Không phát sinh, giảm điều kiện
LSO-Phát sinh nhiều nhất trong tổng số các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược (CCHND) từng bước được sửa đổi, đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho người thực hiện.
Cán bộ bộ phận “một cửa” Sở Y tế làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ cho người đến thực hiện TTHC cấp CCHND |
Để phục vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, những năm qua, các cửa hàng dược (bán thuốc) được mở ở nhiều nơi, ngay cả tại các xã. Để mở được các cơ sở này, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về bằng cấp, sức khỏe,… các dược sỹ cần phải thực hiện TTHC cấp CCHND theo hình thức xét hồ sơ tại Sở Y tế. Ngoài ra, những người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh… cũng phải thực hiện TTHC này.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 384 cơ sở hành nghề dược tư nhân, trong đó có 3 doanh nghiệp kinh doanh thuốc và con số này vẫn đang có xu hướng tăng. Nếu như năm 2016, tổng số hồ sơ cấp CCHND trên địa bàn tỉnh là 76 thì đến năm 2017, con số này đã lên tới 113 hồ sơ, tăng 37 hồ sơ so với năm 2016. Để thực hiện TTHC này, dược sỹ cần hoàn thiện hồ sơ gồm 6 thành phần. Các thành phần của hồ sơ tương đối đơn giản, chủ yếu là những giấy tờ, bằng cấp cơ bản. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thiện hồ sơ, Sở Y tế sẽ tiến hành thẩm định, xét hồ sơ, sau đó, dược sỹ sẽ được cấp CCHND.
Trước đây, theo Nghị định 79 của Chính phủ ban hành ngày 9/8/2006 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược, hồ sơ của thủ tục cấp CCHND có tới 8 thành phần. Tuy nhiên, đến năm 2012, thành phần hồ sơ đã được đơn giản hóa, bỏ 2 thành phần gồm: sơ yếu lý lịch và bản cam kết thực hiện quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về dược có liên quan. Cho đến nay, sau khi Nghị định 54 ngày 8/5/2017 ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược (mới), mặc dù thành phần hồ sơ không thay đổi nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dược sỹ khi giảm điều kiện thời gian thực hành từ 5 năm xuống còn 2 hoặc 3 năm với một số vị trí hành nghề ở thành phần hồ sơ “Giấy xác nhận thời gian thực hành”.
Ngoài ra, kể từ năm 2014, CCHND đã được Sở Y tế Lạng Sơn cấp vĩnh viễn mà không quy định về thời hạn. Điều này góp phần giảm bớt số lượng lớn TTHC phát sinh và phù hợp theo xu thế cải cách hành chính. Bà Hoàng Thị Kim Đào, Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y – Dược tư nhân, Sở Y tế cho biết: Dựa theo quyết định công bố chuẩn hóa TTHC cấp CCHND từ ngành dọc là Bộ Y tế, chúng tôi đã thực hiện đúng theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người thực hiện.
Tuy nhiên, để đảm bảo vừa cải cách mà vẫn quản lý được hoạt động hành nghề của dược sỹ, chứng chỉ này sẽ hết hiệu lực nếu người hành nghề không có giấy xác nhận hoàn thành đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp CCHND hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất. Chị Chu Thị Yến (xã Việt Yên, huyện Văn Quan) cho biết: Khi tới Sở Y tế thực hiện TTHC cấp CCHND, tôi được biết chứng chỉ sẽ được cấp một lần vĩnh viễn mà không phải đổi 5 năm /1 lần, tôi rất mừng vì sau khi nhận chứng chỉ, tôi sẽ yên tâm kinh doanh mà không phải lo sau này lại mất thời gian để thực hiện TTHC này nhiều lần nữa. Còn việc cập nhật kiến thức chuyên môn thì theo tôi, đó là điều đương nhiên phải thực hiện để nâng cao kiến thức cho bản thân mình.
Năm 2017, TTHC này đã được Bộ Y tế công bố chuẩn hóa. Tại tỉnh Lạng Sơn, cuối tháng 1/2018, thủ tục cấp CCHND là một trong những TTHC được Sở Y tế xét trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố chuẩn hóa trong thời gian tới.
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()