Không để ô nhiễm môi trường kéo lùi tăng trưởng
Dự báo, trung bình giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm. Do đó, cần thay đổi cơ cấu nền kinh tế hiện đang phụ thuộc nhiều vào năng lượng không tái tạo và có những chế tài xử phạt mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Đây là một nội dung được các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn – Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 18/11.
3 kịch bản tăng trưởng
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng với kỳ vọng đột phá của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Dựa trên các giả thiết về kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Kịch bản thấp, đó là khi kinh tế thế giới và thương mại quốc tế suy giảm mạnh và hệ thống tài chính toàn cầu nhiều bất ổn; tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội là 7%; rủi ro từ nợ công, bội chi ngân sách và hệ thống tài chính ngày một lớn; tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng kiểu cũ; cạnh tranh ngày càng gay gắt. Dự báo, tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,2%.
Kịch bản cơ sở với nhiều khả năng xảy ra nhất, trong đó giả định tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình khoảng 3%. Đầu tư khu vực Nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ giải ngân và hiệu quả. Điều hành chính sách có nhiều cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội trung bình giai đoạn tăng 7%… Dự báo, tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,55%.
Kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được nếu nền kinh tế có được những kỳ vọng như kịch bản cơ sở nhưng tiến trình tái cơ kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cải cách triệt để thể chế quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư công; năng suất lao động đạt được trung bình của các nước ASEAN. Khi đó, không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao hơn (tương ứng tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn khoảng 6,85%) mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho những giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, với đặc điểm của mình, Việt Nam cần hết sức phòng tránh các rủi ro về vấn đề môi trường. Cụ thể, mặc dù Việt Nam không phải quốc gia gây tác động nghiêm trọng tới quá trình nóng lên toàn cầu nhưng lại nằm trong nhóm 25 quốc gia thu nhập thấp-trung bình dẫn đầu về phát thải khí nhà kính hằng năm.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. Đặc biệt, ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai tại các đô thị, khu dân cư lớn, các làng nghề đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường tác động tới tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực về tài nguyên, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, nhưng trong đó tài nguyên nước, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế-sức khoẻ và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất.
Không để ô nhiễm môi trường kéo lùi tăng GDP
Theo các chuyên gia, dự báo trung bình giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, những đánh giá về dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn có tính đến yếu tố môi trường cần được thực hiện với những nghiên cứu chuyên sâu. Những nghiên cứu này sẽ đưa ra được những cảnh báo sớm nhằm phục vụ cho việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Các chuyên gia cũng giới thiệu mô hình kinh tế lượng có cấu trúc sử dụng để phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia. Mô hình này đã đưa ra đánh giá ban đầu về mối tương quan giữa yếu tố năng lượng và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo đó, nghiên cứu đã chỉ ra điện là nhân tố quan trọng cho sản xuất ở Việt Nam, tuy nhiên, nhu cầu về năng lượng tăng nhanh hơn mức tăng GDP, cụ thể để tăng 1% GDP thì nhu cầu về năng lượng điện cần tăng tương ứng từ 3-4%. Kết quả nghiên cứu cũng phản ánh sự thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng trong ngành sản xuất ở Việt Nam trong thập kỷ qua.
Từ những thực tế đó đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn thông qua tái cơ cấu lại các ngành kinh tế nhằm hạn chế bớt những ngành phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế thấp.
Các chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích sử dụng năng lượng sạch như khí thiên nhiên, nhiên liệu sinh học, năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như cấp phép hạn mức phát thải các chất ô nhiễm không khí cho các doanh nghiệp. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm; cần tăng cường giám sát xả thải, bảo đảm đúng quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển công nghiệp; cần có tỉ lệ chi ngân sách đúng mức cho hoạt động sự nghiệp môi trường, đặc biệt cần đầu tư cho công tác thu thập số liệu và xây dựng mô hình đánh giá, cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến nền kinh tế.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()