‘Không phải vấn đề nào cũng có thể giải quyết trong một sớm một chiều’
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam: “Với một người từng công tác gần 40 năm trong ngành ngoại giao, được chứng kiến những bước trưởng thành của đất nước nói chung, đối ngoại Việt Nam cũng như của ngành ngoại giao nói riêng, tôi cảm thấy rất tự hào”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh. |
Từ việc xử lý các vấn đề của khu vực và quốc tế cho đến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 tại Hà Nội, ngoại giao Việt Nam đã không chỉ phát huy được vị thế của đất nước mà còn thể hiện được sự chủ động, năng động và sắc sảo.
Việt Nam có vị thế, có những điều kiện nhất định, nhưng để nhân lên và lan tỏa những điều đó để bạn bè quốc tế có thể tin cậy chính là nhờ thành công của đối ngoại Việt Nam nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng.
Những đóng góp của đối ngoại Việt Nam trong các vấn đề quốc tế được thể hiện từ đường lối, chính sách đối ngoại, hỗ trợ nỗ lực của các bên đi vào đối thoại, xây dựng và xử lý bằng biện pháp ngoại giao cho đến vấn đề trung gian hòa giải. Cùng với sự phát triển của đất nước, vị thế của Việt Nam tăng lên, chúng ta cũng chủ trương tham gia hội nhập sâu rộng, nâng cao hơn nữa tầm vóc, sự tham gia của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và tại các diễn đàn đa phương.
Với chủ trương đóng góp, xây dựng trong các vấn đề quốc tế, với tâm thế sẵn sàng đảm nhận các trách nhiệm có liên quan, trong đó có vấn đề trung gian hòa giải, cộng thêm với sự tin cậy từ bạn bè quốc tế, tôi tin rằng, ngoại giao Việt Nam có nhiều dư địa phát huy vai trò ngoại giao hòa giải. Điều này không chỉ được thể hiện trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên mà còn được thể hiện trên những bình diện khác nhau của khu vực và quốc tế.
Thời gian qua, chúng ta đã đăng cai tổ chức những Hội nghị, Diễn đàn khu vực, quốc tế quan trọng như Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2018… cũng như tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế khác nhau. Tại những diễn đàn, thể chế đó đều có những vấn đề phức tạp nảy sinh và Việt Nam đều có vai trò đóng góp ở những mức độ khác nhau với tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng cao.
Do đó, chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng với những vấn đề lớn, phức tạp như vấn đề hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên mà chúng ta có thể có vai trò, có thể đóng góp tích cực, được bạn bè tin cậy thì chúng ta sẽ có dư địa để đóng góp tốt hơn trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Về nghệ thuật trong ngoại giao hòa giải, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm như thế này. Thứ nhất, khi gặp phải các vấn đề phức tạp, đơn cử như quá trình thương lượng giữa các nước trong ASEAN, điều đầu tiên là phải xét đến sự song trùng lợi ích giữa các bên. Càng khó khăn thì ta càng phải tìm đến những kẽ hở để có thể giúp các bên tìm thấy sự song trùng lợi ích, những giải pháp có thể hướng tới.
Thứ hai, phải luôn luôn tăng cường, xây dựng lòng tin, đặc biệt là dám xây dựng lòng tin thông qua tăng cường hiểu biết, dám đưa ra những quyết định có thể thu được sự đồng thuận.
Thứ ba, cần nhận thức rằng không phải vấn đề nào cũng có thể giải quyết trong một sớm một chiều hay qua một, hai cuộc họp, nhất là trong các vấn đề khó khăn, phức tạp. Với những vấn đề như vậy, luôn phải có những cách thức để nuôi dưỡng, tạo đà cho các nỗ lực, tiến trình ngoại giao đàm phán.
Đây là ba yếu tố quan trọng trong nghệ thuật ngoại giao hòa giải mà từ ở tầm cấp cao nhất cho đến tầm những cán bộ như chúng tôi phải nuôi dưỡng.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()