Không chủ quan với cúm gia cầm
Đợt rét đậm, rét hại đầu mùa ở các tỉnh phía bắc đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi. Nhiệt độ xuống thấp, khiến đàn gia cầm bị giảm mạnh sức đề kháng "chống chọi" với các chủng vi-rút cúm gia cầm. Theo Cục Thú y, mặc dù đã có biện pháp phòng, chống, tuy nhiên dịch cúm A/H5N1 vẫn xuất hiện lẻ tẻ tại một số địa phương.
Đợt rét đậm, rét hại đầu mùa ở các tỉnh phía bắc đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi. Nhiệt độ xuống thấp, khiến đàn gia cầm bị giảm mạnh sức đề kháng “chống chọi” với các chủng vi-rút cúm gia cầm. Theo Cục Thú y, mặc dù đã có biện pháp phòng, chống, tuy nhiên dịch cúm A/H5N1 vẫn xuất hiện lẻ tẻ tại một số địa phương.
Đáng chú ý mới đây tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), lần đầu tiên phát hiện một trường hợp tử vong do mắc bệnh cúm A/H10N8. Theo các nhà khoa học, H10N8 là một loại vi-rút cúm gia cầm được tìm thấy trên các loài chim hoang dã, đã biến đổi và lây sang người. Còn trước đó, vi-rút cúm A/H7N9 đang lưu hành ở Trung Quốc đã làm 140 trường hợp mắc bệnh, gần 50 người chết. Hiện đường lây nhiễm của virút H10N8 cũng tương tự như vi-rút H7N9 hay H5N1. Mặc dù đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 và cúm A/H10N8, song nguy cơ các chủng vi-rút nêu trên xâm nhập vào nước ta là rất cao, nhất là khu vực biên giới phía bắc và các tỉnh, thành phố có liên quan buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Thời điểm cuối năm, do nhu cầu sử dụng gia cầm trong dịp Tết tăng cao và thói quen sử dụng “gà sống”, càng làm cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trái phép diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, nhịp độ đi lại, di chuyển của người dân cũng tăng nhiều, cộng với thời tiết chuyển mùa sẽ là điều kiện tốt cho cúm gia cầm bùng phát trong thời gian trước và sau Tết.
Để ngăn ngừa dịch cúm A/H7N9 và A/H10N8 xâm nhập vào nước ta, các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác kiểm soát; lấy mẫu giám sát sự lưu hành của vi-rút cúm A/H5N1, H7N9 và H10N8… đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhập khẩu từ các nước có dịch, cũng như các hoạt động giao thương, du lịch ở các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm, kịp thời trường hợp mắc bệnh, có biện pháp ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới. Tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể đến từng thành viên; cử ngay các đoàn công tác đến tận thôn, ấp kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao… Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nêu trên, vấn đề quan trọng để phòng, chống dịch hiệu quả ở cơ sở là liên tục thông tin, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho chính quyền và người dân về mức độ nguy hại của dịch cúm gia cầm, từ đó có thái độ và hành động quyết liệt ngăn chặn dịch tái phát, đặc biệt là không được chủ quan, lơ là công tác phòng ngừa dịch cúm gia cầm lây sang người.
Theo Nhandan
Ý kiến ()