Không còn tình trạng 3 bộ quản lý nợ công
Trong dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ Tài chính được UBTVQH đề nghị là cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Tờ trình của UBTVQH về tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). |
Ngày 3/11, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Theo ông Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến của các ĐBQH đồng tình quy định thống nhất một cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý vay nợ trong nước và nước ngoài, phù hợp với yêu cầu khắc phục tình trạng quản lý nợ công phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm theo tinh thần Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị; thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính”.
Dự thảo luật quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “Chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.
Về quy định nhiệm vụ chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài sẽ dẫn đến thay đổi nhiệm vụ này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) tại Luật Đầu tư công và Luật NHNNVN. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, việc áp dụng luật sẽ được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó “các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”, không phải sửa Luật Đầu tư công và Luật NHNNVN.
Dự thảo Luật quy định nợ công bao gồm: Nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương. Các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do NHNN phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) phát biểu ý kiến. |
Lý giải về việc này, UBTVQH cho biết các khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong phạm vi nợ công. Nhưng các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, được điều chỉnh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác và tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Về khoản nợ do NHNN phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ thì NHNN được sử dụng nguồn thu từ hoạt động nghiệp vụ để trả nợ. Quy định này phù hợp với Luật NHNNVN và thông lệ quốc tế.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()