Không đâu bằng Việt Nam
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài – Chủ nhân giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học 2023 đã luôn lựa chọn Việt Nam là nơi để trở về cống hiến, phục vụ đất nước.
Đi để trở về
“Ai cũng tò mò, hiếu kỳ về thế giới mình đang sống. Tôi cũng vậy. Tôi bị sự kỳ diệu trong suy nghĩ của con người lôi cuốn. Tôi muốn đi tìm câu trả lời cho thắc mắc, tại sao con người suy nghĩ, tính toán được mà sinh vật khác lại không làm được”, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài mở đầu câu chuyện về cơ duyên khiến chị đam mê bộ môn Sinh học.
Nữ Phó giáo sư sinh năm 1981 hiện đang đảm nhận vị trí Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học (ĐH) Quốc tế, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã từng ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ thần kinh từ khi còn bé.
Tuy nhiên, khi bước vào đại học, cô đã bị cuốn hút bởi lĩnh vực Miễn dịch học. Cô kể rằng sự hấp dẫn này đến từ những bài giảng của GS, TS Đỗ Ngọc Liên, một trong những chuyên gia hàng đầu về Miễn dịch học thuộc bộ môn Hóa sinh, Khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Lòng tận tâm và sự đam mê của các thầy cô trong chương trình tài năng và Khoa Sinh học đã giúp Nguyễn Thị Thu Hoài xác định hướng sự nghiệp của mình là khám phá lĩnh vực khoa học và trở thành người thầy cô mà cô ngưỡng mộ.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài trong phòng nghiên cứu. |
Sau khi tốt nghiệp ĐH Quốc gia Hà Nội, Thu Hoài đã sang Đức để theo đuổi học vị tiến sĩ tại Khoa Y, ĐH Greifswald. Năm năm sau, với đề tài nghiên cứu về “Đáp ứng kháng thể với sự gây nhiễm nhân tạo tụ cầu vàng”, cô đã đoạt bằng tiến sĩ ở tuổi 27. PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài nhận biết rằng con đường nghiên cứu khoa học của mình đã nhận được sự may mắn và ủng hộ. Trong quá trình làm tiến sĩ, cô đã có cơ hội du lịch khắp châu Âu, gặp gỡ những người tốt bụng và luôn nhận được sự giúp đỡ từ thầy cô và bạn bè.
Mặc dù có nhiều cơ hội nghiên cứu ở các quốc gia phát triển, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài khẳng định rằng cô luôn mong muốn ở lại Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển và cống hiến cho đất nước của mình, không bao giờ nghĩ đến việc ở lại Đức hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo đuổi ước mơ
Từ Đức trở về, TS Thu Hoài quay về Phòng Thí nghiệm y sinh của Trường Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó chị tới Viện Sức khỏe quốc gia của Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2011, TS Nguyễn Thị Thu Hoài quyết định dừng chân ở Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Hiện chị là trưởng nhóm nghiên cứu Vi sinh y học, Khoa Công nghệ sinh học. Hướng nghiên cứu của chị là về Cơ chế kháng thuốc và độc lực vi khuẩn; hợp chất kháng khuẩn; ung thư và hệ miễn dịch.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài (áo dài đỏ) chụp ảnh cùng người thân tại Lễ trao giải Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023. |
15 năm theo đuổi nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài vừa nhận được giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023. Nghiên cứu của chị trong thời gian qua đã hướng đến việc phát triển các phương pháp xét nghiệm mới để nhanh chóng phát hiện sự hiện diện của các gen kháng kháng sinh trên mẫu lâm sàng, mang lại sự hỗ trợ tốt hơn cho các y bác sĩ trong việc chẩn đoán kháng thuốc và đóng góp quan trọng cho bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Vấn đề của kháng kháng sinh hiện nay đang trở thành một thách thức lớn trong lĩnh vực y tế, tác động mạnh mẽ đến hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót, đồng thời tăng nguy cơ chi phí chăm sóc sức khỏe và đặt gánh nặng lớn cho xã hội. Dự kiến đến năm 2050, số ca tử vong do kháng kháng sinh được ước tính lên đến 10 triệu mỗi năm nếu không có những biện pháp can thiệp hiệu quả.
Một giải pháp để giảm tình trạng kháng kháng sinh và nâng cao hiệu quả điều trị là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời và chính xác về tình trạng kháng kháng sinh. Điều này giúp hỗ trợ việc xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả và ngăn chặn sự lây lan của các chủng đa kháng, toàn kháng.
Hướng nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài tập trung vào “Phát triển quy trình phát hiện gen kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số”. P. aeruginosa là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nhiễm trùng, từ cấp tính đến mãn tính và được xếp là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi và suy hô hấp. Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số, một công nghệ mới với độ nhạy, độ chính xác và độ tái lập cao, cùng khả năng định lượng ở nồng độ rất thấp và hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết, dù PCR giọt kỹ thuật số là một công nghệ mới và chưa có máy móc, nhưng sẽ sử dụng nguồn lực từ đối tác để thực hiện. Hàng năm, chị dành thời gian để nghiên cứu và học hỏi tại các nước phát triển để làm mới kiến thức và bắt kịp công nghệ.
Chia sẻ về hướng nghiên cứu trong tương lai, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài hy vọng không chỉ áp dụng công nghệ mới mà còn có thể hợp tác với các đối tác để cải thiện và phát triển công nghệ mới. “Kế hoạch ngắn hạn của tôi là tiếp tục nghiên cứu cơ bản và đồng thời thực hiện nghiên cứu ứng dụng. Việc đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế là mục tiêu của mọi nhà khoa học. Tuy nhiên, kế hoạch của tôi sẽ linh động để có thể đáp ứng với thực tế”, nhà nghiên cứu chia sẻ.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/khong-dau-bang-viet-nam-764089
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()