Không để khan hàng, tăng giá
LSO-Thường vào dịp tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành công thương phối hợp với các sở, ngành thực hiện chương trình bình ổn giá dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó tập trung phân phối hàng Việt, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, nhất là vùng nông thôn.
Nhà phân phối Thiên Phú đưa hàng Việt đến người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn – Ảnh: TRÍ DŨNG |
Để thực hiện chương trình bình ổn giá năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành tài chính trích 30 tỷ đồng từ Quỹ dự trữ tài chính ngân sách tỉnh để hỗ trợ vốn cho 4 doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn tích trữ hàng hóa với mức lãi suất 0%. Các doanh nghiệp được ngành công thương lựa chọn kỹ càng, dựa trên quy mô, kết quả kinh doanh và mạng lưới phân phối hàng trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Qua khảo sát của ngành, hiện các doanh nghiệp đều sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích. Tất cả các đơn vị đều đã nhập hàng, thực hiện tích trữ với vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với số vốn được hỗ trợ và đã triển khai công tác bán hàng hóa bình ổn. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đăng ký rõ danh mục hàng hóa, giá bán từng loại sản phẩm với mức thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5% – 10%. Đồng thời, tại các điểm bán hàng bình ổn đều có treo băng rôn, bảng niêm yết giá rõ ràng giúp người dân dễ quan sát.
Điển hình như Công ty Cổ phần thương mại Hoàng Nguyên – đơn vị đã tham gia bán hàng bình ổn giá nhiều năm nay. Để chuẩn bị kinh doanh trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, công ty đã tích trữ hàng hóa từ tháng 12/2017. Ông Lê Công Được, Giám đốc công ty cho biết: Hiện công ty đã tích trữ gần 117 nghìn tấn hàng hóa đăng ký bán bình ổn giá như: muối I – ốt, bánh kẹo các loại, dầu ăn, đường kính… Đồng thời chuẩn bị phương tiện vận tải có treo băng rôn bán hàng bình ổn để phân phối hàng hóa đến các điểm bán lẻ ở tất cả các huyện, thành phố.
Bà Nguyễn Thị Du ở tổ 3, khối 1, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc vừa mua hàng tại đại lý bán hàng bình ổn của Công ty Cổ phần Hoàng Nguyên tại thị trấn Cao Lộc chia sẻ: Mấy năm nay cứ giáp tết là gia đình tôi đợi khi nào có điểm bán hàng bình ổn giá thì đi mua sắm. Do điểm bán hàng bình ổn này gần nhà nên trong suốt dịp tết nhà tôi chỉ mua tại đây. Hàng hóa hầu hết là sản xuất trong nước, xuất xứ rõ ràng mà giá cả lại rẻ hơn ở ngoài nên rất yên tâm.
Vận chuyển phân bón bình ổn giá xuống các đại lý – Ảnh: NHẬT ANH |
Cùng với việc cung ứng đủ hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng vật tư nông nghiệp cũng được 2 trong 4 đơn vị tham gia bình ổn thực hiện tích trữ với số lượng lớn, đảm bảo cung ứng đủ vật tư phục vụ sản xuất cho người dân khu vực nông thôn. Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng để tích trữ 10 nghìn tấn phân đạm và giống cây trồng các loại; Công ty Cổ phần Giống cây trồng đầu tư hơn 21 tỷ đồng để tích trữ 650 tấn giống cây trồng các loại đăng ký bán hàng bình ổn giá.
Theo đánh giá của ngành công thương, năm nay, lượng hàng hóa được các doanh nghiệp nhập để phân phối nhiều hơn năm 2017 khoảng 12% và giá cả đến thời điểm hiện tại không có biến động nhiều so với trong năm 2017. Do vậy, khả năng xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá trong dịp tết năm nay là rất thấp. Hiện tại, ngành công thương đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ những điều kiện đã cam kết khi đăng ký bán hàng bình ổn. Trong đó vừa thực hiện bán hàng bình ổn vừa tăng cường tổ chức các đợt phân phối hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân có cơ hội tiêu dùng hàng Việt có chất lượng với giá cả hợp lý.
Để thực hiện bán hàng bình ổn giá, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp được hỗ trợ 17 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Giống cây trồng được hỗ trợ 4 tỷ đồng đến hết ngày 31/10/2018. Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên được hỗ trợ 6 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thiên Phú được hỗ trợ 3 tỷ đồng đến hết ngày 30/6/2018. |
ANH DŨNG
Ý kiến ()