Không gì là mãi mãi, và Messi chia tay Barca
Hai thập kỷ, một mối tình, 634 bàn thắng, 34 danh hiệu cùng vô số những khoảnh khắc diệu kỳ, tất cả sẽ khép lại. Lionel Messi đang ở trong những ngày cuối cùng tại Nou Camp, sẵn sàng cho một cuộc sống mới không Barca.
Những ngày đầu của“ Bọ chét”
Trong những năm đầu thiên niên kỷ mới, Cadete B (U16 Barca) không thể nào đánh bại Cadete A Espanyol. Kỹ thuật của họ bị áp đảo trước sức mạnh của đối thủ và những người Espanyol chế nhạo rằng, để chiến thắng, những trò rê dắt là không đủ.
Cho đến một ngày, Cadete B hành quân tới sân nhà của Cadete A Espanyol, ghi ba bàn và ra về với tư cách người thắng cuộc. Nhân vật chính tạo ra bước ngoặt lịch sử ấy là cậu nhóc 14 tuổi người Argentina. Quá nhỏ bé trong chiếc áo rộng thùng thình, nhưng cậu ta luồn lách qua mọi đối thủ và ghi bàn dễ như lấy đồ trong túi.
Cậu ta đến Barcelona vào hai năm trước, từ Rosario, nơi cách đó gần 14 ngàn cây số. Ngày đầu tiên bước vào phòng thay đồ của Infantil B (U12 Barca), cậu rụt rè và nhút nhát đến độ không dám mở lời chào. Cho đến khi một đồng đội hỏi, “bạn đá ở đâu”, cậu mới lí nhí đáp, “tớ chơi tiền đạo”, sau đó lại rút về vỏ ốc của mình.
Thời gian ấy, Cesc Fabregas là ngôi sao của đội, một người rất giỏi đọc trận đấu. Fabregas sẽ đá cặp trên hàng công trong trận đầu tiên của cậu nhóc tân binh. Và khi bóng bắt đầu lăn, không ai còn để ý đến Fabregas. Tất cả chỉ dõi theo đứa trẻ Argentina kia. Nó đang làm xiếc với trái bóng. Trong khi ở Barca, những đứa trẻ cố gắng chơi với một, hai chạm và chuyền để đưa bóng đến khu vực mong muốn, thì cậu nhóc kia có thể di chuyển đến đó trong cùng thời gian với bốn hay năm chạm. Trong phòng thay đồ, cậu ta như người vô hình, ngồi một mình trong góc và im lặng. Cậu không trò chuyện với ai, nên cũng chẳng làm phiền ai. Nhưng bước ra sân, khiến tất cả phải khó chịu.
Các đồng đội ở Infantil B, sau đó là Cadete B, Juvenil A (U19), Barca C rồi Barca B luôn tự vấn bản thân, phải chăng họ không đủ tốt, và liệu họ có khả năng làm những điều tương tự thằng nhóc kia không? Đôi khi bực mình quá, họ quyết định chặn nó lại bằng cách phạm lỗi. Than ôi, nó quá nhanh để luôn vọt đi trước khi bị truy cản. Trong những bài tập đối kháng một chọi một, các cầu thủ luôn né cậu ta. Họ không muốn bị biến thành gã hề trước mặt đồng đội và các ông thầy.
Roger Gribet, người gia nhập Barca cùng ngày với cậu nhóc kia nói rằng, “đôi khi bọn tôi nghĩ, cách duy nhất để ngăn cản cậu ta là một phát súng. Tuy nhiên, tôi ngờ rằng cậu ta đủ nhanh để né mình khỏi viên đạn ngay sau khi nó ra khỏi nòng”.
Vì vậy, họ chỉ ước buổi tập sớm kết thúc và trở về phòng thay đồ, nơi gã kia hoàn toàn yên tĩnh, ngồi trên chiếc ghế mà chân không chạm đất, bé nhỏ như La Pulga – con bọ chét. Con bọ chét ấy có tên Lionel Messi.
Thằng câm, Rexach và tờ giấy ăn
Ngày 17-9-2000, ba ngày sau thất bại trước Bilbao ở La Liga, báo hiệu một mùa giải trắng tay nữa của Barca, sẽ trở thành ngày rất đặc biệt trong lịch sử đội bóng xứ Catalan.
Đó là ngày đầu tiên Messi, khi ấy 13 tuổi, đặt chân tới Barcelona, khi chiếc máy bay đáp xuống sân bay El Prat sau hành trình dài vượt Đại Tây Dương. Messi cùng ông bố Jorge được sắp xếp ở Hotel Plaza dưới chân núi Montjuic để chuẩn bị cho buổi tập thử vào ngày mai.
Messi nhanh chóng gây ấn tượng. Nhưng các HLV không phải người đưa ra quyết định. Nhân vật có tiếng nói cuối cùng trong việc có ký hợp đồng với Messi hay không là Giám đốc kỹ thuật Charly Rexach. Mà ông này lại đang ở nam bán cầu, tham dự Thế vận hội Olympic tại Sydney. Bố con nhà Messi phải nán lại và chơi một trận đấu khác vào đầu tháng 10, khi Rexach trở về.
Trận đấu đó, Rexach lại đến muộn. Ông ta có mặt lúc trận đấu đã diễn ra, tiếp tục dành thời gian cho việc chọn chỗ ngồi ưng ý, đầu tiên sau khung thành, kế đến chuyển tới khu kỹ thuật. Tuy nhiên vừa thả mình xuống ghế hai phút, Rexach đã bật dậy, quay sang người bên cạnh và nói: “Chúng ta phải ký hợp đồng với đứa bé này, ngay lập tức”.
Nói luôn dễ hơn làm. Rexach tin Messi sẽ trở nên vĩ đại như Diego Maradona, nhưng những người khác thì không. Dù sao đó vẫn là đứa trẻ 13 tuổi, bé như cái kẹo và có vấn đề về hormone tăng trưởng. Điều quan trọng nhất là phi vụ này quá tốn kém. Barca sẽ phải tìm việc cho ông bố Jorge, tìm nhà cho cả hai bố con. Họ cũng phải trả gần 1.000 USD hằng tháng cho việc điều trị thiếu hụt hormone tăng trưởng, với những ống thuốc mà Messi tự tiêm vào chân mỗi ngày.
Messi vẫn đến tập cùng Infantil B và bị gọi là el mudo – thằng câm, hay enano – thằng lùn, nhưng ông bố Jorge không thể chờ đợi thêm.
Một ngày tháng 12, trong bữa ăn trưa ở CLB quần vợt Pompeia, ông tuyên bố sẽ đưa con trai rời khỏi Barcelona. Rexach phải hành động nhanh chóng. Giám đốc kỹ thuật của Barca rút tờ giấy ăn từ chiếc hộp nhựa, thảo luôn “hợp đồng” và giao cho Horacio Gaggioli, đại diện của Messi. Sau này Rexach luôn tự hào vì khoảnh khắc tạo nên lịch sử cho Barca, còn Gaggioli đóng khung tờ giấy đó, cất giữ cẩn thận và thi thoảng mới đem khoe, bỏ ngoài tai lời kêu gọi đưa nó vào bảo tàng của CLB.
17 năm 114 ngày để chạm tới thành công
Trong một thời gian dài người ta luôn nói rằng Messi là thiên tài bẩm sinh còn Cristiano Ronaldo, kình địch của anh, là hiện thân của nỗ lực và ý chí vươn lên. Đó là quan niệm sai lầm.
Nếu Ronaldo nhận được sự ủng hộ của cả gia đình, thì thoạt đầu, chỉ có bà nội Messi cổ vũ anh chơi bóng đá, đưa anh đến sân và thuyết phục bố mẹ mua cho anh đôi giày đá bóng. Như đã biết, Messi cũng không được trang bị thể trạng tối thiểu của một cầu thủ bóng đá. Anh nhỏ bé, gày gò và vì hình thể ấy, trở nên nhút nhát, nội tâm.
Một thời gian ở Barca, vì không thể thích nghi được với cuộc sống ở thành phố đông bắc Tây Ban Nha, mẹ cùng anh chị Messi trở lại Argentina. Anh càng trở nên cô đơn, tự vật lộn mỗi đêm với ống thuốc tiêm cùng nỗi nhớ nhà. Để làm phức tạp hơn cuộc sống của Messi, anh còn gãy xương mác chỉ một tuần sau khi chơi trận đầu tiên cùng Infantil B. Tranh chấp pháp lý về chuyển nhượng cầu thủ nước ngoài cũng đe dọa anh không thể ra sân ở đội trẻ Barca.
Messi đã đi một chặng đường dài đầy rẫy khó khăn để có được trận ra mắt đội một Barca năm 2004, trong trận đấu với Espanyol dưới chân núi Montjuic, nơi anh trải qua đêm đầu tiên ở Barcelona năm 2000. Cầu thủ người Argentina vào sân phút 82, thay cho Deco. Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy không đủ để anh ghi dấu ấn, nhưng Messi nói rằng “sẽ nhớ 8 phút ấy cả đời”.
Hành trình để giới thiệu mình như một tài năng xuất chúng, người sẽ kế nhiệm Diego Maradona của Messi vẫn tiếp tục. Nó đã đến vào tháng 5-2005, khi anh ghi bàn đầu tiên trong sự nghiệp vào lưới Albacete. Một cú lốp bóng xuất sắc qua đầu thủ môn Raul Valbuena và Messi chạy đi trong vui sướng, trước khi được Ronaldinho cõng lên lưng.
Hình ảnh Messi ở vị trí cao nhất, ăn mừng với cánh tay giơ cao và vây xung quanh là Ludovic Giuly, Carles Puyol, Andres Iniesta hay Deco biểu tượng cho sự đón chào, kèm theo ngưỡng mộ vị vua mới của Nou Camp.
Thời điểm ấy Messi mới 17 tuổi 114 ngày. Nhiều người nhớ nó như một dấu mốc về cầu thủ trẻ nhất lịch sử Barca ghi bàn ở một trận đấu chính thức. Còn Messi nghĩ đó là một hành trình của những nỗ lực không ngừng và khát khao vươn lên mãnh liệt. Anh nói: “Tôi đã mất 17 năm 114 ngày để chạm tới thành công”.
16 mùa chinh chiến, một di sản đồ sộ
Khi Messi chạm tới thành công, đồng nghĩa với việc cánh cửa mở ra trước mắt Barca, đưa họ vào kỷ nguyên rực rỡ chưa từng có. 16 năm với ngọn hải đăng dẫn đường mang tên Messi, đội bóng xứ Catalan giành được 34 danh hiệu, trong khi 104 năm trước đó, họ chỉ có được 52 danh hiệu.
Cùng Messi, Barca 10 lần đăng quang La Liga, qua đó rút ngắn khoảng cách với kình địch Real từ 13 xuống còn 8 lần vô địch (26 so với 34). Và cùng Messi, họ vươn lên trở thành một trong những đội bóng lớn nhất châu Âu với bốn lần vô địch Champions League. Trước khi Messi ra mắt, họ chỉ vô địch một lần, ít hơn cả Benfica, Porto và Nottingham Forest.
Tất nhiên, Messi cũng tạo dựng sự vĩ đại cho riêng mình. Anh lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu với sáu Quả bóng Vàng, sáu Chiếc giày Vàng châu Âu, bẩy Pichichi (Vua phá lưới La Liga), đồng thời cũng là cầu thủ duy nhất vượt mốc 40 bàn trong 10 mùa liên tiếp.
Cá biệt, mùa 2011-2012, Messi ghi tới 73 bàn thắng ở mọi đấu trường, bao gồm 50 bàn ở La Liga. Không cầu thủ nào trong lịch sử của năm giải đấu hàng đầu châu Âu, kể cả Vua dội bom Gerd Mueller hay Ronaldo người ngoài hành tinh, làm được điều phi thường đó. Những con số 50 rồi 73 đã là vô lý, vậy mà Messi còn thiết lập cột mốc 91 bàn cho cả Barca và ĐT Argentina trong năm dương lịch 2012.
Bây giờ, sau 16 mùa giải, Messi đã ghi 634 bàn thắng, nhiều hơn bất kỳ ai trong lịch sử Barca. Để nhấn mạnh sự khủng khiếp, cho dù cộng toàn bộ số bàn thắng của chân sút ghi nhiều bàn thứ 2, Cesar Rodriguez (232 bàn), thứ 3 (Luis Suarez 194) và thứ 4 (Laszlo Kubala 194), thì vẫn kém thành tích của riêng Messi 10 bàn.
Từng có thời gian người ta nói rằng Messi chỉ tốt dưới sự huấn luyện của Pep Guardiola, đồng thời nhận sự hỗ trợ của Xavi, Andres Iniesta. Những người này lần lượt ra đi, Messi ở lại và tiếp tục tỏa sáng. Ngay cả mùa giải 2019-2020, anh vẫn ghi 33 bàn và kiến tạo 26 bàn thắng khác bất chấp việc phải chơi trong một tập thể ủ rũ được dẫn dắt bởi Quique Setien, bất chấp tuổi tác và bất chấp sự chán nản tột cùng vì cung cách điều hành của Ban lãnh đạo.
Tạm biệt, Barca…
Thật khó tưởng tưởng rằng sẽ có một ngày Messi rời khỏi Nou Camp, tạo nên ma thuật với màu áo không phải Barca. Nhưng điều điên rồ ấy sắp xảy ra, chấm dứt hai thập kỷ gắn bó với Barcelona và tạo nên câu chuyện kinh thiên động địa nhất lịch sử bóng.
Thời điểm Messi gửi fax tới Ban lãnh đạo để yêu cầu ra đi, đó chắc chắn không phải quyết định nảy sinh từ cơn tức giận nhất thời. Nó đã được cân nhắc và chuẩn bị trong một thời gian dài, giống như khi Messi nói về trận ra mắt năm 2004, rằng “tôi đã chờ đợi và nghĩ về nó quá lâu, để rất bình tĩnh khi nó đến”.
Messi bây giờ cũng không phải el mudo hay enano thu mình trong phòng thay đồ, hay đứa bé dỗi hờn như lúc ngồi trên xe bus vào năm 2009 và nhắn tin cho Pep Guardiola, rằng “tôi cảm thấy mình không còn quan trọng với đội bóng, bởi vậy…”.
Hoàn toàn không. Messi đã trưởng thành, là một người chồng, người cha của ba cậu con trai. Anh cũng đeo băng thủ quân để nhận thức đầy đủ trách nhiệm của một thủ lĩnh, người sẽ dẫn dắt Barca tới các chiến thắng liên tiếp, đi từ danh hiệu này tới danh hiệu khác.
Anh không thích bị biến thành tấm bia đỡ đạn cho những sai lầm thượng tầng, những thất bại của đội bóng. Và anh sẵn sàng nói lên cảm nghĩ của mình, bày tỏ quan điểm về các vấn đề trong CLB. Khi không được lắng nghe, anh quyết định đến lúc phải dùng đến phương sách cuối cùng: từ bỏ.
Người ta thường nói không có cầu thủ nào lớn hơn CLB. Điều đó đúng, nhưng không phải với Barca và Messi. Barca sẽ không còn là Barca mà chúng ta từng biết trong 16 mùa qua, một Barca quyến rũ, mê hoặc ngay cả khi họ không chơi tốt.
Bởi Messi khỏa lấp tất cả. Messi đi bóng, kiến tạo, đá phạt, ghi bàn. Anh là số 10, số 9, số 9 ảo, là cầu thủ chạy cánh, tiền đạo cánh, tiền vệ kiến thiết. Theo đồng đội cũ Xavi, Messi có khả năng làm mọi thứ. Ngay cả khi yêu cầu đá trung vệ, anh cũng sẽ trở thành trung vệ xuất sắc nhất thế giới.
Giờ thì những điều tuyệt vời ấy sẽ rời bỏ Barca. Tất cả sẽ trở thành lịch sử. Một lịch sử chói lọi không bao giờ bị lãng quên, bắt đầu từ tờ giấy ăn và kết thúc bằng một tờ fax.
Ý kiến ()