Không còn quy hoạch 'trồng cây gì, nuôi con gì'
Theo Luật Quy hoạch, sẽ không còn việc cơ quan quản lý quy hoạch 'trồng cây gì, nuôi con gì' ở các địa phương. Mỗi nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp phải chủ động nắm bắt tín hiệu thị trường để thoát cảnh “giải cứu” nông sản mỗi khi được mùa.
Mới đây chiến dịch “giải cứu” củ cải trắng khá rầm rộ tại nhiều tỉnh phía Bắc |
Nỗi lo từ cây có múi
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thời gian gần đây, cây ăn quả có múi tăng trưởng khá cao. Điển hình như, năm 2017, diện tích các cây ăn quả có múi tăng lên đến 22.000ha so với năm 2016.
Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay: “Mấy năm nay, nhiều nơi người nông dân thu lời lớn từ trồng cam, bưởi khiến nông dân ở nhiều địa phương mở rộng diện tích trồng. Kết quả, hiện các loại cây có múi đang phát triển mạnh. Những loại cây có múi này đòi hỏi cao về điều kiện đất đai nhưng sản phẩm lại chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa, điển hình là mặt hàng cam”.
Trước sự phát triển rầm rộ của cây ăn quả có múi, ông Cường khẳng định: “Theo quy định mới là không có quy hoạch và tới đây cũng sẽ không có, đặc biệt là với những loại cây diện tích trồng không ở phổ rộng như cây có múi”.
Mặc dù vậy, ông Cường cũng thông tin thêm: Ngay ngày 22/3 vừa qua, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh về đảm bảo phát triển các loại cây trồng, khuyến cáo địa phương cần phát triển cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó có diện tích trồng cây có múi, giảm tối đa tình trạng “được mùa mất giá”, thị trường phải tham gia “giải cứu” nông sản.
Theo ông Cường, hiện nay, nông nghiệp đã sản xuất theo nhu cầu thị trường. Bộ NN&PTNT không được phép yêu cầu địa phương hay người nông dân không được trồng cây này, cây kia mà chỉ ra văn bản khuyến cáo địa phương, nông dân sản xuất như thế nào cho hợp lý. “Tuy nhiên, việc sản xuất đến đâu tiêu thụ bằng hết đến đó là rất hiếm, ngay cả ở châu Âu cũng còn hiện tượng tồn đọng nông sản khi vào mùa rộ”, ông Cường nói.
Lo lắng của lãnh đạo Cục Trồng trọt hoàn toàn có cơ sở sau qua bao nhiêu mùa “giải cứu” nông sản. Nhiều sản phẩm chăn nuôi khác cũng đã nhiều lần được “giải cứu”, như thịt lợn. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết trong 6 tháng qua, đàn nái giảm tới 20%, tuy nhiên lợn thịt chưa giảm ngay nên cung của mặt hàng thịt lợn vẫn lớn so với cầu.
Một điểm bán hàng trong chiến dịch “giải cứu” dưa hấu cách đây hai năm |
Xóa bỏ tư duy “bắt chước”
Trong nhiều năm qua, mặc dù có nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhưng nông dân sản xuất vẫn khá ổn định về mặt năng suất nhờ nâng cao kỹ thuật canh tác, chế biến. Tuy nhiên, giá bán nông sản vẫn chưa cao, thậm chí nhiều khi vẫn khó tìm người mua. Cả nông dân và Nhà nước đều thấy rõ là tăng sản lượng thì dễ nhưng tăng lợi nhuận thì không dễ.
GS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam đã thẳng thắn nhìn nhận: “Nông dân và các nhà sản xuất của chúng ta thường không nắm đủ các thông tin thị trường, vì nhiều lý do khách quan và một lý do chủ quan dễ nhận ra nhất: ít chịu bỏ công và bỏ của để điều nghiên thị trường, mà chỉ bắt chước láng giềng là chính (trồng dừa, cà phê, tiêu, điều, bạch đàn, cây ăn trái, nấm rơm; nuôi tôm, cua…). Và trồng một thời gian rồi chặt. Những nhà sản xuất thành công thường để nhiều công sức để nghiên cứu thị hiếu của khách hàng (để biết chất lượng cỡ nào, bao bì đóng gói thế nào) để tổ chức sản xuất theo thị trường đó”.
Còn muốn giữ chân được các nhà đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững thì luật pháp về hợp đồng cần chặt chẽ, đặc biệt là tính ổn định của pháp lý cần được chú trọng hơn.
“Các nhà sản xuất cần có tai mắt tại các vùng trọng điểm tiêu thụ hàng và vùng sản xuất hàng để nắm càng chính xác càng tốt khối lượng mặt hàng đang và sắp sản xuất, thời điểm thu hoạch, chiều hướng giá cả lên xuống… để liệu định sản xuất của mình. Nếu không nắm được thì rất dễ bị hố”, GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Về lâu dài, Nhà nước cần có dự báo chiến lược sản xuất các sản phẩm nào để có biện pháp đồng bộ từ tổ chức nông dân sản xuất đến việc tạo thị trường.
Còn theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), hầu hết các quốc gia đều có cơ quan trinh sát thị trường, cập nhật thông tin thường xuyên. Nhiều nước thậm chí còn xây dựng bản đồ, số hóa thông tin để đưa đến cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, nông dân có thể biết rõ cung cầu, xu hướng… Dựa trên những thông tin này, nông dân sẽ tự điều chỉnh sản xuất. Tuy nhiên, những vấn đề này ở Việt Nam còn thiếu và thẳng thắn thừa nhận là chưa có đơn vị nào làm tốt công việc này.
TS Sơn lý giải: “Bám sát thông tin thị trường là điều vượt ra ngoài năng lực và khả năng của nhiều nông dân. Hệ thống quản lý của Nhà nước cần có động lực mới, chuyển từ cách thức điều hành sản xuất theo kiểu kinh tế kế hoạch trước đây, nặng về làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ… sang điều hành thích ứng với kinh tế thị trường”.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()