Không gian mở cho nhận thức
Học sinh Trường THCS Tam Thanh (TP Lạng Sơn) trong buổi hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh |
Các hoạt động trải nghiệm
Sau chuyến đi thực tế tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, được trèo lên chiếc xe bọc thép của quân đội, tham quan vườn rau, ao cá, lại được xem các chú bộ đội biểu diễn võ thuật…, em Vũ Ngọc Phương Thảo, học sinh lớp 7A6, Trường THCS Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) rất thích thú. Viết bài thu hoạch, em đề cập đến hình ảnh các chú bộ đội không những làm chủ được vũ khí hiện đại, có võ thuật giỏi mà còn tăng gia sản xuất giỏi.
Cuối năm 2014, trường tổ chức đi thăm Chùa Thành, được các nhà sư giảng dạy về chữ Tâm, chữ Hiếu, được ăn bữa cơm chay với nhà chùa, em Đặng Văn Thành rất thấm thía. Em tâm sự: “Học đến lớp 9, được các thầy cô giảng giải nhiều, song đến Chùa Thành, chữ Tâm, chữ Hiếu được nói đến trong một không gian thiêng liêng, chúng em càng cảm nhận được ý nghĩa của nó”.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động có động cơ, có đối tượng để chiếm lĩnh; được tổ chức bằng các việc làm cụ thể của học sinh được thể hiện trong thực tế có sự định hướng của nhà trường và hướng dẫn của giáo viên. Vì vậy, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2013-2014, các cấp học đều có các hoạt động trải nghiệm. Tuy hoạt động trải nghiệm theo từng chủ đề tích hợp liên môn, song sự bổ ích của nó không chỉ dừng lại ở nhận thức, mà thực sự đó là những buổi bồi dưỡng giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh những vấn đề không thể gói gọn trong khuôn viên nhà trường và bó hẹp trong các tiết học.
Đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm
Thầy giáo Đậu Trường Huân, Hiệu trưởng Trường THCS xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) cho biết: khu sinh thái Đông Bắc ở ngay cạnh trường luôn là địa điểm lý tưởng để học sinh nhà trường đến tìm hiểu sự đa dạng sinh học, từ sự phát triển của cây thông, cây hạt dẻ đến thảm thực vật phong phú. Bảo tàng tổng hợp tỉnh luôn được các em thích thú mỗi khi đến tham quan vì ở đó, học sinh được cung cấp, bổ sung kiến thức về lịch sử, địa lý, thiên nhiên, con người, văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cô giáo Hoàng Thị Thùy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chi Lăng nói rằng: hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh là vô cùng cần thiết, nhất là những chuyến đi “về nguồn” tới nông thôn, lên vùng cao. Với ý nghĩa đó, tới đây nhà trường sẽ tổ chức quyên góp quần áo để tặng cho Trường THCS bán trú xã Mẫu Sơn (Cao Lộc). Lên đó, học sinh không chỉ được giao lưu, tìm hiểu cuộc sống học sinh bán trú, mà còn được thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Mẫu Sơn.
Năm học 2014-2015, các nhà trường của ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã thực hiện gần 5.000 tiết hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn tiết học, ngoại khóa, vui chơi mà ở đó học sinh được tiếp cận với các trò chơi, những làn điệu dân ca, dân vũ dân gian. Tất cả 20/20 trường THCS huyện Bắc Sơn đã tổ chức được 145 tiết với 110 lớp và 2.857 học sinh tham gia. Ngoài hoạt động ngoại khóa tại Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, các di tích lịch sử, học sinh còn được tới các làng bản văn hóa- du lịch tại Quỳnh Sơn (Bắc Sơn); tìm hiểu phong tục nhuộm chàm, may áo chàm; tìm hiểu cách thức gieo, trồng thuốc lá, trồng quýt… Các trường tiểu học ở Hữu Lũng đã tổ chức 63 đợt hoạt động trải nghiệm sáng tạo với hàng trăm tiết, thu hút 8.000 lượt học sinh, 600 lượt giáo viên và 150 lượt phụ huynh tham gia.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã có những đóng góp to lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Các hoạt động của học sinh trong các chuyến thực tế ngoài nhà trường kích thích sự tò mò, thích khám phá, tìm hiểu của các em, càng phù hợp với phương pháp “bàn tay nặn bột” mô hình trường học mới VNEN; dạy học mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch. Vì vậy hoạt động trải nghiệm sẽ được xây dựng và tổ chức nhiều hơn trong các năm học tới. Vấn đề là cần đẩy mạnh xã hội hóa để có kinh phí; phương pháp tổ chức cần khoa học, sự quản lý chu đáo của nhà trường để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Ý kiến ()