Không khí lạnh tăng cường xuống các tỉnh phía bắc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Dự báo khoảng sáng 13-3, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến vùng biên giới phía bắc nước ta, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía đông Bắc Bộ, bắc và trung Trung Bộ, một số nơi ở phía tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ có mưa, mưa nhỏ, từ chiều 11-3 trời trở rét.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền nam, mùa khô năm nay, từ tháng 3 đến tháng 5, ở các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn có độ mặn 4%o trở lên xâm nhập sâu từ 40 đến 50 km, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Viện đã khuyến cáo các tỉnh khẩn trương triển khai công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn đang gia tăng. Đồng thời, lưu ý các địa phương cần vận hành hợp lý các công trình thủy lợi bảo đảm tiêu thoát, ngăn mặn và đưa nước ngọt về.
Ngày 12-3, tại xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Tổ chức Tầm nhìn thế giới phối hợp UBND huyện Hải Lăng và Công ty P&G tổ chức chương trình nước uống sạch cho cộng đồng, hướng dẫn người dân trữ nước đúng cách và xử lý nước an toàn để bảo vệ sức khỏe. Đây là chương trình nằm trong một phần của dự án “Nước an toàn cho cộng đồng dễ bị tổn thương trong mùa lụt bão” với mục tiêu góp phần giảm thiểu các dịch bệnh liên quan nguồn nước trong cộng đồng mùa mưa, bão lũ tại các huyện: Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa, Hải Lăng. 8.500 hộ dân tại 22 xã sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.
Theo báo cáo của một số công ty mía đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tại hai huyện Thạch Thành và Cẩm Thủy hiện bùng phát dịch bọ hung hại mía với tổng diện tích lên đến 1.100 ha; tập trung ở các xã Thạch Cẩm (215 ha), Thành Mỹ (117 ha); Thành Vinh (hơn 138 ha)…
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chi cục Thú y tỉnh cấp 5.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại và 200 nghìn liều vắc-xin phòng cúm gia cầm cho các huyện phòng dịch. Lực lượng liên ngành của tỉnh tăng cường túc trực 24/24 giờ tại ba chốt kiểm dịch (gồm: tại chốt Lộc Thủy trên tuyến quốc lộ 1A, chốt tại huyện biên giới A Lưới và chốt tại đèo La Hy, huyện Nam Đông); cấp sổ quản lý và tiêm bắt buộc các đàn thủy cầm có tổng đàn từ 50 con trở lên, khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia cầm tiêu độc hai lần/tuần.
Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, dịch cúm gia cầm H5N1 trên toàn tỉnh đã chấm dứt. Các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm trở lại bình thường. Đợt dịch từ giữa tháng 2-2014, Chi cục tiêu hủy hơn 2.000 con vịt bị nhiễm bệnh, đến nay, không phát sinh thêm ổ dịch mới. Chi cục đã lập ba chốt kiểm dịch để tăng cường giám sát việc vận chuyển, mua bán gia cầm và lên phương án phòng, chống trên đàn chim cút (hơn 408 nghìn con) tại các huyện Đông Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa.
Đợt mưa tuyết và rét đậm kèm sương muối từ đầu năm 2014 đã làm ảnh hưởng nhiều diện tích cây rau màu, dược liệu tại Lào Cai, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân. Riêng huyện Sa Pa có gần 100 ha giàn su su bị sập, nhiều diện tích cây trồng khác bị chết. Tại các xã vùng cao Y Tý, Pa Cheo, Sảng Ma Sáo, Nậm Chạc, huyện Bát Xát, hàng trăm ha thảo quả bị cháy lá. UBND huyện Sa Pa hỗ trợ 1,6 tỷ đồng để giúp nông dân tại thị trấn Sa Pa mua cọc bê-tông trồng lại vườn su su. Đến nay, hơn 200 hộ dân tại đây đã nhận khoảng 16 nghìn cọc bê-tông. Các huyện Bát Xát, Bắc Hà cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ hạt giống, cây trồng giúp nông dân phục hồi lại diện tích cây dược liệu đã bị chết.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()