Không để lỡ nhịp cuộc chơi lớn
Những năm qua, dòng vốn đầu tư thương mại của thế giới rất hạn hẹp nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Với nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, như: Điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Việt Nam đã chuẩn bị những gì để bắt nhịp cuộc chơi lớn này?
Dòng vốn chất lượng tiếp tục đổ vào Việt Nam
Trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI năm 2023 lên tới 12% so với năm 2022. Trong đó, các quốc gia lớn như Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%. Song, Việt Nam lại là một ngoại lệ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn giải ngân đạt kết quả ấn tượng với 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Mức giải ngân này được đánh giá là cao nhất trong suốt 35 năm Việt Nam đón dòng vốn nước ngoài.
Tiếp tục đà tăng trưởng đó, cả mức cam kết và giải ngân FDI tăng rất mạnh trong quý đầu tiên của năm 2024. Ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút thêm 6,17 tỷ USD vốn FDI. Con số này bao gồm tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2023. Trong tổng vốn FDI đăng ký quý I-2024 thì vốn đăng ký cấp mới (chiếm 77,3% tổng vốn) tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 57,9% và 23,4% về số vốn và số dự án. Giải ngân FDI 3 tháng đầu năm tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023 là con số ấn tượng. Đây là minh chứng rõ nhất khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Nhìn vào bức tranh thu hút vốn FDI trong những năm gần đây cho thấy, có sự cải thiện đáng kể về chất lượng các dự án đầu tư. Phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến... Ngày càng có nhiều nhà sản xuất lớn nằm trong chuỗi cung ứng của toàn cầu đã đến và chọn Việt Nam. Có thể kể đến những tên tuổi như: Intel, Bosch, Panasonic, Kyocera, Foxconn, Samsung, LG, Synopsys...
Chủ động đón sóng FDI lần thứ tư
Trong quá khứ, Việt Nam đã đón nhận 3 làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Đó là nhờ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật-công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, như: Điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Song, vấn đề đề xuất của một số nhà đầu tư nước ngoài là: Có biện pháp rõ khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu; cần đưa ra các quy chuẩn trong phòng cháy, chữa cháy; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm điện vào mùa hè ở miền Bắc...
Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam nhấn mạnh, kể từ sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) đang tăng tốc và Việt Nam được công nhận là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu, đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động tốt. Tất cả đều cần thiết để vận hành suôn sẻ, thu hút đầu tư liên tục cũng như thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Còn Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) băn khoăn về vấn đề thiếu điện tại miền Bắc. Ông Hong Sun, Chủ tịch Kocham chia sẻ: Các DN Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các DN công nghệ cao như bán dẫn. Tuy nhiên, họ đang ngần ngại tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng. Băn khoăn với việc cải cách thủ tục hành chính, ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) phản ánh, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy số hóa, nhưng nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy, thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử.
Khẳng định DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, không chỉ đóng góp cho ngân sách, giải quyết việc làm, DN FDI có vai trò lan tỏa vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy những DN Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
“Thành tựu của kinh tế Việt Nam trong những năm qua không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, là minh chứng mạnh mẽ khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Về giải pháp đột phá để thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư nước ngoài lớn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh. Cùng với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như: Đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, hải quan...
Đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của DN, cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến thời gian tới. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực nhằm thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt là những dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Ý kiến ()