Không khởi tố vụ 9 người chết, bị thương do ngạt CO của lò vôi
Như tin đã đưa, ngày 1/1, gia đình ông Lê Văn Thong tiến hành đốt lò vôi, ông Phạm Văn Tuyên (xã Hoàng Giang) là công nhân, tiếp tục xếp đá và than vào lò vôi, thì bị ngạt khí ngất xỉu.
Thấy vậy ông Lê Văn Thong (chủ lò vôi) bắc thang xuống cứu, nhưng mới xuống được vài bậc thang cũng bị ngạt khí, ngất xỉu tại chỗ. Khi phát hiện sự việc, lần lượt vợ, hai người con gái của ông Thong và 4 công nhân đang làm việc ở các lò vôi bên cạnh đã bắc thang xuống cứu nhưng chỉ được vài bậc thang là bị ngạt khí, ngất xỉu…
Trước thực tế trên, những người làm việc quanh khu vực đã hô hoán người dân trong xóm đến ứng cứu và phá gạch mở thêm cửa phụ để đưa các nạn nhân ra ngoài; đồng thời dùng quạt xả công suất lớn để thổi khí độc ra ngoài, tạo môi trường thoáng khí nhằm sơ cứu và đưa các nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Tuy nhiên, do ngạt khí quá nặng nên cả 8 nạn nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Đức (huyện Nông Cống) cứu chữa đều không qua khỏi. Bà Lê Thị Nguyên (vợ ông Thong) được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Đến ngày 4/1, bà Nguyên đã qua cơn nguy kịch và đang có tiến triển tốt.
Trước sự việc nghiêm trọng kể trên, Ủy ban Nhân dân huyện Nông Cống đã đình chỉ 7/7 lò vôi thủ công trên địa bàn huyện để rà soát, kiểm tra, nếu lò vôi thủ công nào không đảm bảo an toàn lao động sẽ không cho hoạt động.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương quy hoạch xây dựng các lò vôi hiện đại nhằm đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời tiến tới xóa bỏ 200 lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh./.
Ý kiến ()