Không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến Tết Nguyên đán
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ ngày 4-11, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy đã chủ trì cuộc họp báo, thông tin về một số giải pháp cấp bách nhằm bình ổn thị trường tiền tệ và tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó khẳng định không tăng tỷ giá từ nay đến Tết Nguyên đán, đồng thời Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán đầy đủ USD ra thị trường, cũng như không thực hiện yêu cầu giảm lãi suất tiền đồng đối với các ngân hàng thương mại.Không tăng tỷ giáChủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cho biết, tối 3-11, Thường trực Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và các bộ, ngành liên quan đã có cuộc họp khẩn bàn về tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung vấn đề tỷ giá và lãi suất. Tại cuộc họp, các thành viên đều chung nhận định, cơn sốt USD hiện nay đã đưa tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng cao và vượt xa so tỷ giá chính thức...
Không tăng tỷ giá
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cho biết, tối 3-11, Thường trực Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và các bộ, ngành liên quan đã có cuộc họp khẩn bàn về tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung vấn đề tỷ giá và lãi suất. Tại cuộc họp, các thành viên đều chung nhận định, cơn sốt USD hiện nay đã đưa tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng cao và vượt xa so tỷ giá chính thức ngân hàng, gây tác động bất ổn cho thị trường và nền kinh tế. Xu hướng này diễn ra liên tục trong hơn nửa tháng nay buộc Chính phủ phải có thái độ và các biện pháp cần thiết để bảo đảm ổn định thị trường và kinh tế vĩ mô. Sau khi cân nhắc các biện pháp, Chính phủ quyết định từ nay đến cuối năm không điều chỉnh tỷ giá như mọi lời đồn đoán.
Quyết định này được đưa ra dựa trên cơ sở năm nay, nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch đều đạt được. Tăng trưởng GDP năm 2010 có khả năng đạt 6,7 đến 6,8%, trong khi kế hoạch đề ra chỉ là 6,5%. Tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 23% (kế hoạch chỉ là 18%), tăng trưởng nhập khẩu cũng chậm lại, chỉ ở mức 17% nên mức nhập siêu cả năm nay chỉ khoảng 12 đến 12,5 tỷ USD, thấp hơn mức dự kiến 13,5 đến 14 tỷ USD. Bên cạnh đó, mức thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể năm 2010 dự báo giảm xuống còn bốn tỷ USD, chỉ bằng một nửa của năm 2009, đến năm 2011, cán cân này còn có thể thặng dư từ một đến hai tỷ USD. Điều này cho thấy chiều hướng cán cân thanh toán là khá tích cực, tình hình xuất nhập khẩu được cải thiện, luồng vốn vào ngày càng tăng lên. Vì vậy, việc tăng tỷ giá trong thời điểm này là không có lợi bởi một loạt chỉ tiêu kinh tế nêu trên đều đã đạt được. Trong khi đó, với mức tăng 7,58%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng qua là đáng báo động so mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức khoảng 8%. Nếu điều chỉnh tỷ giá, thì CPI có khả năng tăng vọt lên, như vậy sẽ không đạt được mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô của năm nay.
Ổn định tỷ giá bằng cách can thiệp thị trường
Để bình ổn thị trường ngoại hối, Chính phủ chỉ đạo NHNN có biện pháp can thiệp cụ thể. NHNN sẽ bán USD đầy đủ cho các ngân hàng thương mại, đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, như nhập khẩu xăng dầu, vật tư, phân bón… Trong tháng 9 vừa qua, NHNN mua vào 300 triệu USD, nhưng tháng 10 mới bán ra để can thiệp thị trường 200 triệu USD. Tuy nhiên, việc này chưa đủ để bình ổn và can thiệp thị trường nên cần có biện pháp mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuy có giảm so thời kỳ đỉnh cao (23 tỷ USD công bố trước đây), nhưng lượng còn lại vẫn khá lớn và đủ sức cho NHNN can thiệp vào thị trường khi xảy ra những cơn sốt ngoại tệ. Hơn nữa, việc dự trữ ngoại hối có mục đích cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường thì phải sử dụng nguồn lực này một cách hợp lý nhất. Về dài hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, nhưng việc mua vào lúc nào phải chọn thời điểm, thời cơ thuận lợi.
Cùng với quyết định không tăng tỷ giá, Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN không tiếp tục thực hiện yêu cầu giảm lãi suất đối với các ngân hàng thương mại, mà để các ngân hàng thực hiện lãi suất tiền đồng theo thị trường, hạn chế sự méo mó trên thị trường tiền tệ hiện nay. Chủ tịch Lê Đức Thúy nhận định, với thực tế hiện nay thì sau quyết định thả nổi này, mức lãi suất huy động tiền đồng có thể tăng lên 12 đến 13%/năm, lãi suất cho vay là 15 đến 17%/năm. Mức lãi suất này tuy tăng nhưng vẫn giảm so hồi đầu năm 2010 và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế cũng như tiêu dùng của người dân. Ngược lại, lãi suất tiền đồng tăng sẽ làm cho đồng Việt Nam có giá hơn, giúp ổn định tâm lý và tạo niềm tin vào điều hành thực tế, ngăn chặn đà tăng cao của lạm phát vào cuối năm. Vì vậy, việc tăng lãi suất cũng có thể xem là một động thái thắt chặt tiền tệ, là xu hướng phù hợp trong tình hình hiện nay.
Thị trường ngoại tệ lên cơn sốt kể từ cuối tháng 9, giá USD bứt khỏi giá chính thức 19.500 đồng/USD của ngân hàng, rồi tăng lên 20.000 đồng/USD và từ đầu tuần đến nay áp sát mốc 21.000 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên trong năm, tỷ giá tự do bỏ xa giá ngân hàng tới hơn 1.000 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, giá cũng bị đẩy lên 20.700 đồng/USD vào chiều 3-11. Trước cơn sốt nóng của thị trường, có người cho rằng tỷ giá sẽ được điều chỉnh tăng thêm, hoặc phải tính tới giải pháp ép tất cả các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ phải bán lại cho ngân hàng (hay còn gọi là kết hối). Tuy nhiên Chủ tịch Lê Đức Thúy khẳng định cả hai giải pháp này đều không thực hiện.
Việc làm rõ những định hướng và giải pháp bình ổn thị trường tiền tệ khẳng định sự kiên định của Chính phủ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát từ nay đến hết năm, đồng thời tạo lòng tin trong nhân dân vào sự điều hành của Chính phủ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()