Không có việc hơn 30 nghìn tấn gạo, ngô xuất khẩu bị mốc hỏng ở Lào Cai
Chung quanh việc dồn ứ gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, tại các cửa khẩu ở Lào Cai, có thông tin cho rằng hiện đang có hơn 30 nghìn tấn gạo, ngô bị mốc hỏng, nguy cơ phải đổ bỏ, thiệt hại rất lớn. Phóng viên báo NDĐT đã tìm hiểu thực tế và làm việc với cơ quan chức năng địa phương về việc này.
Sáng ngày 10-7, chúng tôi có mặt tại kho bảo quản gạo của Công ty TNHH Xuân Phát, đặt tại lô 30, khu Công nghiệp bắc Duyên Hải (TP Lào Cai), cách lối mở Bản Quẩn khoảng 8 km (nơi Bộ Công thương cho phép xuất khẩu gạo thí điểm qua địa bàn của tỉnh Lào Cai). Tiếng máy nổ ầm ì, chiếc ô tô tải (loại năm trục bánh) mang biển số 24C – 004.10, chở 27 tấn gạo đang lùi vào để bốc gạo xuống kho.
Chị Trương Thị Thu Hà, cán bộ phụ trách kho bãi của Công ty TNHH Xuân Phát cho biết: Là doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông sản tại Lào Cai từ nhiều năm nay, chúng tôi phải quan tâm, chú trọng hệ thống kho chứa để bảo quản hàng hóa, nhất là mặt hàng gạo, do phải vận chuyển gạo từ miền nam ra, lại còn phụ thuộc vào phía đối tác (Trung Quốc) tiếp nhận hàng. Hệ thống kho chứa của công ty có thể chứa được hàng chục nghìn tấn gạo, bảo đảm tồn trữ trong vòng 3 – 5 tháng mà không giảm phẩm cấp, nếu kéo dài hơn thì gạo sẽ ngả màu vàng (kém mã), chứ không mốc hỏng, phải đổ bỏ. Trong thời gian qua, công ty chúng tôi không bị mốc hỏng, hư hại một cân gạo nào.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Xuân Phát đã xuất khẩu hơn 10 nghìn tấn gạo qua các cửa khẩu, lối mở cửa tỉnh Lào Cai sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, do phía Trung Quốc siết chặt quản lý biên giới, nên việc xuất khẩu gạo tạm thời bị đình trệ, tồn đọng tại kho khoảng bốn nghìn tấn.
“Chúng tôi tập trung bảo quản tốt, chờ đợi điều kiện thuận lợi thì tiếp tục xuất khẩu gạo. Hoạt động tại đây nhiều năm, chúng tôi hiểu đây là việc bình thường trong buôn bán, làm ăn với phía Trung Quốc”, bà Hà nói.
Tại kho hàng của Công ty thương mại Việt – Tú, đặt tại lô F18, khu công nghiệp đông Phố Mới (TP Lào Cai), những bao gạo được xếp ngay ngắn, chống ẩm và chống nóng. Hiện, tại đây đang chứa khoảng bảy nghìn tấn gạo có nguồn gốc từ miền nam, đợi “thời cơ” xuất khẩu trở lại sang Trung Quốc. Đối với doanh nghiệp này, đối tác phía Trung Quốc đã thanh toán phần lớn trị giá lô hàng gạo bằng phương thức hàng đổi hàng nên không bị đọng vốn.
“Chúng tôi vừa đầu tư nâng cấp kho chứa hàng theo công nghệ chân không, bảo đảm có thể bảo quản gạo và thóc trong thời gian rất dài, có thể hàng năm”, Bà Nguyễn Việt Tú, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Việt – Tú cho biết.
Làm việc với Sở Công thương tỉnh Lào Cai, ông Hoàng Chí Hiền, Phó giám đốc sở này thông tin: Hiện tại, trên địa bàn TP Lào Cai tồn đọng khoảng 20 nghìn tấn gạo xuất khẩu (của các các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo, qua lối mở Bản Quẩn). Trong đó, Công ty TNHH Nhẫn Hồng Ngọc Việt 4.000 tấn, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Việt – Tú 7.000 tấn, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thiên Nhiên 9.000 tấn, Chi nhánh Tây Bắc (Tổng Công ty lương thực miền bắc) 1.000 tấn…
Tất cả số gạo trên đều đang được bảo quản trong các kho chứa, không có gạo để trên xe ô-tô, dãi nắng dầm mưa, dễ bị xuống cấp, hư hỏng.
Ông Hiền khẳng định: “Có một số ít doanh nghiệp nhỏ, do kho chứa còn tạm bợ, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật nên có gây ẩm mốc, hư hỏng những bao gạo ở đáy cùng của kho chứa, số lượng không đáng kể”.
Về vấn đề vì sao gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp bị tồn ứ tại Lào Cai? Làm việc với các cơ quan chức năng như Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch thực vật…, chúng tôi được biết là do cơ chế, chính sách, quy định của phía Trung Quốc về nhập khẩu mặt hàng này. Thời điểm tháng 1, tháng 2 đầu năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc lớn do phải dự trữ cho mùa đông kéo dài, còn vào thời điểm hiện tại (tháng 6 – 7), đúng vào vụ thu hoạch lúa, nên nhu cầu tiêu thụ và dự trữ gạo của Trung Quốc giảm (nhất là các tỉnh vùng tây nam Trung Quốc, giáp với Lào Cai) nên phía Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu gạo từ bên ngoài vào nội địa.
Khảo sát thực tế, tại lối mở thí điểm xuất khẩu gạo km 6 Bản Quẩn (Lào Cai), sáng ngày 10-7, tại hai bãi tập kết ở khu vực này không có một chiếc xe ô tô chở gạo nào, do phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu gạo. Trạm biên phòng Bản Quẩn cho biết, việc xuất khẩu gạo tại đây chậm dần từ đầu tháng 4 và từ 1-7 thì dừng hẳn, bởi các doanh nghiệp phía Trung Quốc không thể tiếp nhận gạo Việt Nam, vì lý do tăng cường quản lý biên giới. Không chỉ gạo từ miền nam, mà ngay cả gạo, ngô, sắn khô của đồng bào các địa phương giáp biên giới, như ở lối mở Na Lốc (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương), dù chính quyền địa phương hai bên đã thống nhất giao thương, hàng hóa cư dân biên giới, cũng tạm dừng.
Tại cửa khẩu phụ Km 0 (Bản Vược – Bát Xát), nơi duy nhất hiện nay còn có hoạt động xuất nhập khẩu hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất và nông sản thì hoạt động giao thương ở đây cũng rất khó khăn. Sáng này 10-7, có mặt tại cửa khẩu này, chúng tôi thấy không có một xe ô tô chở gạo, ngô nào làm thủ tục thông quan. Chị Cao Thị Kiều Trang, cán bộ Công ty TNHH Năm Điều (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Cơ quan Hải quan, Biên phòng tại đây luôn ưu tiên, dành thời gian thuận tiện cho hàng nông sản, nhất là gạo thông quan qua bến sông Hồng nhưng ngặt nỗi là do doanh nghiệp phía Trung Quốc không thể tiếp nhận mọi lúc, vì vậy phải chờ đợi.
Khoảng đầu năm nay, công ty này xuất khẩu từ 8-10 nghìn tấn gạo sang Trung Quốc, nhưng từ tháng 5 đến nay, rất khó khăn, vì phía doanh nghiệp Trung Quốc không thể tiếp nhận hàng.
Cũng tại cửa khẩu phụ Bản Vược, hiện có rất nhiều xe container đông lạnh tạm nhập tái xuất thông quan sang Trung Quốc, trung bình khoảng hơn 50 xe mỗi ngày. Cơ quan chức năng Việt Nam tại đây thực hiện thủ tục thông quan bảo đảm đúng quy định của luật pháp hai bên. Một cán bộ Hải quan tại đây thông tin, hàng tạm nhập tái xuất là của phía doanh nghiệp Trung Quốc nên họ có phần “nới lỏng”.
Như vậy, việc xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tại các cửa khẩu Lào Cai bị tồn ứ hoàn toàn không phải do hàng đông lạnh được tỉnh và cơ quan chức năng “ưu tiên”, còn nông sản, nhất là gạo bị đối xử thiếu “bình đẳng”, mà phụ thuộc vào cơ chế, chính sách và các đối tác nhập khẩu gạo phía Trung Quốc.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()