Không để dịch bệnh bùng phát sau bão, lũ
Bão số 10 đi qua không chỉ gây thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở y tế, ngành y tế các tỉnh miền trung còn phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ. Do vậy, bên cạnh việc khắc phục hậu quả do cơn bão để lại, ngành y tế các địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.
Chúng tôi có mặt tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do bão số 10 gây ra, với hơn 2.400 hộ bị ngập sâu trong nước. Trạm trưởng Y tế xã Cẩm Nhượng Nguyễn Xuân Từ chia sẻ: Sau bão, chính quyền địa phương, ngành y tế và người dân đã tập trung khắc phục thiệt hại do bão gây ra, đồng thời triển khai ngay chiến dịch vệ sinh môi trường, với phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó”, cùng các giải pháp đồng bộ như: tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước tại các vùng có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh; giám sát, phát hiện sớm nhằm khống chế, dập tắt các ca bệnh ngay từ khi mới xuất hiện… với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn…
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên Trần Huy Nghĩa, thời gian trước, trong và sau bão, một số trường học trên địa bàn được dùng để bố trí làm điểm tránh, trú bão cho nhân dân. Vì vậy, ngay sau khi bão tan, bên cạnh việc bảo đảm vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, ngành y tế huyện Cẩm Xuyên đã có mặt tại các trường học trên địa bàn để phun hóa chất Chloramin B xử lý môi trường phòng ngừa dịch bệnh, nhất là không để sức khỏe của giáo viên, học sinh tại các điểm trường này bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do thời tiết ở Hà Tĩnh đang nắng nóng, khô hanh, nguy cơ bùng phát dịch Sốt xuất huyết (SXH), bệnh tay, chân, miệng là rất cao. Do đó, Trung tâm YTDP huyện Cẩm Xuyên đang tập trung các biện pháp phòng, chống dịch SXH, tay, chân, miệng và các dịch bệnh như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, nước ăn chân… không cho dịch bệnh lây lan và bùng phát ra cộng đồng.
Giám đốc Trung tâm YTDP Hà Tĩnh Nguyễn Lương Tâm cho biết: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão, Trung tâm YTDP Hà Tĩnh đã cấp 90 lít hóa chất diệt muỗi và 170 kg Chloramin B cho các vùng trọng điểm như huyện Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế tại các xã bị ngập để tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các trạm y tế phối hợp chính quyền địa phương vệ sinh môi trường, phòng, chống các dịch bệnh trong mùa bão, lũ một cách có hiệu quả…
Cũng như nhiều địa phương khác, ngành y tế tỉnh Quảng Bình đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bão số 10 gây ra. Hầu hết cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Bình, bác sĩ Nguyễn Viết Thái cho biết: Do bệnh viện nằm trong vùng tâm bão cho nên thiệt hại nặng về cơ sở vật chất, nhưng nhờ chủ động đối phó với thiên tai, hoạt động khám, chữa bệnh của đơn vị không bị ảnh hưởng. Người bệnh được di dời, bố trí đến các khoa phòng an toàn và được cán bộ y tế chăm sóc nhiệt tình, chu đáo. Đáng chú ý, sau bão, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều người bệnh nhập viện trong tình trạng chấn thương, đa chấn thương do bị trượt ngã, hoặc các rủi ro khác xảy ra trong quá trình gia cố nhà cửa phòng, chống bão. Tuy nhiên, việc chuẩn bị kỹ các phương án, sự nỗ lực của các y sĩ, bác sĩ cho nên một số trường hợp phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu đã được thực hiện kịp thời. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức các bữa ăn từ thiện cho người bệnh, người nhà người bệnh, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để người bệnh yên tâm điều trị.
Đánh giá về những thiệt hại do bão số 10 gây ra và những công việc mà ngành y tế tỉnh Quảng Bình đã triển khai, bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết: Bão số 10 đã làm gần như toàn bộ cơ sở y tế của tỉnh bị hư hỏng. Thiệt hại ước tính tại các đơn vị y tế trong toàn ngành hơn 15 tỷ đồng. Ngay khi bão tan, Sở Y tế đã cử đoàn công tác đến các cơ sở y tế để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên cán bộ, y bác sĩ và người bệnh đang điều trị. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả của bão, phân bổ kịp thời hóa chất, thuốc men thiết yếu cho các địa phương, nhất là các vùng bị thiệt hại nặng nề trong trận bão vừa qua. Trung tâm YTDP tỉnh cũng đã cung ứng lượng lớn hóa chất, các cơ số thuốc cần thiết, chủ động cùng với các trung tâm y tế dự phòng các huyện và trạm y tế cơ sở giúp người dân xử lý môi trường và điều trị các loại bệnh thông thường hay mắc phải sau bão. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế bị hư hỏng sau bão đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh…
Mặc dù bão số 10 không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa, nhưng do triều cường nước biển xâm thực sâu từ 20 m đến 30 m tại một số điểm ven bờ biển và kết hợp với mưa lớn đã làm 357 nhà ở bị ngập. Theo Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Thanh Hóa Hà Đình Ngư cho biết: Sau khi bão tan, chính quyền, nhân dân các địa phương đồng loạt ra quân thu gom rác thải, vệ sinh môi trường khu dân cư, xử lý những điểm tồn lưu nước đọng dễ phát sinh bọ gậy làm bùng phát dịch SXH. Đáng chú ý, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh vẫn còn năm ổ dịch SXH tại bốn huyện, với 108 người bị SXH. Nhằm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh SXH bùng phát, ngành y tế đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi chủ động cho gần 2.000 hộ gia đình ở tại các ổ dịch nêu trên. Sở Y tế cũng tiếp tục chỉ đạo các trạm y tế xã, trung tâm y tế các huyện Thạch Thành, Hoằng Hóa, Hà Trung, Tĩnh Gia tiến hành tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; hướng dẫn người dân xử lý môi trường sau bão, nhất là việc phun hóa chất diệt muỗi chủ động không để phát sinh ổ dịch SXH tại các trường học trên địa bàn…
Cục trưởng YTDP (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho rằng: Sau bão, lũ, môi trường ô nhiễm do rác thải và xác động vật chết ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Đây chính là nguyên nhân gây nên các loại dịch bệnh như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn, nước ăn chân, SXH, sốt rét… Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị ngành y tế các tỉnh khu vực miền trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn vệ sinh môi trường sau lũ và ngập lụt, bảo đảm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… Cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs, hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng có thể bị ngập lụt… Đó là các giải pháp tích cực để bảo vệ môi trường sau khi bão số 10 đi qua.
Theo Nhandan
Ý kiến ()