Không chủ quan với các điểm giết mổ gia cầm
LSO-Thời khắc giao thừa thiêng liêng của Tết cổ truyền đang cận kề, nhu cầu về thực phẩm tăng cao, nhất là các loại thịt gia cầm. Do tâm lý “thích thuận tiện” nên nhiều người tiêu dùng đã mua thực phẩm gia cầm thịt sẵn về chế biến. Tuy nhiên, do công tác kiểm soát giết mổ chưa sát nên dẫn đến công tác kiểm dịch sản phẩm thịt gia cầm tại một số chợ trên địa bàn cũng chưa được tốt. Việc “thả nổi” sản phẩm thịt gia cầm như hiện nay khiến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán trở lên đáng lo ngại.
Ông Hoàng Xuân Tiến, Chánh Thanh tra Sở Y tế – Phó trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh cho biết: trong đợt kiểm tra VSATTP trong những ngày vừa qua cho thấy, tình trạng thức ăn bày bán sẵn ngày càng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tình trạng thịt gia cầm thịt sẵn bày bán tại các sạp hàng ở các chợ, trên vỉa hè… đều không đảm bảo VSATTP.
Các điểm giết mổ gia cầm tại chợ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y |
Điều Phó trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh nói khiến chúng ta thực sự quan ngại trước nhu cầu ngày càng lớn về thịt gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán này. Số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo Liên ngành về VSATTP tỉnh khiến vấn đề này càng trở nên “nóng” hơn trong những ngày này, đó là: gần như 100% các điểm giết mổ gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh đều không đủ điều kiện giết mổ và đảm bảo vệ sinh trong khi giết mổ gia cầm. Việc giết mổ gia cầm phần lớn được thực hiện ngay tại các gian bán hàng trong các chợ, nước dùng cho giết mổ cũng đủ loại: nước máy, nước giếng và cả nước suối. Nưới thải, phân, lông… để bừa bãi, không được xử lý ngay, do vậy không đẩm bảo việc sát trùng khiến nguy cơ mất ATTP rất cao. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, hiện trên toàn địa bàn Lạng Sơn có hơn 510 điểm giết mổ đều do tư nhân quản lý. Quy mô các điểm giết đều nhỏ, lẻ, phân tán, nằm giải rác trong các khu dân cư, vì vậy việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ kiểm soát giết mổ gia cầm thông qua kiểm tra trong thời gian qua chỉ đạt 15 – 20% trên tổng số điểm giết mổ hiện có trên toàn địa bàn. Thực trạng này khiến thị trường sản phẩm thịt gia cầm gần như đang “thả nổi”, vì thế việc kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh giết mổ đối với gia cầm cũng không đảm bảo được.
Cuối năm 2013, tại hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc, liên quan đến việc kiểm tra, quản lý các điểm giết mổ gia súc, gia cầm, Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về VSATTP cũng đã báo cáo rõ về thực trạng và những tồn tại về việc này. Trong báo cáo nêu rõ: trên địa bàn cả nước hầu hết việc giết mổ gia súc, nhất là gia cầm đều ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình là chủ yếu nên việc kiểm tra hầu như không kiểm tra được trước và trong quá trình giết mổ. Điều này khiến nguy cơ thịt gia cầm nhiễm bẩn, nhiễm độc là điều không thể kiểm soát. Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về VSATTP cũng đã khuyến cao người tiêu dùng không sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đối với các hộ kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm cần phải thực hiện đúng quy định pháp luật và không vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về VSATTP cũng yêu cầu chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng giết mổ gia cầm.
Tuy nhiên, hiện công tác kiểm dịch các loại sản phẩm thịt gia cầm đang được bày bán tại một số chợ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được chặt chẽ. Dạo một vòng thị trường trong những ngày giáp Tết thì thấy, tất cả các điểm bán gà, vịt tại các chợ đều kiêm thêm dịch vụ giết mổ. Cụ thể như tại chợ Giếng Vuông, cả một khu buôn bán gia cầm, các chủ hàng đều giết mổ giúp người mua. Khu này không được quy hoạch để giết mổ nên không có khu thải nước, không có nguồn nước sạch, nền chợ thì bẩn… nhưng trong điều kiện “thiếu đủ thứ” ấy mà người bán hàng chỉ mất chục phút là thịt xong một con gà hay vịt. Như vậy, rất khó có thể đảm bảo vệ sinh cho những sản phẩm gia cầm. Một điều đáng lo ngại nhất chính là: hiện phần lớn các sản phẩm thịt gia cầm bày bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh đều không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Trao đổi về công tác kiểm dịch sản phẩm thịt gia cầm, cán bộ Trạm Thú y Thành phố cho biết rằng, gà sống bán ở chợ đã khó kiểm soát, gà đã giết mổ lại càng khó kiểm soát hơn. Bởi số lượng gà được mổ tại các lò mổ tập trung chỉ chiếm rất ít, trong số lượng thịt gà bày bán tại các chợ, nhất là các chợ lẻ, chợ cóc, chợ vỉa hè. Do mổ thịt gia cầm đơn giản, dễ làm nên nhiều tiểu thương tự giết thịt gia cầm tại nhà rồi đưa ra chợ bán, điều này khiến cho việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của gia cầm càng trở lên khó khăn.
Khó kiểm soát từ quản lý mua bán đến giết mổ gia cầm chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm lây lan các nguồn dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi chân chính và làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ thực tế này, các cơ quan chức năng, ngành Thú y cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch đối với sản phẩm thịt gia cầm để có thể làm yên tâm người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ này.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()