Không lơ là với kiểm soát lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 1 vừa qua đã không hề thay đổi so với tháng trước và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số CPI tháng 1 năm nay đã phá vỡ quy luật thị trường nhiều năm trước đây khi CPI tháng sát Tết thường tăng cao. Năm nay, cho dù trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI, có tới 9 nhóm tăng giá nhưng mức tăng cũng rất thấp, dưới 1%. Ngược lại, do giá xăng dầu, giá ga giảm mạnh nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 6,44% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%.
Giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhìn chung ổn định, là tín hiệu vui đối với người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan, lơ là với nhiệm vụ kiểm soát CPI bởi chu kỳ tính CPI tháng 2 mới rơi đúng vào thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán (CPI thường được tính từ ngày 15 tháng trước tới ngày 15 tháng sau). Đây cũng là thời điểm nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ tăng cao, nếu không có biện pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường một cách hiệu quả, bảo đảm cung cầu hàng hóa để không xảy ra thiếu hàng, sốt giá, thì khó tránh khỏi tình trạng tăng giá “tát nước theo mưa”. Chưa kể đợt rét đậm, rét hại diễn ra những ngày cuối tháng 1 vừa qua có thể làm nguồn cung một số hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng, khiến giá cả “rục rịch” tăng.
Kết thúc tháng đầu năm, CPI giữ nguyên không đổi so với tháng trước. Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, CPI tháng 2 sẽ tăng nhưng mức tăng không cao, không đột biến. Sang tháng 3, CPI có thể bị tác động bởi việc tăng giá một số dịch vụ y tế từ ngày 1-3-2016. Việc tăng giá dịch vụ y tế lần này nằm trong lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo giá thị trường để dần tiến đến giá trị thực của dịch vụ này. Chúng ta có thể tranh thủ CPI đang ở mức thấp để đưa ra lộ trình điều chỉnh tăng giá một số loại hàng hóa, dịch vụ như điện, dịch vụ y tế, giáo dục… theo giá thị trường. Song, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, việc tăng giá phải được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng các tác động, tránh tăng giá cao, đột ngột làm ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống của người dân. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu dịch vụ y tế tăng 10% có thể làm CPI tăng 0,34%. Nếu dịch vụ giáo dục tăng 10%, có thể làm CPI tăng 0,58%. Còn nếu cả hai dịch vụ này cùng tăng 10% thì có thể làm CPI tăng tới 0,92%. Thậm chí nếu cả dịch vụ y tế, giáo dục và điện cùng tăng giá 10% thì CPI có thể bị tăng tới 1,31%. Như vậy, CPI trong những tháng tới sẽ chịu sức ép tăng cao bởi việc điều chỉnh một số dịch vụ công theo lộ trình giá thị trường. Mặc dù vậy, đây là yếu tố chủ quan, chúng ta hoàn toàn có thể can thiệp, cân nhắc thời điểm tăng, mức tăng giá… để hạn chế thấp nhất các tác động tăng giá bằng việc điều hành giá có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan liên quan.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()