Khi thủy phi cơ DHC-6 đưa vào khai thác và sử dụng, sẽ góp phần nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các lực lượng trong toàn Quân chủng, nhất là lực lượng Không quân Hải quân”.
Làm chủ thủy phi cơ DHC-6, không chỉ là bước đột phá của lực lượng Không quân Hải quân, mà còn là niềm vinh dự, tự hào đối với lực lượng Hải quân.
Ý kiến ()