Không để luật chờ văn bản hướng dẫn thi hành
Từ ngày 1-7-2015, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành. Theo nhận định của giới nghiên cứu và các nhà đầu tư, các doanh nhân trong và ngoài nước thì đây là bước tiến mạnh mẽ nhất trong 25 năm qua đối với khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Những quy định mới là cơ sở để kỳ vọng rằng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, cùng những hoạt động thành lập doanh nghiệp mới và mở rộng quy mô kinh doanh sẽ có bước chuyển biến lớn.
Theo hai sắc luật mới có hiệu lực nêu trên, từ ngày 1-7-2015, số lượng ngành nghề cấm kinh doanh chính thức giảm từ 51 xuống chỉ còn 6, các quy định về ngành nghề có điều kiện cũng được xóa bỏ với hơn 100 lĩnh vực. Đặc biệt, chỉ có Luật Doanh nghiệp là còn các văn bản dưới luật quy định điều kiện kinh doanh, trong khi Luật Đầu tư đã bảo đảm tính đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện và ngăn chặn được các quy định tùy tiện, các “giấy phép con” phiền hà của các cơ quan chức năng.
Xét về nguyên tắc, luật là văn bản pháp lý chỉ đứng sau Hiến pháp, một khi đã có hiệu lực thì mặc nhiên tất cả các tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc thi hành, nhưng trên thực tế, do chưa có các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hướng dẫn nên luật vẫn chưa đi vào cuộc sống. Chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn là chuyện thường tình lâu nay. Hai sắc luật nêu trên cũng đang gặp vướng mắc vì sự chậm trễ đó. Thí dụ: dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, đến nay chẳng những chưa ban hành được, mà còn nhiều tranh luận, kiến nghị chưa đạt được sự nhất trí và đồng thuận. Trong đó nổi cộm một số vấn đề như: Việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật liên quan và trường hợp đặc thù thì áp dụng theo quy định khác của luật liên quan đó; nghĩa là còn nhiều cái khác chồng lấn và làm giảm ý nghĩa cởi mở, thông thoáng của Luật Doanh nghiệp. Thực tế qua nhiều năm tích tụ, đến nay vẫn còn gần 1.700 điều kiện kinh doanh được quy định trong các thông tư của các bộ, cùng với số lượng lớn các điều kiện kinh doanh khác do UBND các cấp quy định. Rõ ràng, các “giấy phép con” này đang là hàng rào dầy đặc cản trở sự tiếp cận các nội dung của Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tâm huyết của các doanh nhân, nhà đầu tư, hiệp hội ngành nghề về nội dung chưa rõ, chưa đầy đủ của dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ còn phải ban hành tới sáu thông tư hướng dẫn chi tiết về việc triển khai thực hiện hai sắc luật sửa đổi nêu trên.
Để Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nói riêng, các sắc luật mới trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp lý đồng bộ với Hiến pháp năm 2013 nói chung được thực hiện đúng tiến độ và mục tiêu, cần tăng tốc hoàn thiện dự thảo và ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật với chất lượng cao, minh bạch, trung thành với nội dung tiến bộ của luật. Đồng thời, cần tăng cường rà soát những văn bản dưới luật không phù hợp với Hiến pháp và các sắc luật mới, đặc biệt là kiên quyết hủy bỏ những “giấy phép con”, những quy định điều kiện kinh doanh gây phiền nhiễu cho người đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()