Không cứng nhắc và “mệnh lệnh hóa”, “hành chính hóa”
Quản lý bộ đội luôn là việc khó và được chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, nếu người chỉ huy quản lý một cách cứng nhắc và có những biểu hiện của “mệnh lệnh hóa”, “hành chính hóa” thì trên-dưới khó gần gũi, sẻ chia dẫn đến không kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của bộ đội một cách thấu đáo và nhiều vấn đề nảy sinh khác.
Bởi vậy, để làm tốt nhiệm vụ này, chỉ huy các cấp cần có những biện pháp phù hợp nhằm khích lệ, động viên, khơi dậy tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ, nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm minh của kỷ luật quân đội.
Cán bộ, chiến sĩ Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (gọi tắt là Trường bắn TB1) thuộc Quân khu 1 luôn tự hào về 4 cái nhất: Đơn vị có diện tích đất rộng nhất (hơn 315km2); tiếp giáp với nhiều địa phương nhất (14 xã thuộc 4 huyện của 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn); có nhiều trạm chốt nhất và hằng năm đón nhiều đoàn công tác nhất (các đơn vị trong toàn quân về diễn tập, hội thi, hội thao; thử nghiệm vũ khí, trang bị, khí tài và làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu).
Chỉ huy Đại đội Bảo vệ số 2, Trường bắn TB1 giao nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đất quốc phòng cho cán bộ, chiến sĩ Trạm chốt số 8. |
Từ đó, Đảng ủy, chỉ huy Trường bắn TB1 đã có nhiều chủ trương, biện pháp tăng cường quản lý, giám sát; giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; đặc biệt là quan tâm tìm hiểu tâm tư, sẻ chia, tạo điều kiện kịp thời để bộ đội được giải quyết nguyện vọng chính đáng. Vì thế, dù điều kiện công tác còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn yêu mến, gắn bó với đơn vị và tự giác chấp hành kỷ luật, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi đến Trạm chốt số 32, Đại đội Bảo vệ 1, nơi Trung úy QNCN Đỗ Như Chín, trạm trưởng và Binh nhất Vi Văn Ngọc đang thực hiện nhiệm vụ. Thay vì gọi theo số trạm chốt, chỉ huy Trường bắn TB1 thường gọi một cách thân thuộc theo tên trạm trưởng, như Trạm chốt số 32 gọi là “chốt ông Chín”. Mặc dù quân số ít lại cách khá xa đại đội và sở chỉ huy trường bắn nhưng kỷ luật, nền nếp tác phong tại “chốt ông Chín” được duy trì nghiêm túc, đúng quy định. Phòng làm việc sạch sẽ, ngăn nắp; nội vụ gọn gàng; sổ sách được sắp xếp ngay ngắn; quần áo phơi đúng quy định; nhà bếp sạch bóng… Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý 16 mốc giới và hơn 1.000ha diện tích trường bắn, Trung úy QNCN Đỗ Như Chín và Binh nhất Vi Văn Ngọc còn trồng rau, nuôi được đàn gà hơn 40 con cùng ngan, ngỗng, 4 con lợn, trâu, ngựa… tạo nguồn thực phẩm cải thiện đời sống và bảo đảm cho những ngày mưa gây chia cắt địa bàn như thời gian vừa qua.
Tôi không ngần ngại hỏi Trung úy QNCN Đỗ Như Chín: “Ở xa sở chỉ huy, không có sự giám sát thường xuyên của cấp trên, có khi nào các đồng chí xuề xòa với bản thân hay lơ là trong thực hiện nhiệm vụ không”? Anh Chín trả lời: “Nếu như thế, tôi sẽ phụ sự quan tâm, tin tưởng của cấp trên; không xứng đáng là người quân nhân, đảng viên, chỉ huy của chiến sĩ cấp dưới. Hơn nữa, so về độ tuổi, tôi với các đồng chí chỉ huy đại đội đều sêm sêm tuổi nhau, nếu để bị nhắc nhở, phê bình thì rất xấu hổ”.
Theo chia sẻ của Đại úy Lục Văn Then, Chính trị viên Đại đội Bảo vệ 1, anh Chín quê ở xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã có vợ và hai con; cháu lớn học lớp 2 còn cháu bé học lớp 1. Ngoài anh Chín, đại đội còn có hai đồng chí nữa cùng quê Thanh Hóa. Vì quê ở xa nên hằng tháng, đơn vị đều đăng ký và tạo điều kiện để các anh về thăm gia đình từ chiều thứ 5 đến chiều chủ nhật. Nhiều dịp lễ, Tết, người ở gần đơn vị xung phong trực giúp người ở xa; thường xuyên hỏi thăm, động viên tình hình sức khỏe bố mẹ, vợ con, người thân của nhau; chăm lo mọi mặt đời sống bộ đội… Qua đó, tạo thêm mối thân tình, gắn kết, sẻ chia giữa chỉ huy với cấp dưới và tình đồng chí, đồng đội. Vì thế, bộ đội ngày càng yêu mến đơn vị và có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trao đổi thêm về công tác quản lý bộ đội ở đơn vị, Đại tá Đặng Xuân Hùng, Chính ủy Trường bắn Quốc gia khu vực 1 cho biết: “Với đặc thù của đơn vị, nếu chúng tôi cứ cứng nhắc hay “mệnh lệnh hóa”, “hành chính hóa” thì sẽ rất mệt mỏi, căng thẳng cho cả chỉ huy và cấp dưới. Có khi hiệu quả lại không được như mong muốn. Vì thế, để cán bộ, chiến sĩ thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị, tự giác chấp hành các quy định, kỷ luật, thực hiện nhiệm vụ được giao, chúng tôi vừa duy trì nghiêm kỷ luật, chăm lo nâng cao mọi mặt đời sống, đề cao vai trò nêu gương của chỉ huy các cấp, vừa phải nắm bắt tốt tình hình tư tưởng và kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bộ đội, trong đó có việc linh hoạt tạo điều kiện để quân nhân chăm lo hạnh phúc gia đình”.
Lao động quân sự có những đặc thù riêng, đòi hỏi tính kỷ luật cao cũng như nghiêm ngặt về thời gian, nhất là ở các đơn vị chủ lực, sẵn sàng chiến đấu cao. Song, dù ở đơn vị nào, người chỉ huy cũng cần tránh những biểu hiện của “mệnh lệnh hóa”, “hành chính hóa” có thể dẫn đến quan liêu, thiếu sâu sát; thờ ơ, vô cảm, bàng quan trước những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng đội như một trong 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới đề cập. Thay vào đó, hãy hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội để hiểu rõ tâm tư, có biện pháp giáo dục, động viên, thuyết phục bộ đội hiệu quả.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()