Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến
Thực hiện đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 17/12/2016 về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, giá cả, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá, Giám đốc các Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn (gạo nếp, gạo tẻ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau xanh, trái cây, bánh kẹo, bia, rượu, nước ngọt, hoa, cây cảnh, cước vận chuyển hành khách, giá trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, vé tham quan…) để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật;
Các Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các địa phương có xảy ra lũ lụt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến…
Các đơn vị phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá.
Riêng đối với giá cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi, Sở Tài chính phối hợp để Sở Giao thông vận tải tiếp nhận kê khai giá từ ngày 01/01/2017 theo quy định, đồng thời, tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, Tết, cao điểm để tăng giá…
Cục trưởng Cục Thuế các địa phương phải chỉ đạo rà soát để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá.
Cục Thuế phải đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách được gia hạn trong năm 2016 đến hạn phải nộp vào ngân sách. Tổ chức thực hiện thu đầy đủ, thu kịp thời các khoản phải thu theo kết quả Kiểm toán, Thanh tra và cơ quan bảo vệ pháp luật. Công bố công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Chỉ thị 06 cũng chỉ đạo Thanh tra Tài chính chủ trì thực hiện việc kiểm tra chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán, giá, thuế, phí… theo kế hoạch và trường hợp đột xuất đối với các doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, kê khai giá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) phải tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên; Cục trưởng Cục Hải quan phải phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, buôn lậu qua biên giới, tập trung tại các tuyến và địa bàn trọng điểm…; Các Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phải có phương án bảo vệ an toàn kho tàng, hàng hóa… do đơn vị trực tiếp quản lý, phối hợp xác định giá mua bán một số mặt hàng đặc biệt…
Ý kiến ()