Không để tình trạng phá rừng Phi Tô tiếp diễn
Giữa tâm điểm mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi vào điểm "nóng" phá rừng tại tiểu khu 243, thuộc xã Phi Tô (huyện Lâm Hà, Lâm Ðồng). Trưa đứng bóng, khó để tìm một bóng cây trú nắng, trên những ngọn đồi thuộc đối tượng rừng phòng hộ này chỉ còn lác đác vài "khóm cây". Rừng ở đây dường như... đã "yên nghỉ"?!
Giữa tâm điểm mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi vào điểm “nóng” phá rừng tại tiểu khu 243, thuộc xã Phi Tô (huyện Lâm Hà, Lâm Ðồng). Trưa đứng bóng, khó để tìm một bóng cây trú nắng, trên những ngọn đồi thuộc đối tượng rừng phòng hộ này chỉ còn lác đác vài “khóm cây”. Rừng ở đây dường như… đã “yên nghỉ”?!
Giữa trưa nắng, theo những con đường mòn cắt rừng, băng núi, chúng tôi không tin nổi vào mắt mình. Khi thấy những cánh rừng phòng hộ xung yếu dọc theo thượng nguồn suối Ðạ Chomo ngày nào, nay chỉ còn trong ký ức. Trước mắt chúng tôi là những ngọn đồi bị “cạo trọc”, điểm xuyết vài khóm cây, mầu bạc thếch của đất, tro bụi và khói đốt rẫy làm nương… Rừng ở đây bị đốn hạ, đốt cháy nham nhở; một số khoảnh rừng còn sót lại thì cũng bị cháy sém, hàng loạt cây rừng chết đứng, làm cho cái nóng tháng ba ở Tây Nguyên càng trở nên ngột ngạt, hanh hao.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Hà Ðỗ Văn Thủy, tính đến thời điểm này, tổng số diện tích rừng phòng hộ xung yếu bị tàn phá lên đến 32,5 ha. Toàn bộ số diện tích rừng bị phá, lấy đất làm nương rẫy nêu trên thuộc một phần của khoảnh 3, 7, tiểu khu 243, nằm trong ranh giới hành chính xã Phi Tô (huyện Lâm Hà), do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban quản lý. Và trong mười ngày gần đây, tại tiểu khu này đã liên tiếp xảy ra tám vụ phá rừng, làm rẫy.
Trưởng Ban quản lý rừng (BQLR) phòng hộ Nam Ban Lê Hồng Nhân bộc bạch, chúng tôi đã dốc hết sức trong “cuộc chiến” giữ rừng này rồi. Ban đã lập tổ, lập trạm và bố trí hơn một phần ba quân số của đơn vị vào đây trực chiến nhưng vẫn không “ăn thua”.
Theo thống kê của BQLR phòng hộ Nam Ban, tổng diện tích có rừng tại khoảnh 3, 7 (tiểu khu 243) thời điểm đơn vị nhận bàn giao (năm 2011) là 115 ha, trạng thái rừng IIa. Trong đó, có khoảng 30 ha đã bị người dân chặt phá, lấy đất lập rẫy trồng cà-phê. Ðầu năm 2012, BQLR phòng hộ Nam Ban phối hợp chính quyền xã Phi Tô, Mê Linh (Lâm Hà) và lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức giải tỏa diện tích rừng bị phá để trồng cà-phê trái phép trên, nhưng bị một nhóm hơn 40 người (cư trú tại thôn Thực Nghiệm, Hang Hớt, Cổng Trời, Buôn Chuối – xã Mê Linh) dùng xà gạt, gậy gộc xông vào ngăn cản, tiến công và đánh trọng thương năm cán bộ kiểm lâm. Từ đó đến nay, việc phá rừng lập rẫy ở Phi Tô vẫn diễn ra. Dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2013, người dân ở bốn thôn trên tiếp tục vào đốt rừng, lập rẫy với diện tích khoảng 20 ha.
Không dừng lại ở đó, sau khi tình trạng phá rừng có tổ chức xảy ra, một số đối tượng đã thuê người tiếp tục phá rừng, lập rẫy. Theo biên bản xử lý, ngày 19-2, BQLR phòng hộ Nam Ban đã phát hiện và tạm giữ hai đối tượng là Ya Dim, Ya Ngân (ngụ tại Phú Hội, huyện Ðức Trọng) về hành vi phá rừng trái phép với diện tích khoảng 2.000 m2, thì Trưởng BQLR Nam Ban nhận được điện thoại đe dọa yêu cầu thả người.
Theo Hạt Kiểm lâm Lâm Hà, để giữ rừng, giải pháp trước mắt là thành lập đoàn công tác gồm nhiều thành phần tham gia để làm việc trực tiếp với già làng, cán bộ thôn, cùng các vị chức sắc trong thôn để vận động, tuyên truyền người dân không tiếp tục phá rừng, lập rẫy. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục bố trí lực lượng thường trực, tuần tra, kiểm tra 24/24 giờ tại tiểu khu 243; chú trọng việc chuyển giao nhận khoán QLBVR cho bà con dân tộc gốc Tây Nguyên tại khu vực rừng Phi Tô, đồng thời xác minh, làm rõ đối tượng chủ mưu tổ chức phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật… Theo chúng tôi, cuộc chiến bảo vệ rừng phòng hộ Phi Tô đang hết sức nóng bỏng, nhưng với lực lượng hiện nay của BQLR phòng hộ Nam Ban thì chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành liên quan mới hy vọng giữ được rừng.
Nhandan
Ý kiến ()