Không để người dân tái nghèo sau đại dịch
Thời gian qua, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của nước ta, nhất là đời sống, việc làm, sinh hoạt của người dân.
Đặc biệt, tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế, tình hình lao động việc làm quý III/2021 rơi vào tình trạng “tồi tệ”, khi số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy.
Báo cáo tình hình lao động việc làm quý III và chín tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn cho thấy, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm, mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức, khiến người lao động càng khó tìm cơ hội việc làm như trước đây.
Cụ thể là trong quý III, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468,9 nghìn người so quý trước và giảm 657 nghìn người so cùng kỳ năm 2020; số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người so quý trước và giảm 2,7 triệu người so cùng kỳ năm 2020…
Đáng lo ngại hơn là tình trạng dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Theo số liệu báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có khoảng 1,3 triệu người lao động dịch chuyển từ tháng 7 đến tháng 9 vừa rồi. Điều này khiến nguy cơ tái nghèo và đói nghèo có thể gia tăng tại nhiều địa phương.
Có thể thấy, dịch Covid-19 đang khiến cho những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều năm qua gặp phải những thách thức mới. Về ngắn hạn, tình trạng mất hoặc giảm thu nhập của người lao động sẽ tác động tới các nhóm thu nhập thấp, không có hoặc ít tích lũy, không tiếp cận được lưới an sinh xã hội và điều này tạo ra nhóm nghèo mới hoặc tái nghèo; có thể làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư.
Vì thế, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021 được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ ngày 17/10 đến 18/11, nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai. Thông qua các hoạt động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, cần tiếp tục làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và hành động tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”; vận động các nguồn lực ủng hộ cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Cùng với các nguồn lực chung tay để người nghèo “không ai bị bỏ lại phía sau”, các chính sách tổng thể giữ vai trò rất quan trọng nhằm giải quyết thách thức kép, vừa kiểm soát, thích ứng với Covid-19, vừa giảm nghèo và bất bình đẳng trong thời gian tới.
Để hạn chế các tác động tiêu cực của đại dịch, hạn chế tình trạng tái nghèo, trong giai đoạn phục hồi, các chính sách tái thiết cần tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Các chính sách cần hướng tới tối đa hóa hỗ trợ việc tiếp cận y tế và vaccine, giáo dục, thu nhập thông qua bảo hiểm y tế đối với nhóm nghèo và cận nghèo, các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng dân tộc thiểu số…, bên cạnh đó là các giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và kích cầu kinh tế.
Ngày 12/10 vừa qua, Quyết định số 1705/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành để cụ thể hóa kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15, ngày 27/8/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn…
Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động. Đây là một bộ phận quan trọng cấu thành chương trình khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ. Trong đó, tập trung xây dựng các giải pháp giúp giữ chân người lao động, thu hút người lao động đã về quê tiếp tục quay trở lại thị trường lao động, và giải pháp hỗ trợ điều tiết bổ sung lực lượng lao động cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên .
Ý kiến ()